HOÀI SƠN

Tên gọi khác: Củ mài, sơn dược, thư dự (Bản Kinh), mán địn (Thái), mằn chèn (Tày), gờ lờn (K'dong), hìa dòi (Dao).

Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burk 

Họ: Củ nâu (Dioscoreaceae).

BỘ PHẬN DÙNG: Rễ củ (Tuber Dioscoreae persimilis).

Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, thường có hình trụ, thẳng hay cong, dài từ 5 cm trở lên, có thể dài tới 1 m, đường kính 1 - 3 cm, có thể tới 10 cm, mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều bột màu trắng ngà, không có xơ.

Rễ củRễ củ thái phiến

 

MÔ TẢ CÂY

Dây leo có 1 - 2 rễ củ mập hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30 - 50 cm, có thể dài l m, ăn sâu xuống đất. Thân cây nhẵn hơi có góc cạnh, ở kẽ lá có những củ con gọi là “thiên hoài” hay “dái củ mài”. Lá đơn, mọc đối hoặc có khi so le, đầu lá nhọn phía cuống hình tim. Phiến lá dài 8 - 10 cm, rộng 6 - 8 cm. Cuống dài 1,5 - 3,5cm. Hoa đực hoa cái khác gốc. Quả khô có ba cạnh và có dìa. Mùa hoa vào tháng 5 - 7. Mùa quả vào tháng 8 - 10.

Cây dễ nhầm lẫn: Bên cạnh củ mài, còn nhiều loài khác cũng cho củ ăn được; nhưng không chế biến thành Hoài sơn như: Dioscorea glabra Roxb., D.pyrifolia Kunth., D. decipiens Hook., D.intempestiva var. chevalierii Prain et Burkill, D. intempestiva Prain et Burkill, D.hamiltoni Hook., D.brevipetiolata Prain et Burkill, D.kratica Prain et Burkill.

PHÂN BỐ

Chủ yếu ở Đông và Đông Nam châu Á. Cây mọc hoang ở rừng núi ở độ cao khoảng 100-600m, ở nước ta có nhiều nhất ở các tỉnh Hà Bắc, Thanh hóa, Nghệ Tĩnh và Quảng Ninh. Hiện nay cây được nhiều nơi nuôi trồng để lấy củ.

THU HÁI, CHẾ BIẾN

Mùa đào củ mài tốt nhất vào thu đông và đầu xuân. Muốn có Hoài sơn phải chế như sau: Củ mài đào về, rửa sạch đất, gọt vỏ rồi cho vào lò sấy diêm sinh trong 2 ngày 2 đêm, lấy ra phơi khô là được. 

THÀNH PHN HÓA HỌC:

- Rễ củ chứa glucid 63,25%, protid 6,75%, lipid 0,45%, chất nhầy 2,0-2,8%; dioscin, sapotoxin, allantoin, dioscorin và acid amin: arginin, cholin… và men maltase. Trong chất nhầy có chứa acid phytic.

- Trong củ có chứa nhiều nguyên tố vi lượng mà số lượng tùy theo địa điểm cây mọc khác nhau. Ngoài ra còn có d-abscinin và dopamin.

​TÁC DỤNG SINH HỌC

Một số tác giả đã nghiên cứu tác dụng tăng thân trọng, tăng đồng hoá và tác dụng nội tiết hướng sinh dục của Hoài sơn. Thí nghiệm trên chuột cống trắng còn non có thân trọng 45 – 60 g gồm cả đực và cái. Cho chuột ăn Hoài sơn dưới dạng bột với liều hàng ngày 20 g/kg, dùng liên tiếp trong 28 ngày; lô đối chứng cho ăn bột gạo. Các chỉ tiêu theo dõi gồm thân trọng chuột, trọng lượng tử cung, buồng trứng ở chuột cống cái, trọng lượng tinh hoàn, tuyến tiền liệt, túi tinh, cơ nâng hậu môn ở chuột cống đực. Sau lần dùng thuốc cuối cùng cân trọng lượng chuột, sau đó giết chuột bóc tách các cơ quan trên, cân ngay để xác định trọng lượng tươi của chúng. Tiến hành so sánh giữa lô dùng thuốc và lô chứng. Kết quả thí nghiệm cho thấy Hoài sơn với liều dùng trên làm tăng có ý nghĩa thống kê 5 chỉ tiêu theo dõi: trọng lượng tử cung ở chuột cống cái, trọng lượng tinh hoàn, trọng lượng tuyến tiến liệt, trọng lượng túi tinh và trọng lượng cơ nâng hậu môn ở chuột cống đực. Trong khi đó, Hoài sơn không có tác dụng với 3 chỉ tiêu: thân trọng chuột cống cái, thân trọng chuột cống đực và trọng lượng buồng trứng.

Hoài sơn có tác dụng tăng hiệu lực của androgen, dịch chiết từ loài trên làm tăng trọng lượng tuyến tiền liệt và túi tinh của súc vật thí nghiệm. Men tồn tại trong Hoài sơn ở nhiệt độ thích hợp (45 - 55°C) có khả năng thủy phân đường rất lớn, Nước sắc Hoài sơn thí nghiệm trên ruột thỏ cô lập có tác dụng ức chế co thắt ruột do adrenalin gây nên, hồi phục nhu động đều đặn của ruột. Nước sắc Hoài sơn bằng đường uống có tác dụng làm lành bệnh viêm loét miệng gia súc.

ỨNG DỤNG

Công năng chủ trị

Hoài sơn có vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận. Có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chỉ khát.

Hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, di tinh, di niệu, bạch đới.

Liều dùng: ngày uống 10 – 20 g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Hoài sơn với quả giun, hạt keo, ý dĩ có tác dụng chữa trẻ em cam sài, gầy yếu, bụng ỏng đít beo, kém ăn nôn trớ.

Một số bài thuốc đông y có Hoài sơn

  • Trị chứng tiêu chảy kéo dài do Tỳ hư, dùng bài:

Sâm Linh Bạch truật tán: Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Hoài sơn, Chích Cam thảo, mỗi thứ 80g, sao Biển đậu 60g, Liên nhục, Ý dĩ nhân, Cát cánh, Sa nhân mỗi dược liệu 40g, Trần bì 30g, tất cả tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 8 - 12g ( trẻ em bớt lượng), với nước sôi nguội, hoặc làm thuốc thang sắc uống.
+ Cốm Bổ tỳ ( Trần Văn Kỳ): Bạch biển đậu, Ý dĩ nhân, Hoài sơn đều sao, mỗi thứ 200g, Cốc nha, Liên nhục (bỏ tim sen) sao mỗi thứ 100g, Nhục đậu khấu 30g, Trần bì, Sa nhân mỗi thứ 20g. Ba vị sau sắc lấy nước, các vị khác tán bột mịn hòa với nước thuốc cùng ít mật đường làm thành dạng cốm. Trẻ em mỗi lần uống 6 - 12g, chia 2 - 3 lần với nước cơm càng tốt.

  • ​ Trị di tinh nhiều lần hoặc phụ nữ bạch đới nhiều: dùng bài Bí nguyên tiễn có tác dụng ích thận cố tinh, chỉ đới.

​​+ Bí nguyên tiễn: Hoài sơn, Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Khiếm thực, Táo nhân, Kim anh mỗi thứ 12g, Viễn chí, Ngũ vị tử mỗi thứ 6g, Cam thảo 4g, sắc uống.

  • Trị viêm phế quản mạn tính: do Tỳ phế hư sinh ho đờm nhiều, trong lỏng, người gầy mệt mỏi, ăn kém hoặc lao phổi thể phế âm hư, dùng bài:

+ Nhất vị thự dự ẩm: Hoài sơn sống lượng từ 100 đến 200g tùy lớn bé sắc uống trong ngày như nước uống.
+ Hòa phế ẩm: Hoài sơn 16g, Đảng sâm 16g, Mạch môn, Phục linh, Bách hợp mỗi thứ 12g, Bắc Hạnh nhân, Chích Cam thảo, Thổ bối mẫu mỗi thứ10g, sắc uống. Có thể dùng Xuyên Bối mẫu 8g, tán bột hòa nước uống.

  • Trị chứng tiểu đường: thường dùng cho tiểu đường tuýp 2 thể nhẹ và trung bình, dùng độc vị Hoài sơn hoặc dùng các bài thuốc sau:

+ Sơn dược tiêu khát ẩm: Hoàng kỳ 16g, Hoài sơn 20g, Thiên hoa phấn, Tri mẫu mỗi thứ 12g, Kê nội kim 8g, Ngũ vị tử 6g, sắc uống.
+ Ngọc dịch thang: Hoài sơn 24g, Hoàng kỳ, Cát căn, Thiên hoa phấn, Tri mẫu mỗi thứ 12g, Kê nội kim 8g, Ngũ vị tử 6g, sắc uống.

 

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, thường có hình trụ, thẳng hay cong, dài từ 5 cm trở lên, có thể dài tới 1 m, đường kính 1 - 3 cm, có thể tới 10 cm, mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều bột màu trắng ngà, không có xơ.

Bột

Nhiều hạt tinh bột hình trứng hay hình chuông, dài 10 - 60 mm, rộng khoảng 15 - 50 mm, có vân đồng tâm, rốn lệch tâm, hình chấm hay hình vạch. Tinh thể calci oxalat hình kim dài 35 - 50 mm. Mảnh mô mềm gồm các tế bào màng mỏng, chứa tinh bột. Mảnh mạch mạng.


Hình dạng tinh bột soi dưới kính hiển vi của Rễ củ Hoài sơn

Định tính

A. Dưới ánh sáng tử ngoại bột dược liệu phát quang màu trắng sáng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng

Bản mỏng: Silica gel G
Dung môi khai triển: Cloroform - methanol (9: 1).
Dung dịch thử: Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 5 ml hỗn hợp cloroform - methanol (4 : 1), đun sôi dưới ống sinh hàn hồi lưu khoảng 10 phút. Lọc, cô còn khoảng 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Củ mài (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 15 - 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, phun dung dịch vanilin 1% trong hỗn hợp acid phosphoric - methanol (1 : 1). Sấy bản mỏng ở 120 oC trong 15 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu tím và giá trị Rf  tương tự các vết của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm 

Không quá 12% ( sấy ở 70 oC; áp suất thường).

Tro toàn phần

Không quá 2%

Tạp chất  

Tạp chất: Không quá 0,5%.
Dược liệu có màu vàng và đỏ: Không được có.

Lượt xem: 834
Tác giả: DS. Hồ Chí Công
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi