Điều trị ra mồ hôi trộm bằng y học cổ truyền

Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.

Tổng quan

Ra mồ hôi trộm (chứng Đạo hãn) là một rối loạn bài tiết mồ hôi xảy ra trong khi ngủ và dừng lại khi thức dậy. Những người bị ra mồ hôi trộm thường xuyên bị đánh thức bởi quần áo ngủ và khăn trải giường ẩm ướt, làm ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Ra mồ hôi có thể xuất hiện trên một vùng cụ thể hoặc trên toàn bộ cơ thể. Đây là một bệnh khá phổ biến đặc biệt là ở người cao tuổi và thường không được xem là biểu hiện của một triệu chứng bệnh lý quan trọng đáng quan tâm.

Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc nếu tình trạng ra mồ hôi trộm của bạn xảy ra thường xuyên, hoặc ra mồ hôi trộm kèm với các triệu chứng như sốt, tim hồi hộp, sụt cân. Trong hầu hết các trường hợp, nếu tìm ra các nguyên nhân có thể giúp loại bỏ hoặc làm giảm nhẹ tình trạng ra mồ hôi trộm. Chứng này thường xuất hiện trong các trường hợp như thời kỳ mãn kinh, nhiễm trùng, ung thư, tác dụng phụ của thuốc, hoặc một số các rối loạn liên quan đến thần kinh nội tiết. Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở.

Theo lý luận của y học cổ truyền, sự điều hòa vận động tương hỗ giữa Dinh khíVệ khí trong cơ thể hình thành nên sinh lý chu kỳ thức ngủ.

  • Dinh khí là khí có chức năng dinh dưỡng cho cơ thể, ngày đêm tuần hành bên trong kinh mạch.
  • Vệ khí là khí có chức năng phòng vệ, ngăn cản các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, ngoài ra còn có chức năng làm cho cơ, da, lông tươi tốt, điều khiển đóng mở tuyến mồ hôi. Vệ khí ban ngày tuần hành ở bề mặt ngoài của cơ thể, ban đêm sẽ đi vào bên trong cơ thể và kết hợp với dinh khí (là một phần âm của cơ thể).

Khi các nguyên nhân gây bệnh từ tà khí bên ngoài (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa) hay các nguyên nhân gây bệnh bên trong (do sự thái quá của bảy loại tình chí: Vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ) làm ảnh hưởng đến hoạt động công năng của khí đều có thể xuất hiện chứng ra mồ hôi trộm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân đạo hãn thường gặp trong các trường hợp sau:

1. Âm hư dương cang: Bình thường vào ban đêm, khi ngủ, vệ khí sẽ đi vào bên trong cơ thể, khi cơ thể bị âm hư, vệ khí đi vào bên trong cơ thể sẽ không được cân bằng và vì thế dương khí bên trong cơ thể gia tăng (dương cang) làm nóng trong người và đổ mồ hôi. Tuy nhiên, khi thức dậy (vào ban ngày), vệ khí sẽ đi ra ngoài và lỗ chân lông đóng lại nên hiện tượng đổ mồ hôi sẽ biến mất.

Đạo hãn nặng thường kèm theo gò má đỏ, người gầy gò, có những cơn bốc hỏa, lòng bàn tay và lòng bàn chân nóng, khát nước và lưỡi đỏ; tình trạng này thường gặp ở những người lao phổi.

2. Dương khí hư: Khi dương khí hư, chức năng điều hòa đóng mở của các lỗ chân lông tuyến mồ hôi bị suy giảm. Thêm vào đó, ban đêm khi ngủ, vệ khí đi vào bên trong, sẽ tiếp tục làm suy yếu chức năng này, và do đó dẫn đến đạo hãn.

Điều trị

Y học cổ truyền điều trị mồ hôi hôi trộm chủ yếu bằng phương pháp ích khí dưỡng âm (nâng cao vệ khí, giúp điều hòa đóng mở lỗ chân lông và nuôi dưỡng phần âm, mục đích lập lại cân bằng âm dương). Ngoài ra khi lựa chọn các phương pháp điều trị, các thầy thuốc Y học cổ truyền còn lưu ý đến sự ảnh hưởng từ các tạng phủ khác (ví dụ Tâm, Thận và Can), bản chất của bệnh (ví dụ có liên quan đến khí, huyết, âm, dương, thịnh, suy…), cũng như các nguyên nhân gây bệnh khác (ví dụ như: hỏa, thấp nhiệt, huyết ứ…).

Ở phụ nữ bị ra mồ hôi trộm kèm theo rối loạn kinh nguyệt thì cần phải đồng thời chú ý củng cố 2 mạch Nhâm và Xung. Vì mạch Xung là nơi hội của huyết mạch, mạch Nhâm lại chủ về bào thai, nên 2 mạch này có quan hệ mật thiết với sản phụ khoa.

Các loại thuốc YHCT thường được cân nhắc lựa chọn sử dụng trong điều trị ra mồ hôi trộm như là Mẫu lệ (vỏ bào ngư), Phù tiểu mạch (lúa mì hạt lép), rễ Ma hoàng, Ngũ bội tử, ngũ vị tử, Nọa đạo căn (gốc rễ của cây lúa nếp), Thục địa và Sơn thù

Biện chứng luận trị

Dựa vào phương pháp thăm khám trên lâm sàng của Y học cổ truyền gọi là “Tứ chẩn” bao gồm: vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi), thiết (sờ, bắt mạch), thầy thuốc sẽ ghi nhận các triệu chứng và chẩn đoán được các thể bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Dưới đây là các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp điều trị tương ứng:

1.Thể Âm hư hỏa vượng

Triệu chứng: Thường xuyên đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, lòng bàn tay và lòng bàn chân nóng, gò má đỏ, khát nước, nước tiểu ít, vàng, táo bón, chất lưỡi đỏ, và mạch Tế (nhỏ) và sác (trên 90 lần/phút).

Phương pháp điều trị: Tư âm, giáng hỏa và ức chế tiết mồ hôi

Bài thuốc tham khảo: Đương Quy Lục Hoàng Thang gia Địa cốt bì, Tri Mẫu và Miết giáp. Nếu bệnh nặng gia Mẫu lệ, Phù tiểu mạch, Nọa đạo căn để ức chế tiết mồ hôi. Nếu người bệnh hay sốt về chiều có thể thêm Tần giao, Ngân sài hồ, Bạch vi.

2.Thể tâm huyết không đầy đủ

Triệu chứng: Ra mồ hôi trộm, hồi hộp, ngủ dễ thức giấc, xanh xao, hơi thở ngắn, mệt mỏi, lưỡi nhạt và mạch hư.

Phương pháp điều trị: Bổ huyết, dưỡng tâm, thu giữ mồ hôi.

Bài thuốc tham khảo: Quy tỳ thang gia Long cốt (xương động vật hóa thạch), Mẫu lệ, Ngũ vị tử và Phù tiểu mạch. Nếu người bệnh có triệu chứng của huyết hư như: hoa mắt, chóng mặt, môi nhạt, móng tay chân nhạt màu, ngủ hay mơ, thì gia thêm Hà thủ ô chế, Câu kỷ tử, Thục địa nhằm bổ ích tinh huyết cho cơ thể.

3.Thể khí hư và âm hư

Triệu chứng: Ra mồ hôi trộm, hồi hộp, người bức rức, sốt về chiều, hơi thở ngắn, khát hay khô miệng, mệt mỏi, lưỡi thon, đỏ, mạch nhược hoặc phù.

Phương pháp điều trị: Ích khí cố biểu, Tư âm thoái nhiệt.

Bài thuốc tham khảo: Sinh mạch tán gia Hoàng kì, Nọa đạo căn và Mẫu lệ.

4.Thể huyết ứ

Triệu chứng: Ra mồ hôi trộm nhiều, phát sốt, có hiện tượng bồn chồn nóng nảy, dễ cáu gắt, da thịt không ấm hoặc lạnh, mất ngủ, ngủ thì mơ nhiều, sắc mặt xạm, miệng khô, lưỡi đỏ sẫm, mạch sáp hay trầm.

Phương pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, lương huyết, cầm mồ hôi.

Bài thuốc tham khảo: Đào Hồng Tứ vật thang phối hợp với Mẫu lệ tán

Mẫu lệ                                Thục địa                      Bạch thược

Châm cứu điều trị ra mồ hôi trộm

Theo lý luận Y học cổ truyền, “Tâm chủ huyết mạch, mồ hôi là dịch của Tâm”. Huyết và dịch là những thành phần quan trọng của phần Âm cơ thể, đổ mồ hôi trộm có liên quan với sự suy giảm của Tâm âm và vượng động của Tâm dương; do lo lắng, nghĩ ngợi thái quá hoặc hoạt động trí óc nhiều làm cho suy giảm Tâm âm, khiến cho Tâm dương vượt lên trên mà xuất hiện ra mồ hôi trộm. Châm cứu không chỉ giúp cầm mồ hôi, mặt khác nó cũng có thể thúc đẩy cơ thể tự điều chỉnh lại cân bằng Âm Dương. Một số huyệt để điều trị ra mồ hôi trộm là:

  • Âm khích (Ht 6): Tác dụng bổ Tâm âm mà giáng Tâm hỏa xuống.
  • Hậu Khê (Si 3): Tác dụng tăng cường hóa sinh Tân dịch, bổ ích Tâm âm, liễm Tâm dương.
  • Nội quan (Pc 6) và Thần môn (Ht 7): Tác dụng trấn tĩnh an thần, làm giảm triệu chứng đánh trống ngực và khó chịu.
  • Bách hội (Gv 20) và Phong phủ (Gv 16): Tác dụng an thần và ngủ ngon .
  • Thận du (Bl 23), Can du (Bl 18), Thái khê (Ki 3) và Khí hải (Cv 6): Tác dụng bổ khí dưỡng âm. Các huyệt này còn được chỉ định khi ra mồ hôi trộm trong thời kỳ mãn kinh.

Thuốc dùng bên ngoài để chữa ra mồ hôi trộm

Có nhiều phương pháp sử dụng thuốc dùng ngoài để điều trị chứng ra mồ hôi trộm. Nói chung, người bệnh có thể có những đáp ứng điều trị khác nhau đối với cùng một phương pháp chữa, cho nên bạn phải thử nghiệm và hỏi ý kiến thầy thuốc để chọn ra cho mình phương pháp điều trị tốt nhất.

1. Đắp thuốc trên rốn:

Phương (1): Ngũ bội tử (100g) và Ngũ vị tử (100g).

Phương (2): Ngũ bội tử và nung Long cốt lượng bằng nhau, vừa đủ.

Phương (3): Ngũ bội tử, Khô phàn, Hoàng bá, lượng bằng nhau, vừa đủ.

Phương (4): Ngũ bội tử (60g), Tang diệp (30g), Ma hoàng (18g), nếu khí hư gia thêm Sinh Hoàng kì (30g).

Các vị trên tán, mài hoặc xay thành bột mịn và bảo quản nơi kín đáo để dùng khi cần thiết. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, lấy 20g bột, trộn với ít giấm thành bột nhão, đặt ở rốn và sau đó phủ lên bằng gạc và băng cố định, 24 giờ thay thuốc 1 lần. Vào mùa đông, nên kết hợp cứu ấm thêm 20 phút.

2. Đắp thuốc trên núm vú

Phương (1): Uất kim (100g).

Phương (2): Hoàng bá (100g).

Tán thành bột và bảo quản nơi kín đáo để dùng khi cần thiết. Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa sạch núm vú, lấy 10g bột và trộn với ít mật ong, phết lên trên núm vú, phủ gạc lên và cố định lại, giữ gạc qua đêm. Sáng dậy rửa sạch.

3. Đắp thuốc vào lòng bàn chân

Phương (1): Ngũ bội tử (100g) và Toan táo nhân (100g).

Phương (2): Ngũ bội tử (100g), Uất kim (50g), Ma hoàng căn (50g ) và Băng phiến (5g).

Tán thành bột và bảo quản nơi kín đáo để dùng khi cần thiết. Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa sạch chân, lấy 20-30g bột và trộn với nước, đắp vào lòng bàn chân, phủ gạc lên và cố định lại. Sau đó, dùng ngón tay ấn vào vùng trên 30 phút, giữ gạc cố định qua đêm. Sáng dậy rửa sạch. Một liệu trình điều trị thường đắp thuốc 3- 7 lần.

Ngũ bội tử                        Bách hợp                         Long cốt

4. Thuốc bột trị mồ hôi trộm

Phương (1): Ma hoàng căn (30g), Mẫu lệ (30g, nung), Xích thạch chi (15g), và Long cốt (15g).

Phương (2): Ma hoàng căn (30g), Lưu huỳnh (30g) và Mẫu lệ (30g, nung).

Phương (3): Mẫu lệ, Long cốt (nung) và Nhu mễ (nướng), lượng bằng nhau.

Tán các vị trên cho đến khi thành bột mịn. Mỗi lần trước khi đi ngủ, tắm sạch và lau khô cơ thể, Rắc bột và xoa đều khắp cơ thể.

5. Thuốc nước trị mồ hôi trộm

(1) Chuẩn bị 100g Phù tiểu mạch và đun sôi với nước thành 200ml dung dịch. Mỗi tối trước khi đi ngủ, xoa khắp cơ thể.

(2) Chuẩn bị 20g Uất kim và đun sôi với nước thành 50ml dung dịch. Mỗi tối trước khi đi ngủ, xoa vào núm vú trong 20 phút.

Ẩm thực chữa ra mồ hôi trộm

Những thức ăn cay nóng sẽ kích thích sự bài tiết của tuyến mồ hôi. Những người bị ra mồ hôi trộm nên hạn chế các thực phẩm như hạt tiêu, ớt, mù tạt, gừng, thịt cừu, thịt chó, thịt chim sẻ, rau thì là, quế, vải thiều, và cũng nên từ bỏ thuốc lá và rượu bia. Nên bổ sung những thực phẩm có tính mát và bổ dưỡng có thể bổ âm thanh nhiệt như: nấm tuyết, bách hợp, củ cải, hạt sen, mật ong, ngó sen, lê, cà rốt, rau chân vịt, đậu đen, hạt đào, hạt mè, long nhãn nhục, cam, đào, khoai lang, cà chua, cải thảo, đậu tương, giá sống, rong biển, cá ngựa, vịt, hàu, gan động vật, mực, hải sâm, ốc xà cừ và cá chình.

Mỗi loại thức ăn có thể phù hợp với mỗi người, bạn nên thử nghiệm và chọn ra thực phẩm cho riêng bạn hoặc các loại thực phẩm có lợi nhất cho cơ thể bạn.

Dưới đây là một số công thức nấu ăn đơn giản có thể áp dụng cho người ra mồ hôi trộm:

  • Ô mai (10 quả), Phù tiểu mạch (15g), lá dâu tằm (10g) và Chà là đỏ (10 quả), đun sôi với 2000ml nước trong một giờ, và uống như trà.
  • Đào khô (15 quả) và Chà là đỏ (10 quả), đun sôi với 2000ml nước trong một giờ, uống hằng ngày thay trà.
  • Tiên hạc thảo (30g) và Chà là đỏ (15 quả), đun sôi với 2000ml nước trong một giờ, uống như trà.
  • Thục địa (30g) và Ô mai (20g, đập dập), đun nhỏ lửa với 500ml nước trong 20 phút đến còn 250ml, lấy nước, bỏ xác, thêm mật ong cho vừa uống.
  • Lá dâu tằm tươi (100g), nướng khô, xay thành bột mịn. Mỗi đêm dùng 6g ăn chung với một bát cháo.
  • Nấm tuyết (10g), Bách hợp (30g), gạo (50g) và đường phèn (30g). Sử dụng nồi đun sôi 2000ml nước, thêm vào các vị trên vào và đun nhỏ lửa ở nhiệt độ thấp cho đến khi đặc lại như cháo.
  • Đậu đen (50g), Phù tiểu mạch (30g), Hạt sen (15g), Chà là đỏ (10 quả) và Đường phèn 30g. Đun sôi với 1500ml nước trong một giờ, uống như canh.
  • Đậu đen (60g) và cá trê (500g). Rửa sạch cá, bỏ hết nội tạng, cắt thành từng miếng lớn. Cho dầu thực vật trong nồi đất và tăng nhiệt độ, cho cá và 1 lát gừng vào xào nhẹ, cho đậu đen vào và đổ nước ngập đậu đen khoảng 1cm. Đun sôi nhanh, sau đó nấu với lửa nhỏ trong khoảng 2 giờ. Thêm gia vị vừa ăn. Uống súp và ăn cá lúc còn nóng.
  • Gà ác (500g), Sinh Hoàng kì (150g) và đường mạch nha (100g). Cắt thịt gà thành từng miếng lớn; ngâm với sinh Hoàng kì sau đó cắt nhỏ thành từng mảnh nhỏ. Ướp thịt với mạch nha đường, gừng và nước sốt đậu nành, tiềm dưới nhiệt độ cao trong 30 phút, ăn nóng.
  • Thịt thỏ (300g), Sa sâm (20g), Ngọc trúc (20g) và vỏ quýt khô (4g), đun sôi với 3000ml nước trong 2 giờ. Thêm gia vị cho vừa ăn, uống nước canh và ăn thịt.

Ô mai                           Tiên hạc thảo                    Ngọc trúc

Như vậy, đối với những người ra mồ hôi trộm, điều quan trọng là duy trì một sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Tập thể dục hàng ngày để giúp sự trao đổi chất và giảm thiểu căng thẳng; giữ cho phòng ngủ thông thoáng và mát mẻ; thay quần áo và khăn trải giường khi ẩm ướt; tắm mát trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy; và uống nhiều nước để bù đắp lại lượng nước đã mất đi.

Tài liệu tham khảo

http://shen-nong.com/eng/exam/internal_night_sweats.html

Lượt xem: 1.365
Tác giả: BS. Trần Nhật Minh
Nguồn:yhoccongdong.com Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi