ĐỘC HOẠT

Tên gọi khác: Hương độc hoạt, mao đương quy.

Tên gọi khác: Hương độc hoạt, mao đương quy.

Tên khoa học: Angelica pubescens Maxim.

Họ: Hoa tán (Apiaceae).

BỘ PHẬN DÙNG: Radix Angelicae pubescentis.

Rễ đã được phơi hay sấy khô.

MÔ TẢ CÂY


Cây Độc hoạt

Cây thảo, sống lâu năm, cao 1 - 2 m, có khi hơn. Thân nhẵn, hình trụ, có rãnh dọc, màu lục hoặc tím nhạt. Lá phía gốc kép 2 - 3 lần lông chim, dài 15 - 40 cm, lá chét nguyên hình bầu dục hoặc hình trứng hoặc xẻ thùy không đều, mép khía răng, gân lá có lông thưa và mịn; cuống lá to, có bẹ; lá phía trên ít xẻ hơn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành tán kép. Có lông mịn màu vàng nâu, lá bắc nhỏ hình kim; hoa nhỏ, 15 - 30 cái ở mỗi tán, màu trắng.
Quả bế, hình trụ, hình trứng hoặc bầu dục tròn, dẹt, có sống dọc, có dìa ở hai bên.
Mùa hoa: tháng 6 - 9; mùa quả: tháng 10 - 12.

PHÂN BỐ

Độc hoạt xuất xứ từ Trung Quốc, được trồng nhiều ở Triết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam. Cây được nhập vào Việt Nam đầu những năm 70 và được trồng ở Sa Pa (Lào Cai), sau đó được đưa ra sản xuất ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Song, hiện nay chỉ còn lại một ít giống ở Trại thuốc Sa Pa (Viện dược liệu). Một số gia đình ở đây cũng có trồng, nhưng diện tích không đáng kể.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ Độc hoạt chứa nhiều dẫn chất Coumarin: Osthol, Bergapten, Glabralacton, Angelol, Psoralen, Xanthotoxin, Isopimpinelin, Byakangelicin, Coumurayin, 7 – methoxy – 8 – senecioylcoumarin, Scopoletin, 8 – (3 – hydroxyisovaleroyl – 5, 7 – dimethoxycoumarin, 5 – isopentenyloxy – 7 – methoxy – 8 – senecioylcoumarin.
Cấu trúc của Angelol (Angelol A) là đề tài của nhiều nhà khoa học. Bên cạnh đó, nhiều chất Prenylcoumarin mới được xác định là Angelol B – H. Các Angelol A và B, Angelol C và F, Angelol D, G, H là đồng phân lập thể.
Ngoài ra, nhiều dẫn chất Furo – (2,3 – h) - benzopyran – 2 – on columbianadin, Columbianetin và Columbianetin acetat cũng được phát hiện.
Quả Độc hoạt chứa 9 Coumarin: Osthol, Byakanggelicin, Byakangelicol, Oxypeucedanin, Umbelliferon, Umbeliprenin, Imperatorin, Neobyakangelicol và Sec – O – acetybyakangelicin.

Một số công thức đại diện:


TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

1. Tác dụng trên điện não thỏ: Cấy điện cực trường diễn vào các trung khu nghe, nhìn và cảm giác vận động của não thỏ. Độc hoạt làm tăng thành phần các sóng chậm, đặc biệt là sóng delta, làm giảm tính hưng phấn và tăng quá trình ức chế ở vỏ não, đồng thời biên độ điện thế có giảm; kết hợp ghi điện tim ở những thỏ này, thấy Độc hoạt ít ảnh hưởng trên hoạt động tim.

2. Tác dụng trên phản xạ tủy sống của ếch: Ếch đã cắt bỏ đại não. Chất gây kích thích phản xạ co chân ếch là dung dịch Acid Sulfuric 2%. Thuốc dùng là cao Độc hoạt 1:1, tiêm vào túi bạch huyết liều 0,25ml/1 ếch. Lô chứng tiêm NaCl 0,9% cùng thể tích. Theo dõi 2 thông số:

  1. Thời gian phản xạ là thời gian từ khi cho chân ếch tiếp xúc với Acid Sulfuric đến khi chân ếch co lại. Bình thường thời gian này là 2 – 3 giây. Tiêm NaCl 0,9% vào túi bạch huyết, thời gian phản xạ có chậm hơn (4 – 5 giây), nhưng dùng thuốc, thời gian này là 7 – 8 giây, chứng tỏ Độc hoạt làm chậm quá trình dẫn truyền phản xạ.
  2. Số lượng phản xạ co: Sau khi dùng Độc hoạt được 10 phút, một nửa số ếch mất phản xạ tủy sống (để chân ếch tiếp xúc với Acid Sulfuric 60 giây, chân ếch vẫn không co). Sau 20 phút, 2/3 số ếch mất phản xạ; sau 30 phút tất cả các ếch đều mất phản xạ. Nhưng sau 60 phút, phản xạ lại phục hồi dần. Có lẽ tác dụng làm giảm phản xạ là một trong những nguyên nhân để Độc hoạt có tác dụng giảm đau.

3. Phản xạ lật của ếch: Dùng ếch 100g, đặt lưng ếch lên mặt bàn, ếch sẽ lật để chân và bụng xuống phía dưới. Lô chứng thử 20 con, ếch lật 100%. Lô dùng dung dịch NaCl 0,9% tiêm vào túi bạch huyết 0,25ml/ếch, ếch lật 100%. Lô dùng cao Độc hoạt 1:1, liều 0,25ml/ếch, ếch lật có 12/20 con (60%), có 3 con ếch sau 1 giờ vẫn không lật.
4. Tác dụng làm tăng hàm lượng Acetylcholin trong máu thỏ: Độc hoạt làm tăng 12,3%, từ 0,276 ± 0,037 lên 0,310 ± µmol/l.
5. Tác dụng ức chế hoạt tính của cholinesterase trong huyết thanh thỏ: Độc hoạt có tác dụng ức chế rõ. Có lẽ đây là một nguyên nhân, Độc hoạt làm tăng hàm lượng Acetylcholin.
6. Tác dụng giảm đau: Dùng mô hình gây đau bằng Acid Acetic tiêm trong màng bụng, thấy Độc hoạt có tác dụng giảm đau ở mức độ vừa phải.
7. Tác dụng trên tim ếch cô lập: Ở nồng độ 2% thuốc trong dung dịch nuôi, Độc hoạt không có ảnh hưởng gì trên hoạt động tim. Nâng lên đến nồng độ 2,5%, biên độ có hơi giảm nhưng nhịp tim vẫn không đổi.
8. Tác dụng trên huyết áp: Với liều Độc hoạt 1,2 – 2,4g/kg, huyết áp thỏ giảm khoảng 12 – 14%.
9. Tác dụng chống viêm: Dùng mô hình gây phù chân chuột bằng Dextran, Độc hoạt có tác dụng chống viêm cấp khá rõ. Chất Osthol trong độc hoạt có tác động chống viêm mạnh.
10. Độc tính cấp: Đã dùng Độc hoạt với liều 100g/kg cho chuột nhắt trắng uống. Không có con nào chết.

CÔNG DỤNG

Tính vị, công năng, chủ trị

Độc hoạt có vị cay, ngọt, hơi đắng, tính bình, hơi ấm, vào kinh can và thận, có tác dụng khử phong hàn, trừ thấp, giảm đau.
Độc hoạt chữa phong thấp, đau khớp, lưng gối đau nhức, chân tay tê cứng, co quắp. Còn chữa cảm gió, đau đầu, đau răng. Liều dùng hằng ngày 4 – 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Các bài thuc đông y

1. Chữa thấp khớp, đau lưng, đau mình, các khớp đau nhức

  1. Bài “Độc hoạt thang” có 12 vị: Độc hoạt 5g, Đương quy 3g, Phòng phong 3g, Phục linh 3g, Bạch thược 3g, Hoàng kỳ 3g, Cát căn 3g, Nhân sâm 2g, Cam thảo 1g, Can khương 1g, Phụ tử 1g, Đậu đen 5g. Sắc uống trong ngày.
  2. Bài “Độc hoạt ký sinh thang” có 15 vị: Độc hoạt 12g, Tang ký sinh 12g, Cam thảo 6g, Tần giao 10g, Tế tân 6g, Phòng phong 12g, Tục đoạn 12g, Đương quy 12g, Quế chi 8g, Ngưu tất 12g, Xuyên khung 8g, Thục địa 12g, Bạch thược 12g, Đảng sâm 12g, Ý dĩ hoặc Phục linh 12g. Sắc uống chia làm 3 ngày.
  3. Bài “Cao thấp khớp II” có 12 vị: Độc hoạt, Dây đau xương, Thiên niên kiện, Phòng kỷ, rễ Bưởi bung chân chim, Tầm xoong, Cỏ xước, Kê huyết đằng, Xấu hổ, Quế chi, Núc nác, mỗi vị 4 - 6g, sắc hoặc nấu cao thêm đường uống. Bài thuốc đã được dùng rất lâu ở Viện Y học cổ truyền Việt Nam.

2. Chữa trúng phong, cấm khẩu, răng cắn chặt, cứng đờ

Độc hoạt 20g, Xuyên khung , Xương bồ, mỗi vị 10g. Sắc uống.

3. Chữa cảm phong hàn, đau đầu, đau mình

Độc hoạt 8g, Ma hoàng 4g, Xuyên khung 4g, Cam thảo 4g, Sinh khương 3 lát, sắc uống. Nếu táo bón thêm đại hoàn bổ gan.

Mô tả

Rễ cái hình trụ, trên to, dưới nhỏ, đầu dưới phân 2 đến 3 nhánh hoặc hơn, dài 10 cm đến 30 cm. Đầu rễ phình ra, hình nón ngược với nhiều vân ngang. Đường kính 1,5 cm đến 3 cm, đỉnh trên còn sót lại ít gốc thân, mặt ngoài màu nâu xám hay nâu thẫm, có vân nhăn dọc, với các lỗ vỏ, hơi lồi ngang và những vết sẹo rễ con hơi nổi lên. Chất tương đối rắn chắc, khi ẩm thì mềm. Mặt bẻ gãy có vỏ màu xám trắng, với nhiều khoang dầu màu nâu rải rác, gỗ từ màu vàng xám đến vàng nâu, tầng phát sinh màu nâu. Mùi thơm ngát đặc biệt, vị đắng và hăng, nếm hơi tê lưỡi.

Vi phẫu

Lớp bần có nhiều hàng tế bào. Vỏ hẹp với ít khoang tinh dầu. Libe rộng chiếm nửa bán kính của rễ. Khoang tinh dầu tương đối nhiều, xếp thành vài vòng tiếp tuyến, lớn tới 153 μm, xung quanh bao bọc bởi 6 tế bào đến 10 tế bào tiết. Tầng phát sinh tạo thành vòng tròn liên tục. Tia gỗ rộng có 1 đến 2 hàng tế bào. Mạch rải rác, đường kính tới 84 μm, thường xếp theo hình xuyên tâm, riêng lẻ. Tế bào mô mềm chứa hạt tinh bột.

A. Hình phác họa
B. Vi phẫu
C. Mạch
D. Khoang tinh dầu
1. Lớp bần
2. Lục bì
3. Khoang tinh dầu
4. Khe nứt
5. Libe
6. Tia gỗ
7. Tầng phát sinh gỗ
8. Gỗ

Định tính

A. Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 3 ml ether (TT) , đun trên cách thủy hồi lưu 1 giờ, lọc và bốc hơi dịch lọc đến khô. Thêm vào cắn 30 ml Ether dầu hỏa (30 °C đến 60 °C) (TT), lắc và lọc. Hòa tan cắn trong 3 ml Ethanol (TT) rồi đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm) sẽ có huỳnh quang xanh tía.
B. Lấy 1 ml dung dịch ở phản ứng (A), thêm 3 giọt dung dịch Hydroxylamin hydroclorid  70 % trong Methanol (TT) mới pha và 3 giọt dung dịch Kali hydroxyd 10 % trong Methanol (TT), đun nóng nhẹ trên cách thủy, để nguội rồi thêm 2 giọt dung dịch Sắt (III) clorid 1 % trong Acid hydrocloric (TT), lắc mạnh sẽ xuất hiện màu vàng cam.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).                                                                                         
Bản mỏng: Silica gel 60 F254.
Dung môi khai triển: Cyclohexan - ethyl acetat - aceton (8 : 2 : 0,5)
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml Ether ( TT), ngâm qua đêm, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy tới khô, hòa tan cắn trong 2 ml Cloroform (TT) .
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột Độc hoạt (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử, được dung dịch đối chiếu.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 2 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng để khô ở trong không khí rồi đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát huỳnh quang cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết  trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 12.13).

Tro toàn phần

Không quá 8,0 % (Phụ lục 9.8).

Chất chiết được trong dược liệu

Cân chính xác khoảng 2 g bột dược liệu (qua rây có kích thước mắt rây 0,250 mm, để dược liệu trong bình hút ẩm chứa Phosphor pentoxyd (TT) trong 48 giờ, sau đó cân dược liệu), cho vào bình Soxhlet, thêm 70 ml Ether (TT) và 1 số hạt thủy tinh. Đun hồi lưu trên cách thủy trong 4 giờ, để nguội, lọc, rửa bình và cặn bằng Ether (TT), gộp dịch lọc và dịch rửa vào bình định mức 100 ml, thêm Ether (TT) đến vạch, lắc đều. Lấy chính xác 50 ml dịch chiết, cho vào 1 cốc có mỏ đã được sấy đến khối lượng không đổi, bốc hơi dịch chiết ether ở nhiệt độ thường rồi đặt trong bình hút ẩm có chứa phosphor pentoxyd (TT) trong 24 giờ, xác định lượng cao chiết dược liệu. Chất chiết được trong Ether không được dưới 3,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Lượt xem: 804
Tác giả: DS. Chí Công
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi