CÁT CÁNH

Tên gọi khác: Tể ni, Bạch dược, Cánh thảo, Lợi như, Phù hổ, Lư như, Phương đồ, Phòng đồ, Khổ ngạch, Mộc tiện, Khổ cánh, Cát tưởng xử, Đô ất la sất.

Tên khoa học: Platycodon Grandiflorum (Jacq.) A. DC

Họ: Thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae)

BỘ PHẬN DÙNG: 

Rễ củ phơi hoặc sấy khô (Radix Platycodi).

MÔ TẢ CÂY

Cây thảo sống lâu năm, thân cao 0,60 – 0,90 m. Rễ củ nạc, màu vàng nhạt. Lá gần như không có cuống. Lá phía dưới hoặc mọc đối hoặc mọc vòng 3 – 4 lá. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to. Lá phía trên nhỏ, có khi mọc cách. Hoa mọc đơn độc hay mọc thành bông thưa. Dài màu lục, hình chuông rộng, mép có 5 thùy. Tràng hình chuông màu xanh tím hay trắng. Quả hình trứng ngược. Có hoa từ tháng 5 – 8. Quả tháng 7 – 9.

Rễ Cát cánh khô hình gần như hình thoi, hơi cong, dài khoảng 6 – 19 cm, đầu trên thô khoảng 12 – 22 mm, bên ngoài gần như màu trắng, hoặc màu vàng nhạt, có vết nhăn dọc sâu cong thắt, phần lồi ra hơi bóng mượt, phần trên hơi phình to, đầu trước cuống nhỏ dài, dài hơn 32 mm, có đốt và vết mầm không hoàn chỉnh, thùy phân nhánh ở định, có vết thân, dễ bẻ gãy, mặt cắt gần màu trắng hoặc màu vàng trắng. Từ giữa tâm có vân phóng xạ tỏa ra (Dược Tài Học)

PHÂN BỐ

Cây Cát cánh mọc nhiều ở các tỉnh An Huy, Giang Tô và Sơn Đông của Trung Quốc. Cây trồng bằng hạt đang được di thực vào nước ta. Sau khi đào rễ về rửa sạch, bỏ tua rễ, bỏ vỏ ngoài hoặc không bỏ vỏ phơi khô, tẩm nước cắt lát dùng. Chích Cát cánh là Cát cánh chế mật sao vàng.

THU HÁI VÀ SƠ CHẾ

Mùa xuân hái mầm non luộc ăn, giữa tháng 2 – 8 đào rễ phơi khô, sấy khô.

THÀNH PHN HÓA HỌC:

Từ rễ Cát cánh có nhiều hợp chất saponosid đã được phân lập và xác định cấu trúc.

Các chất quan trọng là: Platycodin A, C, D; Platycodigenin (C30H48O7); α – Spinasterol; β – D – Glucosid; Stigmasterol; Betulin; Platycodonin; Platycogenic acid A, B, C; Glucose; inulin.



​TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

  • Saponin Cát cánh kích thích niêm mạc bao tử gây phản xạ niêm mạc khí quản tiết dịch nên long đàm. Trên thực nghiệm cho chó và mèo đã gây mê uống nước sắc Cát cánh, sự tiết dịch tăng rõ rệt, chứng minh tác dụng long đờm (expectorant) của thuốc.
  • Saponin Cát cánh có tác dụng kháng viêm và an thần, giảm đau giải nhiệt, chống loét bao tử, có tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Thuốc có tác dụng hạ đường huyết và hạ lipid huyết, thí nghiệm cho thỏ uống nước sắc Cát cánh, đường huyết của thỏ giảm, đặc biệt gây tiểu đường nhân tạo, tác dụng của thuốc càng rõ rệt. Trên thí nghiệm chuột cho uống thuốc cũng nhận thấy cholesterol của gan hạ thấp.
  • Saponin Cát cánh có tác dụng tán huyết mạnh so với saponin Viễn chí, mạnh gấp 2 lần, nhưng khi dùng đường uống, thuốc bị dịch vị thủy phân không còn tác dụng tán huyết nên thuốc không được dùng chích.
  • Trong ống nghiệm, thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh ngoài da (dermatomycose).

 

CÔNG DỤNG

Trong đông y:

Tính vị:

Vị cay, tính hơi ôn (Bản Kinh).

Vị đắng, có ít độc (Biệt Lục).

Vị đắng, tính bình không độc (Dược Tính Bản Thảo).

Vị đắng cay, tính hơi ấm (Trung Dược Học).

Quy kinh:

Vào kinh túc Thiếu âm Thận, thủ Thái âm Phế (Thang Dịch Bản Thảo).

Vào kinh túc Thái âm Tỳ, túc Thiếu âm Thận, túc Dương minh Vị ( Bản Thảo Kinh Sơ).

Vào kinh Phế (Trung Dược Học).

Công năng, chủ trị:

Ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng.
Chủ trị: Ho đờm nhiều, ngực tức, họng đau, tiếng khàn, áp xe phổi, tiêu mủ, mụn nhọt.

Trích đoạn y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: "lợi ngũ tạng trường vị, bổ khí huyết, trừ hàn nhiệt, phong tý, ôn trung tiêu cốc, liệu hầu yết thống, hạ cổ độc (trừ độc của sâu)."
  • Sách Dược tính bản thảo: "phá huyết, khử tích khí, tiêu tích tụ, đàm diên, chủ phế khí, khí thúc thấu nghịch, trừ phúc trung lãnh thống, chủ trúng ác (nhiễm độc) và trị trẻ em động kinh".
  • Sách Bản thảo thông huyền: "Cát cánh chi dụng, duy kỳ thượng nhập phế kinh, phế vị chủ khí chi tạng, cố năng sử chư khí hạ giáng."

Liều dùng:

Ngày dùng 4 – 20 g, dạng thuốc sắc. Gần đây, Cát cánh còn được dùng làm thuốc chữa mụn nhọt và một số bệnh ngoài da: Cát cánh 6 g, Cam thảo 4 g, Gừng 2 g, Táo ta (quả) 5 g, nước 600 ml, sắc còn 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Trong cuộc sống:

Trị phế ung (ápxe phổi):

Cát cánh thang: (Cát cánh bắt đầu 60g, giảm dần đến 20g, Cam thảo từ 30g giảm đến 10g), tùy chứng gia giảm, dùng trị 10 ca kết quả tốt (Ngô truyền Đạt, Tạp chí Trung y Giang tô 1981,3:35).

Cát cánh 120g, Hồng đằng 500g, Ý dĩ nhân 24g, Ngư tinh thảo 500g, Tử hoa địa đinh 24g, chế thành tictura 450ml. Mỗi lần uống 10ml, ngày 3 lần.

Cát cánh 3g, Bạch mao căn 30g, Ngư tinh thảo 6g, Sinh Cam thảo 3g, Ý dĩ nhân 15g, Đông qua nhân 20g, Bối mẫu 6g, Ngân hoa đằng 10g, sắc uống.

Trị ho nhiều đàm đặc:

Cát cánh 6g, Tỳ bà diệp 10g, Tang diệp 10g, Cam thảo 3g, sắc uống, trị nhiệt khái.

Cát cánh 6g, Hạnh nhân, Tử tô đều 10g, Bạc hà 3g, sắc uống. Uống liên tục 2 - 4 ngày. Trị hàn đàm lỏng.

Trị viêm họng amidale:

Cát cánh thang: Cát cánh 6g, Cam thảo 3g, sắc uống hoặc tán bột uống (liều 1 ngày).

Cát cánh 6g, Kim ngân hoa, Liên kiều đều 10g, Sinh Cam thảo 3g sắc uống. Trị viêm amidale ngậm thuốc nuốt dần.

Trị đau tức ngực do chấn thương lâu ngày:

Cát cánh 10g, Mộc hương 5g, Trần bì, Hương phụ đều 10g, Đương qui 15g, sắc nước uống.

Trị cam răng miệng hôi: 

Cát cánh, Hồi hương lượng bằng nhau tán nhỏ, trộn đều bôi vào cam răng đã rửa sạch.

Trong y học hiện đại:

Cát cánh (Rễ)

Mô tả

Rễ hình trụ thuôn dần về phía dưới, đôi khi phân nhánh, phần trên còn sót lại gốc thân, có nhiều sẹo nhỏ là vết tích của rễ con, dài 5 cm đến 15 cm, đường kính 0,7 cm đến 2 cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt hay vàng nâu nhạt, có nhiều rãnh nhăn nheo theo chiều dọc và những nếp nhăn ngang. Thể chất giòn, mặt bẻ không có xơ. Mặt cắt ngang màu trắng ngà, vùng tầng phát sinh libe-gỗ thành vòng rõ, màu vàng nâu nhạt; có vân như hoa cúc. Không mùi, vị ngọt sau hơi đắng.


Hình 4: Rễ Cát cánh

Vi phẫu

Ở rễ không cạo vỏ, lớp bần gồm nhiều hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ hẹp gồm những tế bào to nhỏ không đều, xếp lộn xộn với những khuyết nằm rải rác. Libe xếp thành tia, thỉnh thoảng có những vùng đậm lên đều đặn giống như libe kết tầng. Mạch gỗ nằm rải rác hay tụ thành đám, xếp thành những dải xuyên tâm nằm trong mô mềm gỗ không hóa gỗ. Trong cùng là mô mềm ruột gồm những tế bào gần như tròn.


Hình 5: Vi phẫu cắt ngang rễ Cát cánh

Trong đó:
A – Hình dạng tổng quát (Sketch)
B – Vi phẫu cắt ngang rễ (Section illustration)
C – Lớp bần phía trong chất gỗ (Cork cell)
D – Nhóm vi ống tiết nhựa mủ (Laticiferous tube group)

1. Lớp bần (Cork)
2. Mô mềm vỏ (Cortex)
3. Kẽ nứt (Cleft)
4. Libe (Phloem)
5. Tầng phát sinh libe – gỗ (Cambium)
6. Chất gỗ (Xylem)

Bột

Mảnh bần gồm những tế bào thành dày, màu nâu nhạt. Mảnh mô mềm có các tinh thể calci oxalat hình kim. Tinh thể inulin hình tròn hay hình quạt trong mô mềm hay bên ngoài. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.


Hình 6: Vi phẫu bột rễ Cát cánh

Trong đó:

a. Hình quan sát được dưới kính hiển vi quang học (the light microscope)
b. Hình quan sát được dưới kính hiển vi phân cực (the polarizing microscope)

1. Vi ống tiết nhựa mủ (Laticiferous tube)
2. Mô bần (Cork cells)
3. Mạch vân (Salariform vessel)
4. Tinh thể inulin

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của rễ Cát cánh.

Độ ẩm

Không quá 9,0%

Tro toàn phần

Không quá 4,0 %.

Tro không tan trong acid hydrocloric

Không quá 1,0 %.

Tạp chất

Không quá 1,0 %

Định lượng

Hàm lượng saponin toàn phần không được ít hơn 5,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

 

Lượt xem: 887
Tác giả: Sưu tầm và tổng hợp: CN. Lưu Hoàng Sang
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi