Đây là 6 lợi ích cực quan trọng nếu bạn có thể hạn chế ăn đường, đặc biệt là lợi ích thứ 4
Loại bỏ hoàn toàn đường khỏi chế độ ăn uống của mình là một việc vô cùng khó khăn. Bạn có thể không uống đồ uống có ga, không ăn bánh ngọt, không thêm đường vào tách trà. Nhưng chỉ cần bạn vẫn ăn bánh mì, uống sữa, thưởng thức các bữa ăn nhanh gọn với trái cây, nêm nếm đồ ăn với gia vị và hàng ngàn thực phẩm có vẻ ngoài lành mạnh khác trong giỏ mua hàng của mình, bạn sẽ vẫn tiêu thụ đường.
Điều chắc chắn là phần lớn chúng ta, dù không thể loại bỏ hoàn toàn, vẫn có thể cắt giảm đáng kể hàm lượng đường hấp thụ. Theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), trung bình người Anh hấp thụ 700g đường – tương đương 140 thìa cà phê - mỗi tuần, nhiều hơn 3 lần so với mức khuyến nghị. Cơ quan này khuyên người dân nêu cắt giảm đồ uống và thực phẩm chứa đường bổ sung, đồng thời tìm kiếm các lựa chọn tương đương nhưng có lượng đường thấp như nước hoặc sữa thay vì nước ngọt có ga, kem phô mai thay vì mứt hoặc mứt cam, súp thay vì bánh bột ngô nướng…
Nhưng lợi ích thực sự của việc hạn chế ăn đường là gì?
1. Bạn có thể giảm cân
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn tới tăng cân. Không ăn bánh, kẹo ngọt, socola vì sức khoẻ và bạn còn có thể giảm đi vài cân.
Giáo sư Naveed Satta, Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Glasgow - Hiệp hội Tim mạch Anh thuộc Đại học Glasgow, cho biết: "Đường về bản chất không gây hại – chúng ta cần nó để phục vụ các nhu cầu năng lượng của cơ thể - nhưng khi tiêu thụ đường quá nhiều, nó sẽ góp phần tăng cân".
2. Trái tim của bạn sẽ khoẻ mạnh hơn
Uống chỉ 3 lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh tim, theo kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2014.
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra mối liên hệ rõ rệt giữa tỷ lệ calo hàng ngày từ những thực phẩm chứa đầy đường bổ sung với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Cắt giảm đường và nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ được xoá bỏ một cách đáng kể.
3. Không còn cạn kiệt năng lượng nữa
Nếu bạn mê thích các món ăn vặt nhiều đường, bạn có thể đã quen với tình trạng tụt dốc năng lượng thảm hại diễn ra sau đó.
Những món ăn có đường khiến hàm lượng đường huyết tăng cao – cho tới khi xảy ra một vụ trượt dốc không thể tránh khỏi. Kết quả là bạn rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ và nguy hiểm hơn cả là càng thèm nhiều carbohydrate hơn nữa.
4. Bạn sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư
Đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư. Tuy nhiên, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Anh cho biết, họ tìm thấy mối liên hệ gián tiếp giữa nguy cơ mắc ung thư và đường. "Ăn nhiều đường theo thời gian có thể khiến bạn tăng cân và đã có bằng chứng khoa học mạnh mẽ chứng minh rằng, thừa cân hay béo phì tăng nguy cơ mắc 13 loại bệnh ung thư. Trên thực tế, béo phì là nguyên nhân gây ung thư lớn nhất nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được, sau thói quen hút thuốc lá".
5. Suy nghĩ của bạn trở nên mạch lạc, sáng rõ hơn
Một nghiên cứu của Đại học California tại Los Angeles trên chuột cho thấy, quá nhiều fructose - loại đường đơn có trong trái cây, mật ong và rau – làm giảm hoạt động não thông qua tác động tới khả năng của insulin trong việc giúp tế bào não chuyển đường thành năng lượng để suy nghĩ của.
Bác sĩ Sarah Brewer, chuyên gia dinh dưỡng y khoa, cảnh báo tác hại của những loại thực phẩm nhiều đường: "Tế bào não cần glucose để hoạt động nhưng nếu quá nhiều glucose trong một khoảng thời gian ngắn sẽ gây ra tình trạng đường trong máu tăng vọt và khiến bạn hưng phấn, bồn chồn không kiểm soát".
6. Hệ miễn dịch của bạn sẽ khoẻ mạnh hơn
Theo WebMD, ăn hoặc uống quá nhiều đường "hạn chế khả năng tấn công vi khuẩn của tế bào miễn dịch. Hiệu ứng này kéo dài ít nhất vài giờ sau khi bạn thưởng thức 2 ly đồ uống có đường".
Giám đốc Dinh dưỡng học Susan Levin (Hiệp hội Bác sĩ) cho biết: Đường huyết cao cũng góp phần đáng kể trong việc làm cho bạch cầu giảm khả năng chống chọi và tiêu diệt các vi khuẩn và virus. Vì vậy, bạn không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn và có nhiều đường như kẹo, bánh quy, soda và các loại bánh mứt đóng gói sẵn, nhất là khi thời tiết thay đổi, nguy cơ bị cảm cao.
(Nguồn: Telegra)