ĐƯƠNG QUY

Tên khác: Tần quy, Xuyên qui, Vân qui

Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels, Angelica Polymorpha Maxim var sinensis Oliv.

Họ: thuộc họ Hoa tán Apraceae (Umbelliferae)

BỘ PHẬN DÙNG

Đương quy (Radix Angelicae sinensis): là rễ phơi hay sấy khô của cây Đương quy. Quy là về, vì vị thuốc này có tác dụng điều khí, nuôi huyết, làm cho huyết đang loạn xạ trở về chỗ cũ do đó có tên như vậy.

Đương quy phiến: Đương quy đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.


Hình 1: Đương quy dạng rễ nguyên (trái), dạng phiến (phải)

MÔ TẢ CÂY

Đương quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 40-80cm, thân màu tím có rãnh dọc. Lá mọc so le, 2-3 lần xẻ lông chim, cuống dài 3-12cm, 3 đôi lá chét; đôi lá chét phía dưới có cuống dài, đôi lá chét phía trên đỉnh không có cuống; lá chét lại xẻ 1-2 lần nữa, mép có răng cưa; phía dưới cuống phát triển dài gần 1/2 cuống, ôm lấy thân. Hoa nhỏ màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa. Quả bế có rìa màu tím nhạt. Ra hoa vào tháng 7-8.

PHÂN BỐ

Phân bố

Đương quy hiện nay vẫn phải nhập của Trung quốc và Triều tiên. Ta đã nhiều lần thí nghiệm trồng nhưng mới thành công trong phạm vi nhỏ tại Sapa tỉnh Lào cai, chưa phổ biến rộng rãi. Nhưng mới đây chúng ta đã trồng thành công Đương quy ở vùng đồng bằng quanh Hà Nội do lợi dụng thời tiết lạnh của mùa rét, tuy nhiên chất lượng có khác. Tại Trung Quốc, Đương quy được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây. Hằng năm, vào mùa thu gieo hạt, cuối thu đầu đông nhổ cây con cho vào hố ở dưới đất cho qua mùa đông. Qua mùa xuân lại trồng, đến mùa đông lại bảo vệ. Đến mùa thu năm thứ 3 có thể thu hoạch.

Thu hoạch, sơ chế

Đào rễ về cắt bỏ rễ con, phơi trong nhà hoặc cho vào trong thùng, sấy lửa nhẹ, cuối cùng phơi trong mát cho khô. Trên thị trường người ta còn phân biệt ra quy đầu là rễ chính và một bộ phận cổ rễ; quy thân hay quy thoái là phần dưới của rễ chính hoặc là rễ phụ lớn. Quy vĩ là rễ phụ nhỏ, đông y cho rằng tính chất của mỗi bộ phận có khác nhau, nhưng hiện nay tại Trung Quốc người ta cũng đơn giản bớt đi và phần lớn trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu người ta không phân biệt nữa. Toàn rễ cái rễ phụ được gọi là toàn quy.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ chứa tinh dầu 0,2%, trong đó có 40% acid tự do. Một số hợp chất chính có trong rễ Đương quy.

  • Tinh dầu: Ligustilide, n-butyliden phthalide, n-valerophenon-o- carboxylic acid, n-dodecanol


 

  • Nhóm Furanocoumarin: psoralen, bergapten, sesquiterpen, archangelicin

 

  • Nhóm phytosterol: β-sitosterol, β-sitosteryl palmitate

  • Các acid hữu cơ: acid ferrulic, acid myristic, acid succinic, acid folic, acid nicotinic, acid folinic, acid palmitic.
  • Một số vitamin: vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin A, vitamin B12 (0,25-0,4µg/100g).

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

  • Đương quy có tác dụng 2 chiều đối với tử cung. Chất tan vào nước hoặc cồn không phải tinh dầu có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập; còn chất bốc hơi sôi ở nhiệt độ cao và dầu. Đương quy có tác dụng ức chế và lúc áp lực trong tử cung cao thì thuốc làm tăng co bóp tử cung. Đương quy còn có tác dụng gia tăng sự tổng hợp protid khiến tử cung dày lên. Đương quy còn có khả năng chống sự thiếu hụt vitamin E phòng ngừa sẩy thai nhưng không thể hiện rõ tác dụng như oestrogen.
  • Dịch ngâm Đương quy cho chuột nhắt làm tăng huyết sắc tố và hồng cầu. Tác dụng này có quan hệ với hàm lượng vitamin B12 và acid folic trong Đương quy.
  • Đương quy có tác dụng làm dãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, giảm tiêu hao lượng oxy của cơ tim, giảm ngưng tập của tiểu cầu, chống sự hình thành huyết khối, có tác dụng làm giảm rối loạn nhịp tim và hạ lipid huyết. Đương qui có tác dụng làm dãn huyết quản ngoại vi, làm dịu co thắt cơ trơn của huyết quản ngoại vi, tăng lưu lượng máu; vì thế mà Đương quy có tác dụng giảm đau. Tinh dầu Đương quy làm huyết áp tăng nhưng chất hòa tan trong nước thì làm hạ huyết áp.
  • Tác dụng chống viêm: nước chiết xuất Đương quy giảm thấp tính thẩm thấu của huyết quản, ức chế các chất gây viêm của tiểu cầu như 5TH phóng ra.
  • Tác dụng giảm đau, an thần do tinh dầu Đương quy.
  • Đương quy có tác dụng làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, tăng khả năng thực bào của đại thực bào, thúc đẩy sự chuyển dạng Lympho bào. Nhưng cũng có người cho rằng Đương quy có tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Có tác dụng lợi tiểu do thành phần đường mía trong Đương quy, cao nước thô của Đương quy có tác dụng hưng phấn đối với cơ trơn ruột non và bàng quang của súc vật thí nghiệm.
  • Có tác dụng làm dãn cơ trơn phế quản và làm giảm cơn hen (bình suyễn).
  • Có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa glycogen gan giảm thấp.
  • Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Đương quy có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn coli, lị, thương hàn, phó thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn tán huyết. Tinh dầu Đương quy có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn coli, trực khuẩn lî Flexner, trực khuẩn mủ xanh.
  • Có tác dụng phòng chống thiếu vitamin E trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, nhà xuất bản Khoa học 1965, tr265.
  • Về tác dụng đối với huyết áp, có tài liệu nói: theo Schmidt, Y Bác An và Trần khắc Khôi (1924, Chinese Med. J 38, 362), tinh dầu của Đương quy có tác dụng hạ huyết áp, nhưng thành phần không bay hơi của Đương quy lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao.
  • Đương quy có tác dụng nhuận tràng thông tiện.

CÔNG DỤNG

Trong đông y

  • Tính vị, quy kinh: Cam, tân, ôn. Vào các kinh can, tâm, tỳ
  • Công năng, chủ trị: Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng. Chủ trị: Huyết hư, chóng mặt. Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh, táo bón do huyết hư. Phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

Đương quy chích rượu: Dùng điều trị bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.
Toàn Quy: Hoà huyết (vừa bổ huyết vừa hoạt huyết).
Quy vĩ: Hoạt huyết hoá ứ.
Quy thân: Dưỡng huyết bổ huyết.
Quy đầu: Chỉ huyết.

  • Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 - 12 g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
  • Kiêng kỵ: Tỳ vị có thấp nhiệt, đại tiện lỏng không nên dùng.

Trong cuộc sống

  • Bài tứ vật (tứ vật thang): Đương quy, Thục địa hay Sinh địa, mỗi vị 12g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn lại 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, làm thuốc chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, đau ở rốn, đẻ xong máu hôi chảy mãi không ngừng. Đối với phụ nữ sau khi đẻ lắm bệnh có khi dùng bài Tứ vật nói trên thêm Hắc can khương, Hắc đậu (đậu đen), Trạch lan, Ngưu tất, Ích mẫu, Bồ hoàng.
  • Bài Đương quy kiến trung thang của Trương Trọng Cảnh dùng cho phụ nữ sinh đẻ thiếu máu, thuốc bổ huyết: Đương quy 7g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Thược dược 10g, Đường phèn 50g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa cháy máu cam không ngừng: Đương quy sao khô tán nhỏ, mỗi ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần dùng 4g. Dùng nước cháo mà chiêu thuốc.
  • Dưỡng não hoàn = viên dưỡng não:  Dùng chữa mất ngủ, nhức đầu, ngủ hay mê: Đương quy 100g, Viễn chí 40g, Xương bồ 40g, Táo nhân 60g, Ngũ vị 60g, Khởi tử 80g, Đởm tinh 40g, Thiên trúc hoàng 40g, Long cốt 40g, Ích trí nhân 60g, Hổ phách 40g, Nhục thung dung 80g, Bá tử nhân 60g, Chu sa 40g, Hồ đào nhục 80g. Tất cả tán thành bột, thêm Mật ong vào viên thành viên mỗi viên nặng chừng 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Uống luôn 15 ngày.

Trong y học hiện đại

Theo quan niệm YHCT: Khí và huyết là những thành phần cấu tạo cơ bản của cơ thể, duy trì sự sống của con người. Khí có tác dụng thúc đẩy huyết và các công năng tạng phủ kinh lạc hoạt động. Khí, huyết suy yếu sẽ làm cơ thể suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ăn kém, ngủ ít….

Chế phẩm Sâm qui đại bổ của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC được bào chế từ Đảng sâm, Thục địa, Quế chi, Ngũ gia bì, Đương quy, Xuyên khung, Long nhãn, Trần bì. Là sản phẩm có hiệu quả cao trong bồi bổ khí huyết.


Sản phẩm Sâm quy đại bổ

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Rễ dài 10 - 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt thành 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ.

Đường kính quy đầu 1,0 - 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ từ 0,3 - 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay, hơi đắng.


Hình 3: Rễ Đương quy

Vi phẫu

Lớp bần mỏng màu nâu nhạt. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng chứa tinh bột. Vùng libe có nhiều ống tiết tinh dầu. Tầng sinh libe-gỗ là một vòng ngoằn ngoèo rõ rệt. Mô mềm ruột có nhiều sợi.


Hình 4: Vi phẫu rễ Đương quy

Trong đó:

A. Hình dạng tổng quát (Sketch)

B. Mặt cắt ngang rễ (Section illustration)

C. Túi tiết tinh dầu riêng lẻ (Single oil cavity)

D. Nhóm túi tiết tinh dầu (Oil cavities in a group)

  1. Lớp bần (Cork)
  2. Mô mềm vỏ (Cortex)
  3. Kẽ nứt (Clefts)
  4. Túi tiết tinh dầu (Oil cavity)
  5. Libe (Phloem)
  6. Tia libe (Phloem rays)
  7. Tầng phát sinh libe - gỗ (Cambium)
  8. Tia gỗ (Xylem rays)
  9. Chất gỗ (Xylem)

Bột

Bột màu nâu vàng, mùi thơm đặc biệt. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột đứng riêng lẻ. Các ống tiết tinh dầu, thường bị vỡ. Mảnh mô mềm có nhiều hạt tinh bột. Mảng mạch mạng, mạch xoắn, mạch điểm.


Hình 5: Vi phẫu bột rễ cây Đương quy

Trong đó:

a. Hình quan sát được dưới kính hiển vi quang học (the light microscope)

b. Hình quan sát được dưới kính hiển phân cực (the polarizing microscope)

1. Tế bào bần (Cork cells)
2. Ống tiết tinh dầu (Secretion from oil cavity)
3. Vùng gồm các ống tiết tinh dầu (Oil cavity)
4. Tế bào nhu mô Libe (Phloem parenchymatous cells)
5. Mảnh mạch mạng trong một bó mạch (Reticulate vessels in a bundle)
6. Mạch ngăn hình thang riêng lẻ
7. Hạt tinh bột trong mảnh mô mềm (Starch grains in parenchymatous cells)
8. Các hạt tinh bột đứng riêng lẻ (Starch grains scattered)

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của rễ Đương quy.

Độ ẩm

Không quá 15 %

Tro không tan trong acid

Không quá 2% 

Tạp chất

Không quá 1%

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 40,0%.

Lượt xem: 706
Tác giả: Sưu tầm & tổng hợp: Ks. Lê Văn Thành
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi