Những câu hỏi về sử dụng thuốc y học cổ truyền

Một số câu hỏi thường gặp về sử dụng thuốc trong y học cổ truyền như phương pháp thích hợp để sắc thuốc, những độc tính trong thuốc y học cổ truyền....sẽ được giải đáp trong bài viết sau.

Câu hỏi 1 – Làm thế nào để áp dụng Học thuyết Ngũ hành trong phép điều trị bổ hoặc tả?

Hình ảnh y học cổ truyền

Trả lời:

Theo Học thuyết Ngũ hành, tất cả mọi vật đều được chia thành năm yếu tố (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Năm cơ quan thuộc về âm của cơ thể chúng ta (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận) tương ứng với năm yếu tố dựa trên tính chất sinh học đặc biệt của chúng.

Y học cổ truyền sử dụng các mối quan hệ đó để điều trị bệnh của các cơ quan bằng phương pháp bổ hoặc tả.

Đối với hội chứng hư (thiếu hụt), bên cạnh việc bổ sung cho cơ quan thiếu hụt, thì cũng cần thiết phải bổ sung cho cơ quan sinh ra nó (Mẹ) để tăng tốc độ phục hồi. Ví dụ, trong điều trị Can hư (Can thuộc Mộc), thì Thủy sinh Mộc, vì vậy các bác sĩ cũng sẽ Bổ thận (Thận thuộc Thủy) để củng cố điều trị.

Đối với hội chứng thực (dư thừa), bên cạnh việc làm giảm sự dư thừa ở các cơ quan cụ thể, thì cũng cần thiết phải làm yếu đi cơ quan mà nó sinh ra (Con) để làm giảm tình trạng kích thích. Ví dụ, trong việc điều trị Hỏa quá mức trong Can (Mộc), thì Mộc sinh ra Hỏa, do đó các bác sĩ cũng sẽ làm yếu Tâm (Hỏa) để giảm sự quá mức của Hỏa gián tiếp.

Câu hỏi 2 – Dạng dùng phổ biến nhất của thuốc Y học cổ truyền là gì?

Trả lời:

Dạng dùng phổ biến nhất là “thuốc thang” (dạng sắc lỏng). “Thuốc thang” trong Y học cổ truyền được đặc trưng bởi sự hấp thu nhanh chóng của chúng, kết quả điều trị tốt và tác dụng phụ độc hại rất ít. Các thành phần trong thang thuốc có thể được thay đổi, tăng hoặc giảm hàng ngày, cho phép các bác sĩ điều chỉnh để thay đổi theo trạng thái và nhu cầu của bệnh nhân. Tính linh hoạt là một trong những lý do chính để giải thích tại sao phương pháp này vẫn đang được sử dụng sau hàng ngàn năm.

Câu hỏi 3 – Phương pháp thích hợp để sắc một thang thuốc là gì?

Trả lời:

Cũng giống như nấu ăn, điều quan trọng là phải thực hiện theo các bước hợp lý. Chuẩn bị không đúng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả mong muốn.

Một cái nồi bằng đất sét hoặc sành sứ có nắp đậy là tốt nhất. Tuy nhiên, bằng men hoặc thủy tinh cũng có thể được sử dụng. Sắt, nhôm và đồng nên tránh bởi vì sự tương tác hóa học có thể xảy ra và ảnh hưởng đến trạng thái tự nhiên nguyên gốc của thuốc.

Nước mát không bị ô nhiễm là tốt nhất. Có thể sử dụng rượu gạo hoặc một sự kết hợp của nước và rượu cho một số loại thang thuốc nào đó.

  • Thêm nước cho đến khi ngập mặt thuốc, ngâm trong 20-30 phút để các chất có tác dụng có thể được chiết xuất một cách dễ dàng khi sắc.
  • Đun sôi một cách nhanh chóng và sau đó hạ nhiệt xuống trong một khoảng thời gian quy định. Thời gian và nhiệt độ cụ thể sử dụng trong quá trình sắc thuốc được xác định bởi các đặc tính và trạng thái tự nhiên của thuốc.
  • Thông thường, thang thuốc điều trị cảm lạnh, cảm cúm hay thuốc xổ được sắc ở nhiệt độ cao trong 20-30 phút. Thang thuốc bổ hay các loại thuốc khác mà có chứa các chất dính sánh thì được sắc trong một thời gian dài hơn (khoảng một giờ) với nhiệt độ thấp và nhiều nước hơn. Để đạt được kết quả tốt nhất, cần phải phân loại thuốc, lượng nước sử dụng cũng như thời gian sắc phải thích hợp.

Thuốc thường được sắc đến khi còn một bát hoặc còn 250ml. Sau đó, lọc lấy nước trong khi phần cặn bã của thuốc đang biến dạng. Nếu thuốc bị sắc quá lửa, có mùi khê thì toàn bộ nước sắc nên được loại bỏ vì các thành phần bị hư hỏng có thể tạo ra tác dụng không mong muốn.

Một số loại thuốc phải được xử lý khác nhau do tính chất đặc biệt của chúng. Và trong đơn thuốc của bạn, các loại đó thường được đóng gói riêng biệt. Ví dụ:

  • Vỏ và khoáng vật phải được đập vỡ và được sắc đầu tiên;
  • Các thuốc có chứa chất dễ bay hơi và có mùi thơm như Bạc hà và Sa nhân được thêm vào gần cuối và chỉ sắc trong 5 phút.
  • Hạt mã đề phải được bọc trong gạc, bởi vì chúng làm cho thang thuốc bị đục hoặc gây kích ứng cổ họng.
  • Các chất đắt tiền như Gạc hươu nai và Nhân sâm được thái lát mỏng và chưng riêng biệt, để các thành phần hoạt động của chúng không bị ảnh hưởng bởi các loại thảo dược khác. Nước sắc của chúng có thể được dùng cùng với nước sắc các loại thảo dược khác hoặc uống riêng.
  • Một số thành phần ở dạng keo như Mật ong hoặc mạch nha nên được nấu chảy rồi cho trực tiếp vào thang đã sắc xong khi còn ấm. Một số thuốc có mùi thơm và quý hiếm như Xạ hương sẽ được nghiền thành bột và uống với nước sắc hoặc nước ấm.

Câu hỏi 4 – Thuốc Y học cổ truyền có thể được sắc hai lần hay không?

Trả lời:

Đôi khi các loại thuốc cùng một nhóm có thể được sắc hai lần. Khi sắc lần thứ hai, nước được dùng ít hơn (khoảng 500ml) hoặc chỉ đủ để phủ trên bề mặt của thuốc. Hai bát nước thu được từ hai lần sẽ được trộn lẫn với nhau, dùng một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.

Để chiết xuất được tối đa các thành phần hoạt động trong thuốc, nên lấy phần bã thuốc ra ngoài và bọc chúng lại bằng một miếng vải rồi ép cho ra nước, như vậy mới sử dụng được hết các thành phần hoạt động và không gây lãng phí.

Ví dụ, thuốc điều trị cúm là không thích hợp cho việc nấu lại một lần nữa. Điều này là do các vị thuốc của nhóm thuốc này như Bạc hà và Sa nhân có thể dễ dàng bay hơi. Nếu “nấu lần nữa” thì tốt nhất là không uống nó vì bản chất hóa học của thuốc chắc chắn đã biến đổi.

Câu hỏi 5 – Những độc tính trong thuốc Y học cổ truyền là gì ?

Trả lời:

Theo truyền thống, thuốc Y học cổ truyền được chia thành ba loại: loại có độc tính nặng, loại có độc tính nhẹ và loại không có độc tính.

  • Theo dược học cổ truyền, ảnh hưởng nghiêm trọng của độc tính là tình trạng hôn mê, buồn nôn, tê liệt ở miệng và ở các chi, mà có thể dễ dàng gây ra bởi các loại thuốc như: Nọc độc của cóc, Ba đậu chưa qua chế biến và Chu sa.
  • Thuốc có độc tính nhẹ như Hạt mơ và Bạch quả, nếu được sử dụng ở liều cao, có thể gây khó thở nhẹ, nhịp tim bất thường và chóng mặt.
  • Thuốc không có độc tính là thuốc thường được sử dụng, bản chất rất êm dịu và ít có khả năng gây ra tác dụng phụ.

Tuy nhiên, hầu hết thuốc Y học cổ truyền là an toàn nếu áp dụng đúng theo hội chứng và với liều lượng chính xác trong khoảng thời gian thích hợp.

Câu hỏi 6 – Sử dụng thuốc y học cổ truyền không đúng cách thì sẽ như thế nào?

Trả lời:

Các đặc điểm nổi bật nhất của Y học cổ truyền là chẩn đoán và điều trị dựa trên các Hội chứng bệnh khác nhau. Khi các hội chứng của một bệnh cụ thể được xác định rõ, các loại thuốc thích hợp sẽ được kê đơn. Ví dụ, trong điều trị chứng sa dạ dày, loại thuốc có tính chất thăng (đưa lên) sẽ được sử dụng và tránh các loại thuốc có tác dụng đưa xuống.

Nếu cơ địa của bệnh nhân và tính chất của bệnh chưa được hiểu rõ ràng mà thuốc được dùng một cách ngẫu nhiên thì bệnh có thể nặng thêm hoặc có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Một số loại thuốc Y học cổ truyền vô cùng mạnh và chứa các thành phần độc hại. Nếu liều lượng không phù hợp hoặc dùng không đúng cách, nó có thể dẫn đến ngộ độc và thậm chí tử vong.

Tốt nhất là luôn luôn làm theo lời khuyên của bác sĩ. Nếu xảy ra ngộ độc thì nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt

Câu hỏi 7 – Cách tốt nhất để lựa chọn một loại biệt dược là gì?

Trả lời:

Khi chọn một loại biệt dược, điều quan trọng là thuốc được lựa chọn phù hợp với nhu cầu sức khỏe cụ thể của bạn, vì vậy bạn nên đọc nhãn hiệu một cách cẩn thận. Ngoài ra, dù các loại thuốc khác nhau mà có chứa cùng các thành phần, thì bạn nên mua một sản phẩm được sản xuất bởi một nhà sản xuất có uy tín. Khi bào chế các sản phẩm thảo dược dựa trên các kỹ năng đặc biệt, một sự khác biệt trong sản xuất có thể có sự khác biệt trong tác dụng. Cách tốt nhất là tham khảo hoặc tìm lời khuyên từ các chuyên gia y tế hoặc các nhà sản xuất thuốc trước khi uống thuốc.

Câu hỏi 8 – Thuốc Y học cổ truyền và thuốc Tây có thể được dùng cùng một lúc hay không?

Trả lời:

Cả bác sĩ Y học cổ truyền và bác sĩ Tây y đều nghĩ rằng thuốc Tây và thuốc Y học cổ truyền không nên dùng cùng một lúc. Lý do là một số yếu tố hóa học trong thuốc Y học cổ truyền có thể phản ứng với các loại thuốc Tây. Việc sử dụng hai loại với nhau cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của cả hai loại thuốc và tương tác của chúng có thể tạo ra các tác dụng độc hại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Thông thường nên uống cách nhau khoảng 4 giờ khi dùng các loại thuốc khác nhau. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

Xem thêm bài viết Những lưu ý khi sử dụng cùng lúc một số thuốc tây y và thuốc đông y của TS.BS Đoàn Văn Minh

Câu hỏi 9 – Thuốc Y học cổ truyền đã được chuẩn hóa về liều lượng hay chưa?

Trả lời:

Bác sĩ thường sẽ xem xét liều lượng khuyến cáo được liệt kê trong dược điển (từ điển về thuốc) trong suốt quá trình tham khảo. Tuy nhiên, do sự thay đổi chất lượng của các loại thảo dược cũng như điều kiện cá nhân của một người, các bác sĩ có xu hướng thay đổi đôi chút so với liều đã được khuyến cáo.

Tài liệu tham khảo

http://www.shen-nong.com/eng/principles/takingchiherbs.html

Lượt xem: 1.462
Tác giả: BS. Nguyễn Thị Hương Lam
Nguồn:yhoccongdong.com Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi