Đan sâm

Tên khác: Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn, Sơn sâm, Hồng đan sâm, Hồng căn, Tử đan sâm, Cứu thảo, Xôn đỏ

Tên khác: Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn, Sơn sâm, Hồng đan sâm, Hồng căn, Tử đan sâm, Cứu thảo, Xôn đỏ

Tên khoa học: Salvia miltiorrhiza Bunge.

Họ: thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae)

BỘ PHẬN DÙNG

Rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge)

Hình 1: Rễ Đan sâm phơi khô và thái phiến

MÔ TẢ CÂY

Cây thảo, sống lâu năm, cao 30-80cm. Rễ mảnh có đường kính 0,5-2cm, phân nhánh nhiều, màu đỏ nâu. Thân hình trụ, có 4 cạnh và lông mềm. Lá mọc đối, kép lông chim lẻ, 3-5 lá chét, đôi khi 7, hình trứng hoặc trái xoan, dài 2-7cm, rộng 0,8-5cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa tròn, hai mặt phủ lông trắng mềm, dày hơn ở mặt dưới, gân lá chằng chịt thành mạng lưới, làm phiến lá như bị rộp lên, lá chét tận cùng lớn hơn, cuống lá dài.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành bông gồm nhiều vòng sít nhau ở ngọn, mỗi vòng có 3-10 hoa màu lơ tím nhạt, đài chia 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 2 thùy; tràng 2 môi, môi trên dài hơn ống tràng và cong hình lưỡi liềm, môi dưới chia 2; nhị 3.

Quả bế nhỏ, đầu tù, dài 3mm. Mùa hoa: tháng 5-8; Mùa quả: tháng 6-9.

Rễ Đan sâm ăn sâu xuống lòng đất, cong queo. Rễ có màu đỏ tươi, mặt ngoài nhăn nheo tạo thành rãnh nhỏ song song xuôi theo chiều dài của rễ. Sau lớp vỏ đỏ mỏng tanh là lớp cùi mềm nâu sẫm, giữa là những thớ dọc màu vàng ngà xếp theo thớ hướng tâm như hình nan hoa xe đạp (những thớ từ vỏ ngoài chụm lại lõi đều đặn) xen kẽ là chất deo dẻo sẫm màu làm cho gân thớ càng nỗi bật và rễ thêm mềm.

PHÂN BỔ

Phân bố

Salvia L. là một chi lớn trong họ Lamiaceae, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ẩm và cận nhiệt đới. Chỉ có ít loài ở vùng nhiệt đới. Ở Việt nam có 4-5 loài. Trong đó, cây Đan sâm trồng ở nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cây trồng ở Trại thuốc Sapa (Viện dược liệu) tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới vùng núi cao. Cây sinh trưởng phát triển tương đối tốt, ra hoa quả hàng năm, hạt giống thu được đã gieo đi, gieo lại nhiều năm. Một số cây đưa xuống trại thuốc Tam Đảo (Viện dược liệu) sinh trưởng kém hơn. Đan sâm chưa được đưa vào sản xuất. Những cây còn lại ở Sapa chỉ có ý nghĩa để giữ giống.

Thu hoạch, sơ chế

Hàng năm, vào mùa xuân hay mùa thu, rễ Đan sâm được đào về rửa sạch, cắt bỏ rễ phụ phơi hay sấy khô dùng làm thuốc. Khi thu hoạch, chọn những củ có màu da màu đỏ, đường kính trên dưới 1cm, không bị xây xát, thối, dập. Bảo quản nơi khô, mát, tránh mối mọt.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ Đan sâm chứa một số nhóm hợp chất chủ yếu sau:

  • Phenol và acid phenolic: danshensu, acid rosmarinic , acid rosmarinic methyl ester, các acid salvianolic A, B,C,G, acid lithospermic, acid lithospermic dimethyl ester.



 

  • Các hợp chất diterpen: miltiron, salviol, Ro (09-0680), fegurinol, dehydromiltiron, miltionon, danshenspirocetal lacton, epi-danshenspirocetal lacton, tanshinon I, tanshinon IIA, tanshinon IIB, hydroxytanshinon IIA, cryptotanshinon, dihydrotanshinon I, isocryptotan-shinon, isotanshinon I, isotanshinon IIA, danshenxinkun D, silvilenon.
  • Các thành phần khác: β-sitosterol, tanin, vitamin E.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

  • Giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch và tĩnh mạch nhỏ, mao mạch, tăng tuần hoàn vi mạch.
  • Giảm mức độ nhồi máu cơ tim. Khi tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat, trong đó tanshinon II là một hoạt chất của đan sâm, vào động mạch vành sẽ làm giảm nhồi máu cơ tim cấp tính. Kích thước vùng thiếu máu mất đi hoặc giảm đáng kể.
  •  Ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu nhờ dẫn chất tanshinon II natri sulfonat.
  • Ức chế sự kết hợp tiểu cầu, chống huyết khối nhờ các hoạt chất miltiron và salvinon của Đan sâm.
  • Bảo vệ cơ tim, chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây ra bởi thiếu hụt oxy.
  • Chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do có hại cho cơ thể.

CÔNG DỤNG

Trong đông y

  • Tính vị, quy kinh: Khổ, vị hàn. Vào các kinh tâm, can.
  • Công năng, chủ trị: Hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, thanh tâm lương huyết. Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực; mất ngủ, tâm phiền.
  • Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 9 - 15 g, dạng thuốc sắc.
  • Kiêng kỵ: Không dùng chung với Lê lô.

Trong cuộc sống

1. Chữa đau tức ở ngực, đau nhói vùng tim

Đan sâm 32g; xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g; hồng hoa 16g; xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g; đương quy vĩ 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Đan sâm 32g; xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim, mỗi vị 20g; đảng sâm, toàn đương quy, trầm hương, mỗi vị 16g; mạch môn, hương phụ, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

2. Chữa suy tim: Đan sâm 16g; đảng sâm 20g; bạch truật, ý dĩ, xuyên khung, ngưu tất, trạch tả, mã đề, mộc thông, mỗi vị 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang

3. Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai: Đan sâm, sa sâm, thiên môn, mạch môn, thục địa, long nhãn, đảng sâm, mỗi vị 12g; toan táo nhân, viễn chí, bá tử nhân, mỗi vị 8g; ngũ vị tử 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

4. Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ: Đan sâm, bạch thược, đại táo, thảo quyết minh (sao), mạch môn, ngưu tất, huyền sâm, mỗi vị 16g; dành dành, nhân hạt táo (sao), mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

5. Chữa đau dây thần kinh liên sườn: Đan sâm, bạch truật, bạch thược, bạch linh, uất kim, sài hồ, thanh bì, mỗi vị 8g; bạc hà, hương phụ, cam thảo, mỗi vị 6g; gừng 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

6. Chữa viêm gan mạn tính, đau vùng gan: Đan sâm, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang

7. Chữa xơ gan giai đoạn đầu:

Đan sâm 16g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g, bạch truật 12g; bạch linh, bạch thược, sài hồ, hoàng kỳ, mỗi vị 10g; ngũ gia bì, chi tử, mỗi vị 8g; gừng, đại phúc bì, cam thảo, đại táo, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

8. Chữa viêm khớp cấp:

Đan sâm 12g; hy thiêm, ké đầu ngựa, thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 20g; tỳ giải, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; ý dĩ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

9. Chữa viêm khớp cấp kèm theo tổn thương ở tim:

Đan sâm 12g; kim ngân hoa, ké đầu ngựa, thổ phục linh, đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 20g; bạch truật, kê huyết đằng, tỳ giải, mỗi vị 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Khi có loạn nhịp: Đan sâm 16g; sinh địa, kim ngân, mỗi vị 20g; đảng sâm 16g; chích cam thảo, a giao, mạch môn, hạt vừng, đại táo, liên kiều, mỗi vị 12g; quế chi 6g; gừng sống 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

10. Chữa kinh nguyệt không đều: Đan sâm, thục địa, hoài sơn, sài hồ, bạch thược, mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

11. Chữa đau kinh, bế kinh: Đan sâm, đương quy, sinh địa, mỗi vị 10g; hương phụ, bạch thược, xuyên khung, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Mô tả

Rễ ngắn, thô, đôi khi ở đầu rễ còn sót lại gốc của thân cây. Rễ hình trụ dài, hơi cong queo, có khi phân nhánh và có rễ con dạng tua nhỏ; dài 10-20 cm, đường kính 0,3 – 1 cm. Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ già bong ra, thường có màu nâu tía. Chất cứng và giòn, mặt bẻ gẫy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hướng xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.

Dược liệu từ cây trồng tương đối mập chắc, đường kính 0,5 – 1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, có nếp nhăn dọc, phần vỏ bám chặt vào gỗ không dễ bóc ra. Chất chắc, mặt bẻ gẫy tương đối phẳng, hơi có dạng chất sừng.


Hình 4: Rễ Đan sâm

Vi phẫu

Rễ: Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào có thành dày, bị bẹp. Mô mềm vỏ dày cấu tạo bởi tế bào hình tròn hay bầu dục, thành mỏng, xếp đều đặn theo hướng tiếp tuyến. Libe cấp 2 gồm những tế bào nhỏ, thành mỏng, xếp đều đặn và liên tục thành vòng tròn và tập trung dày hơn ở những chỗ tương ứng với các nhánh gỗ. Tia ruột rộng, mỗi tia gồm 6 - 35 dãy tế bào có thành mỏng, xếp theo hướng xuyên tâm từ gần trung tâm xuyên qua gỗ đến libe cấp 2.


Hình 5: Vi phẫu cắt ngang rễ Đan sâm (Radix Salviae Miltiorrhizae)

Trong đó:

A. Hình dạng tổng quát rễ (Sketch)

B. Vi phẫu cắt ngang rễ (Section illustration)

C. Lớp bần (Cork)

D. Mạch mạng (Reticulated vessel)

  1. Lớp bần (Cork)
  2. Mô mềm vỏ (Cortex)
  3. Libe (Phloem)
  4. Mô thượng tầng (Cambium)
  5. Chất gỗ (Xylem)
  6. Ruột hay lõi (Pith)

Bột

Màu đỏ nâu, mùi thơm, vị hơi ngọt sau đắng, chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần có các tế bào màu đỏ nâu, hình nhiều cạnh, thành dày. Tế bào mô mềm hình gần tròn, thành mỏng, mảnh mạch điểm rộng 20 - 50 μm. Sợi dài, thành dày.


Hình 6: Vi phẫu bột rễ Đan sâm

Trong đó:

a. Hình quan sát dưới kính hiển vi quang học (a light microscope)

b. Hình quan sát dưới kính hiển vi phân cực (a polarizing microscope)

  1. Mô bần-bề mặt (Cork cells - surface view)
  2. Mô bần-mặt bên (Cork cells - lateral view)
  3. Các tế bào nhu mô trên mô bần (Parenchymatous cells in cortex)
  4. Các sợi mạch gỗ trong một bó (Xylem fibres in a bundle)
  5. Mạch mạng (Reticulated vessel)
  6. Các mạch ở đường viền (Bordered vessels)

Định tính

Thể hiện phép thử Định tính rễ cây Đan sâm.

Độ ẩm

Không quá 12 %

Tạp chất

Không quá 1 %

Tro toàn phần

Không quá 10,0%

Chất chiết được trong dược liệu

Chất chiết được trong ethanol: Không ít hơn 15,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Chất chiết được trong nước: Không ít hơn 35,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

 

Lượt xem: 1.014
Tác giả: KS. LÊ VĂN THÀNH
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi