Thuốc Đông Y – Những câu hỏi liên quan

Đông y cho rằng nhờ vào tính vị khác nhau nên mỗi vị thuốc có tác dụng khác nhau. Bất kì loại nguyên liệu nào đều có thể trở thành một vị thuốc đông y.

thuốc đông y

Hình: Thuốc đông y

Hỏi: Thuốc đông y có nguồn gốc từ đâu?

Trả lời: Bất kì loại nguyên liệu nào đều có thể trở thành một vị thuốc đông y. Tuy nhiên, thực vật (thảo mộc) là loại nguyên liệu chủ yếu. Một số động vật và khoáng vật cũng có thể được sử dụng. Trong thuốc đông y, toàn bộ các bộ phận của thực vật được sử dụng để làm thuốc, bao gồm: các loại thân thảo, rễ, thân, lá, hoa, vỏ cây, trái và hạt. Nguồn cung cấp từ động vật bao gồm: các loại côn trùng, cá, vỏ (vảy), sâu và các loài thú. Các khoáng vật bao gồm thạch cao, hùng hoàng và lưu huỳnh.

Hỏi: Thuốc đông y được bào chế như thế nào?

Trả lời: Theo truyền thống, thuốc đông y được đun sôi trong nước, loại bỏ phần xác (bã) và phần chất lỏng thu được cuối cùng gọi là thuốc sắc. Ngoài ra, còn có các hình thức bào chế khác tạo thành các dạng thuốc khác nhau, bao gồm:

  • Dạng hoàn (viên thuốc to);
  • Dạng bột;
  • Dạng cao;
  • Dạng viên nang;
  • Dạng viên nén;
  • Dạng siro;
  • Dạng dịch dùng để tiêm;

Những loại thuốc trên được sử dụng tùy theo nhu cầu của mỗi bệnh nhân.

Hỏi: “Tứ khí” và “Ngũ vị” có nghĩa là gì?

Trả lời: Tứ khí trong đông y bao gồm “lạnh, mát, ấm, nóng”, cũng có thể gọi là dược tính. Ngũ vị bao gồm “chua, đắng, ngọt, cay, mặn”. Đông y cho rằng nhờ vào tính vị khác nhau nên mỗi vị thuốc có tác dụng khác nhau, tác động trên từng tạng phủ khác nhau và đi vào mỗi kinh lạc riêng biệt. Ví dụ, các vị thuốc nóng và cay như gừng tươi, thông bạch làm phát hãn (ra mồi hôi); những vị thuốc có vị ngọt như hồng táo và đảng sâm có tác dụng bổ dưỡng. Ví dụ trên lâm sàng, những người có triệu chứng họng khô và đắng trong miệng, gọi là nội nhiệt, cần dùng những vị thuốc có tính lạnh, mát. Những người bị nội hàn cần dùng có loại thuốc có tính ấm và bổ dưỡng.

Hỏi: Tác dụng thăng, giáng, phù, trầm của thuốc đông y là gì ?

Trả lời: Những tác động khác nhau của các vị thuốc đông y đưa đến hiệu quả chữa bệnh khác nhau.

  • “Thăng” là tính đi lên của thuốc, từ vì trí thấp lên vị trí cao hơn.
  • “Giáng” là tính đi xuống của thuốc, đến những vị trí thấp trong cơ thể.
  • “Phù” là nổi, là tính thúc đẩy của thuốc đến từng phần riêng trên cơ thể hay là sự di chuyển của của thuốc từ phần trên xuống phần thấp hơn.
  • Còn “trầm” là tính chìm, thu lại, ngấm vào, và có khả năng giúp cho việc đại tiểu tiện dễ dàng hơn.

Với mỗi tình trạng bệnh lý, sẽ có xu hướng tiến triển bệnh khác nhau (di chuyển lên trên, xuống dưới, đi ra bên ngoài và đi vào trong). Vì vậy cần sử dụng các vị thuốc tương ứng với tình trạng đó của bệnh, để cải thiện hoặc loại bỏ các triệu chứng của bệnh. Ví dụ, đối với bệnh cảm mạo, thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi nước, hắt hơi, nhức đầu, ớn lạnh, phát sốt, khó chịu toàn thân. Đông y cho rằng vị trí của bệnh là nằm phía trên và bên ngoài, nên phù hợp sử dụng các vị thuốc có tính thăng, phù như ma hoàng và quế chi (cành cây quế). Những vị thuốc có tính giáng và trầm thì không nên sử dụng.

Hỏi: Sự quy kinh của thuốc là gì?

Trả lời: Sự quy kinh của thuốc là vị trí mà thuốc đi vào và tác động đến nhiều nhất. “Quy” nghĩa là sự quy tụ, sự tập trung tác dụng của thuốc. “Kinh” nghĩa là kinh lạc tạng phủ của cơ thể.

Có một số vị thuốc chỉ đi vào một kinh, nhưng cũng có những vị thuốc, có thể đi vào nhiều kinh. Sử dụng thuốc dựa trên sự quy kinh giúp tăng tác dụng điều trị. Ngoài ra, tạng phủ, kinh lạc thường có mối liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau, nên trong việc sử dụng thuốc cần phải xét đến mối quan hệ này. Vì vậy, các thầy thuốc Đông y thường sử dụng các vị thuốc có khả năng đi vào nhiều kinh hơn.

Hỏi: Nguyên tắc và những cấm kỵ trong phối hợp thuốc đông y gồm những gì?

Trả lời: Các loại Thuốc đông y khi dùng phối hợp với nhau (phối ngũ) luôn có sự tương tác với nhau:

  1. Tăng cường lẫn nhau (tương tu) giúp tăng tác dụng khi hai vị thuốc có tính năng giống nhau được phối hợp với nhau. Ví dụ, tri mẫu phối hợp cùng thạch cao, làm tăng tác dụng thanh nhiệt.
  2. Hỗ trợ lẫn nhau (tương sử) là tăng cường tác dụng của thành phần chính trong toa thuốc nhờ vào các vị thuốc phụ trợ khác. Ví dụ, hoàng liên dùng để chữa bệnh lỵ, mộc hương giúp nhuận tràng thông tiện.
  3. Ức chế lẫn nhau (tương sát) làm giảm độc tính của thuốc. Ví dụ, độc tính của ba đậu làm giảm bởi đậu xanh.
  4. Kiềm chế lẫn nhau (tương úy) là khi hai vị thuốc kết hợp với nhau giúp loại bỏ độc tính của nhau. Ví dụ, nhân sâm và ngũ linh chi
  5. Ác chế lẫn nhau (tương ố) là khi phối hợp hai loại thuốc với nhau làm giảm hoặc mất đi tác dụng của vị thuốc này bởi vị thuốc còn lại. Ví dụ, tác dụng bổ khí của nhân sâm có thể bị mất đi bởi lai phục tử.
  6. Không tương thích lẫn nhau (tương phản) có nghĩa là khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra tác dụng phụ. Ví dụ, cam thảo làm tăng độc tính của nguyên hoa.
  7. Tác dụng đơn lẻ (đơn hành) là khi sử dụng duy nhất một vị thuốc để phát huy tác dụng riêng của nó. Ví dụ, dùng nhân sâm để bổ nguyên khí.

Tương phản, Tương úy, Tương ố nói trên là những cấm kỵ trong phối ngũ. Bởi vì khi phối ngũ với nhau có thể sản sinh ra tác dụng phụ, gây độc, hoặc làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

Hỏi: “Thuốc dẫn” là gì? Trong đơn thuốc, nó phát huy tác dụng gì?

Trả lời: Trong đông y, “thuốc dẫn” có tác dụng nâng cao hiệu quả điều trị, tăng công hiệu dẫn thuốc quy kinh, tác dụng điều hòa làm giảm độc tính của thuốc, và cải thiện mùi vị.

  1. Cân bằng và tăng cường tác động của thuốc: Ví dụ, trong cảm mạo phong nhiệt, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao và khát. Sử dụng trúc diệp hoặc lô căn làm thuốc dẫn sẽ tăng tác dụng thanh nhiệt và hạ sốt.
  2. Dẫn thuốc quy kinh: Ví dụ, khi bị đau ở chi dưới và bàn chân, ngưu tất được sử dụng để dẫn thuốc xuống dưới đến vị trí đau.
  3. Giảm độc tính của thuốc: ban miêu thường được sử dụng để điều trị ung thư gan. Tuy nhiên trong loại côn trùng này lại có đôc tính, đậu xanh được sử dụng để loại bỏ độc tính của vị thuốc này.
  4. Cải thiện hương vị: Ví dụ: mùi tanh của cá trong một số thuốc Đông y có nguồn gốc từ động vật sẽ được loại bỏ bằng rượu kê. Còn mật ong, đường mạch nha và nước mía được sử dụng giúp cải thiện hương vị của thuốc và dễ uống hơn.

Hỏi: Vì sao thuốc Đông y được bào chế bằng nhiều cách khác nhau?

Trả lời: Mỗi loại thuốc Đông y có một cách bào chế riêng nhằm mục đích:

  • Làm giảm hoặc loại bỏ độc tính và tác dụng phụ của thuốc;
  • Thay đổi hoặc nâng cao khả năng tác dụng chữa bệnh của thuốc;
  • Thay đổi hoặc nâng cao một phần tác dụng riêng của thuốc.;
  • Để phối hợp với các vị thuốc khác, bằng những hình thức khác nhau;
  • Để duy trì độ tính khiết của vị thuốc;
  • Để bảo quản và vận chuyển tốt hơn.

Hỏi: Cách xác định chất lượng của nguyên liệu làm thuốc Đông y?

Trả lời: Với sự khác biệt về môi trường và thổ nhưỡng, các loại thực vật được sử dụng trong Đông y sẽ có hiệu quả và chất lượng khác nhau. Nói chung, nguồn nguyên liệu tìm được trong tự nhiên và khu vực nổi tiếng thường có chất lượng tốt hơn nguồn nguyên liệu con người tự trồng. Bên cạnh đó, kích thước, hình dạng, màu sắc, cấu tạo và mùi vị của các nguyên liệu cũng là yếu tố quyết định để đánh giá chất lượng của một vị thuốc. Để mua được loại thuốc Đông y có chất lượng tốt, bạn hãy mua từ các tiệm thuốc Đông y có uy tín.

Hỏi: Làm thế nào để bảo quản tốt thuốc Đông y ?

Trả lời: Trong quá trình dự trữ và bảo quản thuốc, nếu không bảo quản đúng cách thường phát sinh các hiện tượng biến chất của thuốc như: bị sâu mọt, mốc meo, thay đổi màu sắc, chảy dầu… Hầu hết thuốc dễ bị sâu mọt và mốc meo khi bảo quản ở nơi có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ phòng, độ ẩm không khí tương đối cao (>70%) hoặc là khi trong thuốc có hàm lượng nước cao (>13%).

Để bảo quản tốt thuốc Đông y, cần đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng chiếu vào. Tốt nhất là nên bảo quản bằng ướp lạnh để giảm sâu mọt và nấm mốc phát triển, trong quá trình bảo quản cần định kỳ kiểm tra thường xuyên.

Tài liệu tham khảo

http://www.shen-nong.com/eng/principles/chiherbs.html

Lượt xem: 1.433
Tác giả: Bs. Đoàn Thị An Thủy
Nguồn:yhoccongdong.com Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi