HOÀNG KỲ

Tên gọi khác : Miên Hoàng kỳ, Tiễn kỳ, Khẩu kỳ, Bắc kỳ

Tên khoa học :

Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge.

 

Họ : Đậu (Fabaceae).

BỘ PHẬN DÙNG

Dược liệu Hoàng kỳ là rễ của cây Hoàng kỳ (hay còn gọi là Hoàng kỳ Mạc Giáp) [Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge.] hoặc cây Hoàng kỳ Mông Cổ [Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge. var. mongholicus (Bge.) Hsiao].
Rễ được thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu ở cây 3 năm tuổi, hoặc 6-7 năm tuổi thì càng tốt. Rễ rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu và rễ con, phơi hay sấy khô. Rễ to mập, bằng ngón tay trở lên nhiều thịt, dai, ruột vàng là tốt.
 

   
Các dạng Hoàng kỳ sống trên thị trường


Hoàng kỳ được chế biến như sau:
    - Hoàng kỳ sống (gọi là Sinh kỳ): Ủ mềm, thái phiến mỏng 1-2 mm, sấy nhẹ hoặc phơi khô.
    - Hoàng kỳ tẩm mật sao (gọi là Chích kỳ): Lấy mật ong hoà với một ít nước sôi rồi tẩm vào hoàng kỳ đã thái phiến, trộn đều, ủ cho thuốc ngấm nước mật, sao nhỏ lửa cho vàng, khi cầm không dính tay là được. Để nguội. Cứ 100 kg Hoàng kỳ dùng 25-30 kg mật ong.

Dược liệu dễ nhầm lẫn:

  • Trên thị trường có  một dược liệu khác dễ nhầm lẫn với Hoàng kỳ là Hồng kỳ (Hedysarum polybotrys Hand. – Mazz.), họ Đậu (Fabaceae). Hồng kỳ cũng được nhập từ Trung Quốc và có công dụng trong đông y gần giống như Hoàng kỳ. Nhưng khác với Hoàng kỳ, dược liệu Hồng kỳ bề ngoài có màu nâu đỏ, soi vi phẫu có nhiều tinh thể calci oxalat hình khối, sắc ký lớp mỏng không có Astragalosid IV.
  • Ngoài ra cũng cần tránh nhầm với vị thuốc Hoàng kỳ Nam là rễ của cây vú bò (Ficus heterrophyllus L.), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Theo dân gian, đây là vị thuốc bổ dùng cho người hư lao, khí hư, bạch đới, tắc tia sữa và chữa phong thấp.

MÔ TẢ CÂY

 
Cây Hoàng kỳ [Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge.]


Cây Hoàng kỳ [Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge.]: Cây sống lâu năm, cao 50-80 cm. Rễ dài hình trụ, mọc cắm sâu. Thân mọc thẳng đứng, trên có phân nhiều cành. Lá mọc so le, kép lông chim lẻ, gồm 6-13 lá chét hình trứng dài 5-23 mm, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm, dài hơn lá; hoa màu vàng; đài hình ống ngắn, 5 răng không đều; tràng có cánh cờ thẳng hình trứng thuôn; nhị 2 bó; bầu có nhiều noãn. Quả đậu dẹt, to dần về phía đầu và có mũi nhọn ngắn, mặt ngoài có lông ngắn, 5-6 hạt hình thận, màu đen. Mùa hoa vào các tháng 6-7, mùa quả vào các tháng 8-9.
Cây Hoàng kỳ Mông Cổ [Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge. var. mongholicus(Bge.) Hsiao]: Rất giống loại trên, nhưng khác bởi lá chét nhỏ hơn, 12-18 đôi lá chét, tràng hoa dài hơn, quả rộng hơn 1,1-1,5 cm, không có lông. Mùa hoa vào các tháng 6-7, mùa quả vào các tháng 7-9.

PHÂN BỔ

Hoàng kỳ hiện nay vẫn chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Hoàng kỳ đã được di thực trồng thử nghiệm ở Sa Pa và Đà Lạt nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.
Hoàng kỳ là cây ưa sáng và ưa ẩm, phát triển tốt ở vùng có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình khoảng 15 oC. Về mùa đông, cây rụng lá, do có phần rễ ăn sâu dưới đất nên có thể chịu được qua thời kỳ băng giá. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Gieo trồng bằng hạt.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các thành phần chính có hoạt tính sinh học thuộc 3 nhóm: polysaccharid, saponin và isoflavonoid.
Polysaccharid: 3 astragalan I, II, III; 2 glucan (AG-1 và AG-2) và 2 heterosacharid (AH-1 và AH-2).
Saponin: gồm 9 astragalosid và isoastragalosid: astragalosid I, astragalosid II, astragalosid III, astragalosid IV, astragalosid V, astragalosid VI, astragalosid VII, isoastragalosid I, isoastragalosid II và 2 saponin kiểu olean: astragalosid VIII và soyasaponin I. Trong đó, astragalosid IV là chất chính và đã được đưa vào kiểm soát trong chỉ tiêu định tính, định lượng dược liệu Hoàng kỳ.
Isoflavonoid: Các isoflavonoid chính gồm có Calycosin, Calycosin-7-O-β-D-glucosid, formononetin và ononin; trong đó Calycosin-7-O-β-D-glucosid chiếm tỉ lệ cao nhất và cũng được dùng làm chất điểm chỉ trong định lượng dược liệu Hoàng kỳ.
Ngoài ra, Hoàng kỳ còn có amino acids và các nguyên tố vi lượng khác.

Một số công thức đại diện:




    



 

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hiện nay, Astragalosid IV của Hoàng kỳ đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng bảo vệ tim mạch, gan, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, kháng viêm, kháng virus,… Astragalosid IV đang được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn với triển vọng phân lập và phát triển thành hoạt chất làm thuốc.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các isoflavonoid của Hoàng kỳ có tác dụng chống oxy hóa, chống thiếu máu cục bộ, kháng viêm trong các bệnh viêm xương khớp mãn tính, kháng virus…
Tác dụng trên hệ miễn dịch: Polysaccharid chiết từ Hoàng kỳ làm tăng khả năng thực bào của các đại thực bào và bạch cầu đa nhân; làm tăng hoạt tính miễn dịch, điều chỉnh lại chức năng tế bào T đã bị suy và làm tăng hoạt tính interleukin-2.
Tác dụng kích thích phát triển cơ thể: Trong nuôi cấy tế bào in vitro, Hoàng kỳ làm tế bào tăng trưởng nhanh hơn,với lượng tế bào hoạt động tăng lên nhiều, tuổi thọ tế bào kéo dài hơn.
Tác dụng trên tim: Hoàng kỳ có tác dụng làm tăng co bóp tim bình thường. Nếu tim suy thì tác dụng càng rõ.
Tác dụng giãn mạch hạ huyết áp: Hoàng kỳ làm giãn mạch, nên làm cho máu tới các cơ quan nhiều hơn, sự dinh dưỡng tốt hơn, đồng thời làm huyết áp giảm.
Tác dụng lợi niệu: Hoàng kỳ có tác dụng lợi tiểu, nhưng dùng kéo dài thì những ngày sau tác dụng lợi tiểu lại không rõ rệt. Uống liều quá cao ngay ngày đầu lượng nước tiểu lại giảm đi nhưng không thấy albumin niệu hoặc đường niệu.
Tác dụng trên gan: Hoàng kỳ có tác dụng bảo vệ gan, ngăn ngừa sự giảm hàm lượng glycogen gan và làm tăng hàm lượng protein và albumin toàn phần trong huyết thanh.
Tác dụng chống viêm: Trong rễ Hoàng kỳ có Astramembrannin I ức chế sự tăng tính thấm mạch do serotonin hoặc histamin với liều tiêm tĩnh mạch 5mg/kg hoặc uống liều 50mg/kg. Thuốc còn ức chế phù do carragenin ở chuột cống trắng.
Tác dụng trên hệ sinh dụcHoàng kỳ gây hưng phấn sự co bóp tử cung cô lập của chuột cống có thai nhưng lại ức chế sự co bóp của ruột thỏ cô lập.
Tác dụng trên aldose redustaseRễ hoàng kỳ khô nghiền thành bột thô, chiết bằng nước sôi trong 5 giờ, làm lạnh và lọc, làm đông khô thành bột. Thử với nồng độ 0,1 mg/ml có tác dụng ức chế adose reductase.
Tác dụng kháng khuẩn: Hoàng kỳ có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn lỵ Shigella, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, tụ cầu vàng.
Độc tính: Hoàng kỳ có độc tính cấp thấp. Cho chuột nhắt trắng uống liều 100 g/kg, là liều gấp 500 lần cao hơn liều thường dùng cho người không có chuột chết và không thấy có biểu hiện tác dụng phụ có hại.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

Chữa sa trực tràng, sa dạ dày, sa tử cung, sa thận, các trường hợp xổ bụng, thoát vị: Hoàng kỳ 60 g, Kỷ tử 30 g, chim câu 1 con (làm sạch bỏ ruột). Hầm chín. Khi ăn thêm muối, bột ngọt, gia vị khác.
Chữa suy nhược hay bị cảm cúm, hồi hộp, tức ngực, đau đầu quên lẫn:Hoàng kỳ 30 g, nấm hương (hoặc các loại nấm ăn khác) 150 g, thịt gà nạc 250 g, gừng tươi 15 g, hành 20 g. Nấm được ngâm mềm, rửa sạch. Cho dầu vừng vào xoong, đun sôi, cho thịt gà, gừng, hành vào xào chín, cho tiếp muối ăn, chút rượu, nấm và một lượng nước thích hợp, đun sôi 30 phút - 1 giờ. Cho thịt gà và nấm hương ra đĩa, rắc bột tiêu lên; thêm cải bẹ hoặc súp lơ vào nước canh, đun sôi tiếp cho chín.
Chữa phì đại tiền liệt tuyến, bí đái, tiểu nhiều lần cả ban ngày và ban đêm, lượng nước tiểu không nhiều, nhưng vẫn có cảm giác chưa hết: Hoàng kỳ 30 g, cá giếc hoặc cá chép 1 con khoảng 250 g. Hầm chín ăn, mỗi tuần 2 lần.
Tẩm bổ sau mổ: Hoàng kỳ 30 g, a giao 30 g, nếp 100 g, đường đen 20 g. A giao giã nhuyễn, cho vào chảo gang, sao vàng, tán mịn, sử dụng sau. Hoàng kỳ rửa sạch, nướng khô, thái phiến, cùng nếp cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, ninh thành cháo, nêm bột a giao và đường đen, tiếp tục ninh cháo đặc thì hoàn tất.
Hãm trà uống: Hoàng kỳ thái lát mỏng, sử dụng dần. Mỗi lần dùng 5 – 10 g, bỏ trong ly, chế nước sôi, hãm nửa giờ thì dùng uống thay trà. Hoàng kỳ nâng cao chức năng miễn dịch cơ thể thấy rõ, tăng sức đề kháng, thúc đẩy trao đổi chất. Thường uống hoàng kỳ có thể dự phòng cảm cúm và viêm phế quản tái phát.

Trong đông y

Tính vị, quy kinh: Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh phế và tỳ.
Công năng:

  • Hoàng kỳ sống có công dụng lợi tiểu, chữa tiểu buốt, tiểu đục, đái tháo đường, giải độc, sinh cơ (chữa ung nhọt lở loét lâu lành).
  • Hoàng kỳ tẩm mật sao có tác dụng ôn trung, cố biểu, bổ khí huyết, tỳ vị.
  • Hoàng kỳ tẩm muối: có tác dụng bổ thận.

Chủ trị: Khí hư mệt mỏi, kém ăn; trung khí hạ hãm, tiêu chảy lâu ngày, sa tạng phủ, tiện huyết, rong huyết; ra mồ hôi; nhọt độc khó vỡ; nội nhiệt tiêu khát; viêm thận mạn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng từ 9 g đến 30 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Các bài thuốc đông y

1.Chữa toàn thân suy nhược, khó thở, ngắn hơi, kém ăn, miệng khô, tim đập nhanh, hồi hộp, mặt xanh vàng, mồ hôi nhiều, có thể sốt âm ỉ:
    - Hoàng kỳ sao mật 6 phần, Cam thảo 1 phần (nửa dùng sống, nửa sao vàng). Tất cả tán nhỏ, mỗi lần uống 4-8 g, ngày 3 lần, sáng, chiều và tối. Có thể sắc uống (Hoàng kỳ lục nhất thang).
    - Hoàng kỳ tẩm mật sao 6 g, Thược dược 5 g, Quế chi 2 g, Cam thảo 2 g, Sinh khương 4 g, Đại táo 6 g sắc chia 3 lần uống trong ngày. Trước khi uống có thể thêm mạch nha hoặc mật ong (Hoàng kỳ kiện trung thang).
    - Hoàng kỳ 16 g, Bạch truật, Đảng sâm, Đương quy mỗi vị 12 g, Sài hồ, Trần bì mỗi vị 6 g, Thăng ma, Trích thảo mỗi vị 4 g. Có thể thêm Huyền sâm 10 g, Tri mẫu 8 g. Thường dùng khi cơ thể hư nhược trong các bệnh mạn tính (Bổ trung ích khí thang).
    -Hoàng kỳ 24 g, Bạch truật, Phòng phong mỗi vị 8 g.Tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần 6 – 8 g,ngày 2 lần. Uống với rượu hoặc nước (Ngọc bình phong tán).
2.Chữa nhũn não: Truyền mỗi ngày 250 ml dịch chế từ 4 vị Hoàng kỳ, Đơn sâm, Xuyên khung, Xích thược vào tĩnh mạch mỗi đợt 10 ngày, nghỉ 4 ngày lại truyền đợt khác. Kết hợp uống bài “thông mạch” gồm Hoàng kỳ và Hồng hoa, Xuyên khung, Đan sâm, Sơn tra, Ngưu tất, Địa long, Quế chi. Đã điều trị 110 ca nhũn não, khỏi 52, kết quả tốt 36, tiến bộ 20, tỉ lệ đạt 92,8%.
3.Chữa sa dạ dày: Hoàng kỳ sống, Thăng ma, Sài hồ, Ngũ vị tử, chế thành dịch tiêm bắp mỗi lần 4ml, ngày 2 lần, hoặc tiêm huyệt trung quản, túc tam lý, mỗi huyệt 0,5 ml/ngày, một đợt điều trị khoảng 1 tháng. Sau khi ăn bệnh nhân nằm nghỉ.
4.Chữa sa trực tràng: Hoàng kỳ sống 30-50 g, Đan sâm 15 g, Sơn tra nhục 10 g, Phòng phong, Thăng ma mỗi vị 3 g, sắc uống ngày 1 thang. Nếu có phần lòi ra ngoài, gia thêm Thuyền thoái, Kinh giới than, Băng phiến tán bột trộn với dầu thơm bôi.
5.Phòng ngừa cảm mạo, viêm mũi dị ứng:
-Hoàng kỳ sống chế thành viên, mỗi viên 1 g , ngày 5 - 6 viên, dùng 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại uống đợt thứ hai.
- Hoàng kỳ 15 g, Đại táo 10 g chế thành bột hoặc sắc uống trong ngày.
6.Chữa ho, viêm phế quản: Hoàng kỳ 24 g, Tuyên phục hoa 10 g, Bách bộ 10 g, Địa long 6 g chế thành viên, uống trong 3 ngày. Dùng 10 ngày, liền 3 - 4 đợt.
7.Chữa bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim): Hoàng kỳ 30 g, Xích thược, Đan sâm mỗi thứ 15 g, Đương quy 12 g, Xuyên khung 10 g. Ngày một thang, sắc uống, dùng 4-6 tuần.
8.Thuốc bổ huyết: Khi bị huyết hư, có sốt hoặc sau khi mất nhiều máu. Hoàng kỳ 40 g, Đương quy 8 g sắc uống.
9.Chữa viêm thận: Hoàng  kỳ 12 g, Phòng kỷ 12 g, Cam thảo 4 g, Bạch truật 8 g, Gừng tươi 12 g, Đại táo 3 quả sắc uống (Hoàng kỳ phòng kỷ thang).
10.Chữa phì đại tuyến tuyền liệt: Hoàng kỳ sống 100 g, Hoạt thạch 30 g, sắc 2 lần, trộn đều thêm hổ phách 3 g tán bột cho vào thuốc chia ra uống trong ngày lúc đói.
11.Trị đau nhức các khớp: 
- Hoàng kỳ 16 g, Bạch thược 12 g, Quế chi 6 g, Sinh khương 12 g, Đại táo 3 quả sắc uống (Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang) dùng trong trường hợp đau nhức các khớp do cơ thể suy nhược, khí huyết hư.
 - Hoàng kỳ 40-160 g, Đương quy vĩ 8 g, Xích thược 8 g, Địa long 4 g , Xuyên khung 4 g, Đào nhân 4 g, Hồng hoa 4 g sắc uống. Dùng trong trường hợp viêm khớp mạn tính, viêm quanh khớp vai, đau trong chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não.
12.Chữa ung nhọt, sang thương lâu ngày không làm mủ, nhọt lở loét khó liền miệng:
- Hoàng kỳ 16 g, Đương quy 12 g, Xuyên khung 6 g, Bạch truật 12 g, Kim ngân hoa 16 g, Tạo giác thích 12 g, Thiên hoa phấn 12 g, Trạch tả 12 g, Cam thảo 4 g, sắc uống (Hoàng kỳ nội thác tán).
- Hoàng kỳ 20 g, Kim ngân 20 g, Đương quy 16 g, Cam thảo 6 g, sắc uống (Tứ diêu thang).
Chữa lupus ban đỏ: Hoàng kỳ 30, 60 hoặc 90 g, sắc uống ngày một thang; dùng liền 1-2 tháng, kết hợp dùng thêm corticoid liều nhỏ hoặc trung bình.


Mô tả
Rễ hình trụ, đôi khi phân nhánh, trên to, phần dưới nhỏ dần, dài 30 - 90 cm, đường kính 1 - 3,5 cm. Mặt ngoài màu vàng hơi nâu nhạt hoặc màu nâu nhạt, với nếp nhăn dọc và rãnh dọc không đều. Chất cứng, dai, không dễ bẻ gãy, mặt gãy nhiều sợi và nhiều tinh bột; phần vỏ màu trắng hơi vàng, gỗ màu vàng nhạt với những vết nứt và tia hình nan quạt. Phần giữa của rễ già, đôi khi có dạng gỗ mục nát, màu nâu hơi đen hoặc rỗng. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt và hơi tanh như mùi đậu khi nhai.
Vi phẫu
Mặt cắt ngang rễ: Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào. Lục bì có 3 - 5 hàng tế bào mô dày. Phần ngoài của libe thường cong và có khe nứt, có các sợi xếp thành bó, thành tế bào dày lên và hóa gỗ hoặc hơi hóa gỗ, sắp xếp xen kẽ với các bó mạch rây. Tế bào đá đôi khi thấy rõ ở gần lục bì. Tầng phát sinh libe-gỗ thành vòng liên tục. Mạch gỗ rải rác, dạng mạch đơn hay tụ họp thành nhóm 2 đến 3 cái; có sợi gỗ ở giữa các mạch; tế bào cứng đơn chiếc hoặc họp thành những nhóm 2 đến 3 cái, đôi khi nhìn thấy từng dãy. Tế bào mô mềm có chứa các hạt tinh bột.


Bột
Màu trắng hơi vàng, các sợi hợp thành bó hoặc rải rác, đường kính 8 - 30 μm, thành sợi dày có khe nứt dọc trên bề mặt, 2 đầu sợi thường bị gãy thành dạng tua hoặc hình hơi cụt. Mạch điểm không màu hoặc màu cam. Đôi khi thấy tế bào cứng hình tròn, hình bầu dục hoặc không đều, thành hơi dày.
Định tính
Bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng, dược liệu phải có các vết của Astragalosid IV và các vết đặc trưng khác của Rễ Hoàng kỳ.
Độ ẩm
Không quá 10,0 %.
Tro toàn phần
Không quá 5,0 %.
Kim loại nặng: 
Chì (Pb) không quá 5 ppm
Cadimi (Cd) không quá 0,3 ppm
Arsen (As) không quá 2 ppm
Thủy ngân (Hg) không quá 0,2 ppm
Đồng (Cu) không quá 20 ppm.
Dư lượng thuốc trừ sâu clor hữu cơ
Hexaclorocyclohexan không quá 0,2 ppm.
Clorophenothan không quá 0,2 ppm.
Pentaclorid nitrobenzen không quá 0,1 ppm.
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 17,0  % tính trên dược liệu khô kiệt.
Định lượng
Astragalosid IV (C41H68O14) không ít hơn 0,040 % tính trên dược liệu khô kiệt.
Calycosin-7-O-b-D-glycosid (C22H22O10) không ít hơn 0,020 % tính trên dược liệu khô kiệt.

Lượt xem: 853
Tác giả: ThS. Minh Thuận
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi