HOÀNG CẦM

Tên khác: Hủ trường, Túc cầm, Hoàng văn, Kinh cầm, Đỗ phụ, Nội hư, Ấn dầu lục, Khổ đốc bưu, Đồn vĩ cầm, Thử vĩ cầm, Điều cầm, Khô cầm, Bắc cầm, Phiến cầm, Khô trường, Lý hủ thảo, Giang cốc thụ, Lý hủ cân thảo, Điều cầm, Tử cầm, Đạm tử cầm, Đạm hoàng cầm, Tửu cầm, Đông cầm, Hoàng kim trà, Lạn tâm hoàng.

Tên khoa học: Scutellaria baicalensis Georg

Họ: Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae)

BỘ PHẬN DÙNG

Rễ củ – Radix Scutellariae, thường gọi là Hoàng cầm. Rễ có hai loại: loại rễ già, trong rỗng đen, ngoài vàng gọi là khô cầm; loại rễ non giữa cứng chắc, mịn, ngoài vàng trong xanh và vàng gọi là Điều cầm. Thứ to lớn hơn ngón tay là tốt


Hình 1: Rễ cây Hoàng cầm

MÔ TẢ CÂY

Hoàng Cầm là một loại cỏ sống dai, cao 20- 50cm, có rễ phình to thành hình chùy, mặt ngoài màu vàng sẫm bẻ ra có màu vàng. Thân mọc đứng, vuông, phân nhánh, nhẵn hoặc có lông ngắn. Lá mọc đối, cuống rất ngắn, hoặc không cuống; phiến lá hình mác hẹp, hơi đầu tù, mép nguyên, dài 1,5-4cm, rộng 3-8mm hoặc 1cm, mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới xanh nhạt. Hoa mọc thành bông ở đầu cành, màu lam tím. Cánh hoa gồm 2 môi, 4 nhị (2 nhị lớn dài hơn tràng) màu vàng, bầu có 4 ngăn.

PHÂN BỐ

Phân bố

Cây mọc tốt, nhưng chưa phát triển. Hiện vị này vẫn phải nhập của Trung Quốc (Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Hà Bắc, Hà Nam, Vân Nam, Nội Mông). Mọc hoang cả ở Liên Xô cũ được nghiên cứu sử dụng làm thuốc chữa cao huyết áp.

Thu hoạch, sơ chế

Mùa xuân và thu thu hoạch lấy rễ: Đào về cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hơi khô, cạo bỏ vỏ mỏng, phơi hoặc sấy khô là được.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Từ rễ hoàng cầm có nhiều hợp chất flavonoid đã được phân lập và xác định cấu trúc. Các chất quan trọng là baicalin (C21H18O11), baicalein (C15H10O5), scutellarein (C15H10O6), scutellarin (C21H18­O2), wogonin (C16H12O5).


Hình 3: Một số hợp chất chính trong Hoàng cầm

Chất scutellarein có cả ở trong lá, rễ, thân 8,4-10,3%, chất baicalin chỉ có trong rễ.
Ngoài thành phần flavonoid trong rễ hoàng cầm còn có tanin thuộc nhóm pyrocatechic (2-5%), nhựa. Không thấy có alkaloid, glucozide chữa tim, saponin và vitamin C. Thân và lá cũng có flavonoid.
 

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

 

Tác dụng hạ huyết áp

 

  • Theo báo Y học Liên Xô cũ (1951-6) dùng Hoàng cầm điều trị cao huyết áp thấy huyết áp từ 190/110 hạ xuống 135/60 và từ 190/95 hạ xuống 140/80. Tác dụng hạ huyết áp này có thể do ảnh hưởng của Hoàng cầm đối với thần kinh thực vật. Đối với cao huyết áp ác tính không có hiệu lực.
  • Theo Vecsinin (Dược lý học, 1952) rượu Hoàng cầm 1/5 có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt đối với huyết áp càng cao tác dụng càng rõ.
  • Căn cứ vào thí nghiệm trên động vật (chó) thì tác dụng hạ huyết áp này một phần do tác dụng trấn tĩnh đối với trung khu thần kinh, một phần do tác dụng trực tiếp đối với huyết quản.
  • Theo Lâm Cát Cường và một số người cùng nghiên cứu Trung Quốc sinh lý khoa học hội, 1956 dùng nước Hoàng cầm 16% rồi cho thỏ uống với liều 3g/kg thể trọng, uống luôn 3 tuần, cho chó uống với liều 6g/kg thể trọng, uống liên tục 8 tuần đều không thấy hiện tượng độc; dùng liều 3g/kg thể trọng chữa cao huyết áp thực nghiệm trên chó, dùng luôn trong 4 tuần thấy huyết áp hạ xuống, tần số tim đập giảm chậm lại.
  • Vương Nhĩ Đạt và Khâu Bồi Luân (1956) trong Trung Quốc sinh lý khoa học hội đã đi sâu nghiên cứu cơ chế tác dụng hạ huyết áp của Hoàng cầm. Các ông đã dùng rượu hoàng cầm tiến hành trên động mạch bình thường, động mạch thỏ đã bị cứng do dùng cholesterin và dùng phương pháp Nicôlaev (tai thỏ cô lập còn để lại dây thần kinh) để theo dõi ảnh hưởng Hoàng cầm đối với trung khu thần kinh. Đã đi đến một số kết luận sau đây:

 

Ø  Rượu Hoàng cầm có tác dụng dãn mạch đối với mạch của tai thỏ cô lập. Nồng độ 1/10.000 cho kết quả rõ rệt.
Ø  Rượu Hoàng cầm cũng có tác dụng dãn mạch đối với mạch máu của thận thỏ. Nồng độ 1/10.000 cho kết quả rõ rệt.
Ø  Dùng 3 loại dung dịch 1/50.000-1/100.000 và 1/500.000 đối với động mạch tim thì phần lớn thấy tác dụng co mạch nhẹ, cá biệt mới thấy hơi có tác dụng dãn mạch.
Ø  Dùng cồn Hoàng cầm với liều 0,2ml/kg thể trọng và 0,5ml/kg thể trọng tiêm vào tĩnh mạch thỏ bình thường, động mạch tai thỏ đã xơ cứng theo Nicôlaev thấy hiện tượng dãn mạch.
Ø  Dung dịch 1/10.000 cồn Hoàng cầm đối với mạch máu bình thường, mạch máu đã xơ cứng và tai thỏ cô lập còn dây thần kinh đều thấy huyết áp toàn thân hơi hạ xuống.

 

Tác dụng kháng sinh

 

  • Từ Trấn (1947), Luu Quốc Thanh (1950) và Không Khản (1955) đã nghiên cứu tác dụng kháng sinh của nhiều vị thuốc bắc, thấy nước sắc hoàng cầm 100% có khả năng ức chế vi trùng bạch hầu (21-30mm) Streptococcus hemolytic A. Staphylococcus aureus, vi trùng tả, vi trùng phó thương hàn, colibacilleStreptococcus hemolyticus B, vi trùng lao và dịch tả.

 

Tác dụng giảm sốt

 

  • Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang (Trung Hoa y học chí, 1935) đã gây sốt cho thỏ bằng vi trùng thương hàn rồi tiêm 4-8ml dung dịch 6% Hoàng cầm vào tĩnh mạch; tất cả tiến hành 10 lần thí nghiệm đều thấy tác dụng giảm sốt. Sau khi tiêm thuốc 1 giờ, nhiệt độ hạ xuống, sau đó dần dần lại tăng lên và trở lại nhiệt độ bình thường. Nhưng chưa chứng minh được rằng vị thuốc cho uống có tác dụng hạ nhiệt hay không.

 

Tác dụng lợi tiểu

 

  • Nhật Bán dược vật học tạp chí (1956) có nghiên cứu tác dụng của woogonin,   baicalin và baicalein trên thỏ thấy có tác dụng lợi tiểu.

Tác dụng của vitamin P

  • Chúng ta đã biết các hoạt chất của Hoàng cầm tìm thấy đều là dẫn xuất flavon. Mà dẫn xuất favon đều có tác dụng của vitamin P.

 

CÔNG DỤNG

Trong đông y

  • Tính vị, quy kinh: Hoàng cầm vị đắng tính hàn, vào 5 kinh tâm, phế, can, đởm và đại tràng.
  • Công năng, chủ trị: Có tác dụng tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt. Dùng chữa hàn nhiệt vãng lại, phế nhiệt sinh ho, tả lỵ đau bụng, thâp nhiệt da vàng, đầu nhức, tả lỵ, đau bụng, mắt đỏ đau, động thai.
  • Liều dùng: mỗi ngày 6 đến 15g sắc với nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể dùng bột. Gần đây, Hoàng cầm được dùng làm thuốc chữa các triệu chứng nhức đầu, mất ngủ của bệnh cao huyết áp do thần kinh thực vật và do mạch máu bị cứng, đồng thời được dùng điều trị bệnh cao huyết áp. Dùng dưới hình thức rượu Hoàng cầm (bột hoàng cầm 20g, cồn 700 vừa đủ 100ml). Ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần 20-30 giọt.
  • Chú ý: Người tỳ vị hư hàn, không có thấp nhiệt, thực hoả thì không nên dùng.

Trong cuộc sống

Đơn thuốc có hoàng cầm trong kinh nghiệm cổ truyền

  1. Thanh kim hoàng: Hoàng cầm sấy khô tán nhỏ làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày dùng 20-30 viên. Chữa các bệnh đổ máu cam, thổ huyết, kinh nguyệt quá nhiều, cảm mạo, ho cảm.
  2. Tam hoàng cầm
    Hoàng cầm (mùa xuân dùng 120g, mùa hạ và mùa thu 240g, mùa đông 120g).
    Hoàng liên (mùa xuân 160g, mùa hạ 280g, mùa thu 120g, mùa đông 80g).
    Đại hoàng (mùa xuân 120g, mùa hạ 40g, mùa thu 120g, mùa đông 200g).
    Cả ba vị, liều lượng tùy theo mùa mà thay đổi, tất cả tán nhỏ, dùng mật ong viên thành viên to bằng hạt đậu đen. Ngày uống 3 lần, mỗi lầm 5-7 viên. Uống luôn trong 1 tháng. Chữa bệnh lao, viêm niêm mạc tử cung
  3. Hoàng cầm-mạch môn đông

    Mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày thay nước. Dùng sau khi sinh nở bị mất máu nhiều, khát nước

Trong y học hiện đại

Dựa trên bài thuốc TỲ BÀ LỘ (tuyển tập “Trung Hoa Bản Thảo”-NXB KHKT Thượng Hải), công ty Cổ Phần Dược Phẩm OPC đã ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại theo chuẩn GMP-WHO phát triển nên 2 chế phẩm  THUỐC HO TRẺ EM -OPC, THUỐC HO NGƯỜI LỚN -OPC. Chế phẩm là sự phối hợp các dược liệu thiên nhiên đứng đầu trong nhóm điều trị ho như Tỳ bà lá, Cát cánh, Bách bộ, Tiền hồ,  Thiên môn đông, Phục linh/Bạch linh, Cam thảo, Hoàng cầm, đặc biệt hiệu quả trong điều trị viêm nhiễm đường hô hấp, ho gió, ho cảm, ho có đàm, đau họng.

Bên cạnh đó, dựa trên công năng “Thanh nhiệt táo thấp, tả hoả giải độc”, Hoàng cầm còn được ứng dụng vào sản phẩm CABOVIS® Viên thanh nhiệt giải độc, có tác dụng Thanh nhiệt giải độc, trị các chứng do nóng nhiệt trong người gây nên như: viêm họng, sưng đau chân răng, lở loét miệng, mụn nhọt, táo bón.


Viên thanh nhiệt giải độc Carbovis
 

HOÀNG CẦM (rễ)

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Rễ hình chùy, vặn xoắn, dài 8 – 25 cm, đường kính 1 – 3 cm. Mặt ngoài nâu vàng hay vàng thẫm, rải rác có các vết của rễ con hơi lồi, phần trên hơi ráp, có các vết khía dọc vặn vẹo hoặc vân dạng mạng; phần dưới có các vết khía dọc và có các vết nhăn nhỏ. Rễ già gọi là Khô cầm, mặt ngoài vàng, trong rỗng hoặc chứa các vụn mục màu nâu đen hoặc nâu tối. Rễ con gọi là Điều cầm, chất cứng chắc, mịn, ngoài vàng, trong màu xanh vàng, giòn, dễ bẻ. Hoàng cầm không mùi. Vị hơi đắng. Rễ to, dài, rắn chắc màu vàng đã nạo sạch vỏ là tốt. Rễ ngắn, chất xốp màu thẫm, thô, nhỏ là loại xấu.


Hình 4 : Rễ Hoàng cầm
 

Vi phẫu


Hình 5 : Vi phẫu cắt ngang rễ Hoàng cầm
 

Trong đó:

A- Hình dạng tổng quát (Sketch)
B- Vi phẫu cắt ngang rễ (Section illustration)
C- Lớp bần phía trong chất gỗ (Interxylary cork tissue exists in xylem)

  1. Lớp bần (Cork)
  2. Mô mềm vỏ (Cortex)
  3. Tế bào đá (Stone cells)
  4. Libe (Phloem)
  5. Tầng phát sinh gỗ (Cambium)
  6. Tia ruột (Xylem rays)
  7. Phần gỗ (Xylem)
  8. Tế bào bần phía trong (Interxylary cork tissue )

Bột

Màu vàng hay vàng nâu, sợi libe rải rác hoặc tập hợp thành bó, hình thoi, dài 60 – 250 μm, đường kính 9 – 33 μm, thành dày, ống lỗ nhỏ. Tế bào đá hơi tròn hoặc hình vuông hay hình chữ nhật, thành dày hay rất dày. Tế bào bần màu vàng nâu, nhiều cạnh. Mảnh mạch nhiều, thường có hình mạng lưới, đường kính 24 – 27 μm. Sợi gỗ thường đứt gẫy, đường kính 12 μm với các lỗ xiên rải rác. Nhiều hạt tinh bột, hạt đơn hình cầu đường kính 2 – 10 μm, có rốn nổi rõ, có khi hạt kép 2 – 3.


Hình 6: Vi phẫu bột rễ Hoàng cầm
 

Trong đó:

A- Hình quan sát được dưới kính hiển vi quang học (the light microscope)
B- Hình quan sát được dưới kính hiển vi phân cực (the polarized microscope)

1. Sợi libe (Phloem fibres)
2. Tế bào đá (Stone cells)
3. Sợi gỗ (Xylem fibres)
4. Hạt tinh bột (Starch granules)
5. Tế bào bần (Cork cells)
6. Mảnh mạch hình mạng lưới (Reticulate vessels)

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của rễ Hoàng cầm.

Độ ẩm

Không quá 12% 

Tro toàn phần

Không quá 6%

Định lượng

Bột dược liệu phải chứa không dưới 8% flavonoid tính theo baicalin (C21H18O11).

Lượt xem: 676
Tác giả: Sưu tầm & tổng hợp: Ks. Lê Văn Thành
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi