HÀ THỦ Ô ĐỎ

Tên gọi khác: Dạ giao đằng, má ỏn, mằn năng ón (Tày), khua lình (Thái), xạ ú sí (Dao)

Tên gọi khác: Dạ giao đằng, má ỏn, mằn năng ón (Tày), khua lình (Thái), xạ ú sí (Dao)

Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) hoặc Polygonum multiflorum (Thunb.).

Họ: Rau răm (Polygonaceae).

BỘ PHẬN DÙNG

Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ [Fallopia multiflora (Thunb.) – Polygonaceae]

Dược liệu dễ nhầm lẫn:

  • Củ nâu: Phiến Hà thủ ô giả thường dày khoảng 1-3mm, màu nâu hồng hay nâu tím, hình hơi tròn hay bầu dục, thường cong queo, lớp bề ngoài hơi sần sùi hay có xơ gai nhỏ bị cắt ngang hay dọc, cứng, khó bẻ, vị rất chát, se lưỡi. 
    Củ nâu cũng có tác dụng trong thanh nhiệt, sát trùng, cầm máu, hoạt huyết, cầm tiêu chảy. Tuy nhiên, hoạt chất Tanin có nhiều trong củ nâu có thể gây táo bón, dùng lâu ngày sẽ gây tích tụ chất độc trong cơ thể và hại gan, thận, dân gian chỉ thường dùng nhuộm vải chứ không làm thuốc.
  • Hà thủ ô trắng: là loại dây mọc bò hoặc leo, người ta lấy thân thái mỏng dùng thay cho Hà thủ ô đỏ. Hà thủ ô trắng thơm nhẹ, vị đắng chát, nhiều nhựa trắng trên thân lá, không có tác dụng bồi bổ cơ thể như Hà thủ ô đỏ.

MÔ TẢ CÂY

Dây leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Rễ phình thành củ, màu nâu đỏ, củ nguyên có hình giống củ khoai lang.

Lá mọc so le, hình mũi tên, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn.

Hoa họp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, có nhiều nhánh.

Quả 3 góc nhẵn bóng nằm trong bao hoa mà 3 mảnh ngoài còn lại phát triển thành cánh rộng.

PHÂN BỐ

Cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phúc) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định.

THU HOẠCH, SƠ CHẾ

Rễ củ, thu hái vào mùa thu, đào về rửa sạch đất, bỏ rễ con. Củ nhỏ, để nguyên, củ to bổ đôi hoặc bổ tư, phơi hay sấy khô.

Hà thủ ô đỏ có thể chế biến như sau: Rễ củ được rửa sạch, ngâm nước vo gạo trong 24 giờ, rửa nước lại một lần nữa. Cho dược liệu vào nồi, rồi cho nước Đậu đen đến ngập với tỷ lệ 1 kg dược liệu và 100g Đậu đen và 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn, đảo luôn cho thuốc chín đều. Khi rễ củ đã mềm, lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước Đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Đồ phơi như vậy được chín lần là tốt (cửu chưng, cửu sái). Khi dùng thái lát hoặc bào thành phiến mỏng.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Hà thủ ô đỏ chứa 1,7% Antraglucosid trong đó có Crysophanol, Emodin, Rhein, 1,1% Protid, 42,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ (K, Ca, Mn, Ni, Cr), 26,4% chất tan trong nước…

Thành phần hóa học của Hà thủ ô thay đổi trong quá trình chế biến: Theo y học cổ truyền, Hà thủ ô đỏ sống chứa 7,68% Tanin, 0,259% dẫn chất Antraquinon tự do, 0,805% dẫn chất Antraquinon toàn phần. Sau khi chế biến, dược liệu chứa 3,82% Tanin, 0,113% dẫn chất Antraquinon tự do, 0,25% dẫn chất Antraquinon toàn phần.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Lý luận của của Y học cổ truyền cho rằng thận tàng tinh, chủ về việc sinh con đẻ cái. Nếu thận tinh sung túc thì sự sinh trưởng phát dục của cơ thể diễn ra thuận lợi, năng lực tính dục được khôi phục và nâng cao nên rất dễ sinh con. Sự già yếu của con người cũng do qui trình suy giảm của thận tinh quyết định. Vì vậy việc sử dụng Hà thủ ô lâu dài để bổ ích thận tinh, bền tinh khí có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.

Bên cạnh đó, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng chứa tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sớm bạc và dễ rụng. Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có tác dụng bồi bổ can thận, bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, sử dụng thường xuyên Hà thủ ô làm râu tóc dày khỏe và đen bóng.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh Hà thủ ô có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, giúp ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch, bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và giáp trạng. Ngoài ra, Hà thủ ô còn có tác dụng kháng khuẩn, nâng cao khả năng chống rét của cơ thể, nhuận tràng và giải độc.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

Chữa râu tóc bạc sớm, tóc khô và rụng: Dùng hà thủ ô chế nấu uống hằng ngày thay trà hoặc có thể tán thành bột và mỗi ngày dùng 10-20 gr.

Dùng ngoài dạng thuốc mỡ chữa một số bệnh ngoài da.

Hà thủ ô sống tươi và khô có thể dùng phối hợp với Hạ khô thảo, Kim ngân hoa, có tác dụng thông tiểu, giải độc, tiêu ung thũng.

Hà thủ ô chế có tác dụng bổ gan thận, ích tinh huyết, dùng làm thuốc an thần, bổ và tăng lực. Phối hợp với Sinh địa, Bạch thược, Cúc hoa để hồi phục sức khỏe cho người già sau khi bị bệnh, phối hợp với Đương quy, Ngưu tất, Kỷ tử, Thỏ ty tử chữa đau mỏi chân tay, di tinh, hay có thể phối hợp với Nhân sâm, Đương quy, Trần bì để chữa sốt rét lâu ngày, khí huyết suy nhược.

Trong đông y

Tính vị, quy kinh:

Rễ củ Hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm. Quy kinh Can thận.

Công năng: bổ gan, thận, bổ máu, ích tinh tủy, hòa khí huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng.

Chủ trị:

Rễ Hà thủ ô có tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát táo bón, da mẩn ngứa không có mủ. Uống lâu làm đen râu tóc đối với người tóc bạc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 10 – 20g. Người có huyết áp thấp và đường huyết thấp không nên dùng Hà thủ ô đỏ. Khi uống thì nên kiêng ăn hành, tỏi, cải củ.

Các bài thuc đông y

  1. Chữa tóc rụng và bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau mỏi lưng khớp, táo bón: Hà thủ ô chế, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g. Sắc uống.
  2. Thuốc bổ cho người già yếu, thần kinh suy nhược, tiêu hóa kém: Hà thủ ô đỏ 10g, Đại táo 5g, Thanh bì 2g, Trần bì 3g, Sinh khương 3g, Cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 – 4 lần uống trong ngày.
  3. Chữa xơ cứng mạch máu người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con: Hà thủ ô đỏ 20g, Tang ký sinh, Kỷ tử, Ngưu tất đều 16g. Sắc uống.

Trong y học hiện đại

Ở Ấn Độ, rễ Hà thủ ô đỏ được dùng làm thuốc bổ, chống bệnh scorbut và làm đen tóc. Nó còn có tác dụng đối với bệnh tăng đường máu. Một chế phẩm của Hà thủ ô đỏ được dùng cho phụ nữ sau khi đẻ.

Rễ Hà thủ ô đỏ được dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản để điều trị viêm da mủ, bệnh lậu, bệnh nấm favut ở chân, bệnh viêm và tăng lipid máu.

Dựa trên những công dụng quý giá mà Hà thủ ô đỏ mang lại, Công ty cổ phần dược phẩm OPC đã tiến hành bào chế thành công chế phẩm Viên Hà thủ ô EXTRACAP, dạng viên nang cứng hiện đại không những tiện dụng mà còn giữ được sự an toàn và hiệu quả của dược liệu.

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Rễ củ tròn, hoặc hình thoi, không đều, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi theo chiều dọc, hay chặt thành từng miếng to. Mặt ngoài có những chỗ lồi lõm do các nếp nhăn ăn sâu tạo thành. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, ở giữa có ít lõi gỗ. Vị chát.

Vi phẫu

Lớp bần gồm 3 đến 4 hàng tế bào thành dày. Mô mềm vỏ phát triển nhiều, rải rác có nhiều tinh thể Calci oxalat hình cầu gai và hình thoi. Từng đám libe cấp 2 rời nhau xếp thành một vòng tròn ứng với các đám gỗ cấp 2 ở bên trong. Tầng sinh libe-gỗ. Gỗ cấp 2 chạy vào đến tâm. Tia ruột chạy từ tâm cắt libe-gỗ cấp 2 thành từng đám. Ngoài ra có các bó libe gỗ thứ cấp được hình thành sau gỗ cấp 2 nằm riêng lẻ hoặc chụm với nhau rải rác khắp mô mềm vỏ.


A. Sơ đồ; B. Hình vi phẫu; C. Cụm tinh thể Calci oxalat; D. Một phần của bó gỗ
1. Bần; 2. Mô mềm vỏ; 3. Libe cấp 2; 4. Libe thử cấp; 5. Gỗ thứ cấp; 6. Gỗ cấp 2; 7. Cụm tinh thể calci oxalat.
 

Bột

Mùi nhẹ, màu nâu hồng, vị hơi chát. Soi dưới kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép đôi, kép ba, nằm riêng lẻ hoặc kết thành khối, đường kính 5 mm đến 25 mm, rốn hình sao hay phân nhánh.

Rải rác có các mảnh mạch điểm. Tinh thể Calci oxalat hình cầu gai, đường kính 20 mm đến 50 mm. Mảnh bần gồm các tế bào hình đa giác thành dày có màu đỏ nâu. Mảnh mô mềm có tế bào thành mỏng chứa tinh bột. Sợi nhỏ dài có vách dày với nhiều ống trao đổi.


1. Cụm tinh thể Calci oxalat 2. Hạt tinh bột 3. Mạch điểm 4. Mảnh bần
a. Cấu tử quan sát dưới kính hiển vi quang học.
b. Cấu tử quan sát dưới kính hiển vi phân cực.

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của Hà thủ ô đỏ.

Độ ẩm

Không quá 13,0%.

Tro toàn phần

Không quá 9,0%.

Tro không tan trong acíd 

Không quá 2,0%.

Lượt xem: 1.000
Tác giả: DS. Hữu Nhàn
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi