Bài thuốc đông y

Trong Đông y, điều trị bằng thảo dược thường sử dụng các bài thuốc và hiếm khi sử dụng đơn độc một vị thuốc. Bởi vì mỗi loại thảo dược đều có tác dụng điều trị cũng như tác dụng phụ của riêng nó.

Trong Đông y, điều trị bằng thảo dược thường sử dụng các bài thuốc và hiếm khi sử dụng đơn độc một vị thuốc. Bởi vì mỗi loại thảo dược đều có tác dụng điều trị cũng như tác dụng phụ riêng của nó. Do đó cần có sự kết hợp các vị thuốc một cách hợp lý trong bài thuốc nhằm tăng cường hiệu quả điều trị và làm giảm tác dụng phụ của thuốc.

Trong mỗi bài thuốc đông y, các loại thảo dược không phải được phối hợp một cách tùy ý mà theo những nguyên tắc nhất định. Trước tiên, các thầy thuốc thông qua khám bệnh để khai thác các triệu chứng của bệnh nhân, sau đó phân tích và xác định phương pháp điều trị (biện chứng luận trị) rồi mới tiến hành kê đơn hay chọn bài thuốc phù hợp.

Nhân một trường hợp mắc cảm mạo phong hàn

1. Các triệu chứng lâm sàng: sợ lạnh, sốt, nhức đầu, ê ẩm toàn thân, suyễn và không đổ mồ hôi; rêu lưỡi trắng mỏng; mạch phù khẩn.

2. Biện chứng: Tác nhân gây bệnh đang ở phần nông của cơ thể (biểu chứng) do nhiễm phong hàn.

3. Luận trị: Khi bệnh đang ở phần nông của cơ thể, các triệu chứng sẽ thuyên giảm nếu làm cho ra mồ hôi (thúc đẩy tiết mồ hôi), điều trị cảm mạo phong hàn thường dùng các loại thảo dược có vị cay tính ấm.

4. Bài thuốc cổ phương: Ma Hoàng Thang bao gồm các vị: Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân và Cam thảo.

Vì các thầy thuốc Đông y luôn dựa vào các hội chứng để kê đơn thuốc nên sự kết hợp của các loại thảo dược phải chính xác. Trong một đơn thuốc Đông y sẽ có sự phối ngũ nhiều vị thuốc với nhau. Thông thường sau khi phân tích vai trò của các vị thuốc trong đơn thuốc, chúng được xếp vào bốn nhóm sau:

Quân dược (chủ dược): Vị thuốc có tác dụng chính và ảnh hưởng mạnh nhất. Quân dược thường có liều lượng cao nhất trong bài thuốc. Một bài thuốc thường chỉ chứa 1-2 loại Quân dược để có thể tập trung được hiệu quả điều trị.

Thần dược (Phó dược): Còn được gọi là thuốc hỗ trợ. Thường được đề cập với hai chức năng: một là hỗ trợ Quân dược để tăng hiệu quả điều trị. Hai là để cải thiện và điều trị các triệu chứng hoặc hội chứng đi kèm. So với các loại Quân dược, Thần dược thường có tác dụng yếu hơn.

Tá dược: Những vị thuốc này có thể dùng để thực hiện một trong ba vai trò sau trong bài thuốc: một là để củng cố hiệu quả của Quân dược, Thần dược hoặc để điều trị các triệu chứng phụ. Hai là để loại bỏ độc tính của Quân dược và Thần dược, hoặc điều hòa tính mãnh liệt của chúng, và ba là phát huy tác dụng cân bằng trong bài thuốc.

Sứ dược (Dẫn dược): Chúng có hai chức năng. Một là để dẫn các vị thuốc đi đến kinh mạch hay khu vực bị bệnh của cơ thể; và hai là để điều hòa và phối hợp các vị thuốc khác với nhau.

Bài thuốc ma hoàng thang

Bài thuốc đông y Ma hoàng thang

Với bài thuốc Ma Hoàng thang đã đề cập ở trên, chúng ta có thể thấy các vị thuốc phối hợp với nhau như sau:

Ma hoàng: có tác dụng như một vị Quân dược loại bỏ những tác nhân gây bệnh ở bên ngoài và làm giảm hầu hết các triệu chứng.

Quế chi: hỗ trợ Ma Hoàng trong việc làm ra mồ hôi và loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Do đó có vai trò như Thần dược.

Hạnh nhân: vị đắng giúp Quân dược trong việc điều trị triệu chứng ho và do đó được coi là một loại tá dược.

Cam thảo: điều hòa các vị thuốc do đó có vai trò của một Sứ dược.

Ngoài ra, để phù hợp với tình hình bệnh tật khác nhau, bài thuốc có thể thay đổi về liều dùng, cách dùng và thậm chí là các thành phần thảo dược. Việc gia giảm các vị thuốc cần được đào tạo chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế lâm sàng.

Sau nhiều thế kỷ thực hành, các thầy thuốc Đông y đã hoàn thiện nhiều bài thuốc khác nhau. Và ngày nay các bài thuốc cổ phương đã trở thành cơ sở cho cách dùng hiện đại. Nhiều bài thuốc phổ biến đến mức chúng đang được sản xuất như các phương thuốc bản quyền và hiện có sẵn trong hiệu thuốc.

Việc kê đơn một bài thuốc phù hợp dựa trên những chẩn đoán chính xác chỉ có thể được thực hiện bởi các thầy thuốc Đông y có trình độ. Tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Đông y để giúp bạn chọn đơn thuốc phù hợp nhất là điều rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo

1. http://www.shen-nong.com/eng/herbal/index.html

2. Khoa y học cổ truyền – Đại học Y Dược Huế (2012), giáo trình Phương tể 1.

Lượt xem: 1.473
Tác giả: Lương Thị Quang Huy
Nguồn:yhoccongdong.com Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi