Công dụng của cây Hà thủ ô có đang được “thần thánh” hóa?

Nếu có dịp xem qua truyền thuyết về “Hà thủ ô”, chúng ta sẽ thấy đây là loại cây có khả năng làm đen tóc, trẻ da, thậm chí là giúp kéo dài tuổi thọ của người dùng. Tuy nhiên, liệu công dụng của cây Hà thủ ô có thật sự “thần thánh” như vậy? Hay đây chỉ là những […]

Nếu có dịp xem qua truyền thuyết về “Hà thủ ô”, chúng ta sẽ thấy đây là loại cây có khả năng làm đen tóc, trẻ da, thậm chí là giúp kéo dài tuổi thọ của người dùng. Tuy nhiên, liệu công dụng của cây Hà thủ ô có thật sự “thần thánh” như vậy? Hay đây chỉ là những lời đồn thổi theo thời gian?

LỊCH SỬ VỀ “THẦN DƯỢC” HÀ THỦ Ô

Chuyện xưa kể rằng, vào đời Đường bên Trung Quốc, có một người tên là Hà Điền Nhi ốm yếu từ nhỏ, năm 58 tuổi vẫn chưa có con, bởi vậy trong lòng phiền muộn khôn nguôi.

Một hôm uống rượu say nằm ở sườn núi, họ Hà bỗng thấy 2 gốc cây leo cách nhau tới 3 thước. Cành lá quấn với nhau, lâu lâu lại rời nhau rồi lại quấn nhau như trước. Cảm thấy kỳ quái, Hà Điền Nhi bèn đào lấy rễ cây đem về nhà kiên trì sắc uống.

Sau vài tháng, tóc anh ta từ bạc trắng chuyển thành đen nhánh, thân hình trở nên cường tráng, trong 10 năm sinh liền mấy đứa con và còn sống thọ đến 160 tuổi. Cháu nội của Điền Nhi là Hà Thủ Ô dùng thuốc cũng thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen bóng. Anh ta đem thuốc cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng, bởi vậy mọi người gọi cây thuốc này là Hà thủ ô.

ĐI TÌM SỰ THẬT VỀ CÔNG DỤNG CỦA CÂY HÀ THỦ Ô

Chính những lời truyền miệng lạ kỳ về công dụng của cây Hà thủ ô đã thôi thúc các lương y tìm hiểu về tác dụng của loài cây này. Thật sự, khả năng của nó là đến đâu?

Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, người ta nhận thấy có 2 vị mang tên Hà thủ ô: Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng. Trong đó, Hà thủ ô đỏ là là vị đúng, được Trung Quốc, Nhật Bản coi là vị chính thức.

công dụng của cây hà thủ ô

Có 2 vị mang tên Hà thủ ô: Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng. Trong đó, Hà thủ ô đỏ là là vị đúng

Hà thủ ô đỏ có vị chát, ngọt, đắng, tính hơi ấm. Theo Đông y, ngoài công dụng làm đen tóc, Hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét.

Theo Tây y, Hà thủ ô đỏ có thể chữa suy nhược thần kinh và các bệnh về thần kinh, bổ tim, giúp sinh huyết dịch, kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, có tác dụng kiểu oestrogen và progesteron nhẹ. Nó cũng giúp tăng tiết sữa, chống co thắt phế quản, chống viêm. Nước sắc Hà thủ ô đỏ 1/100 có thể ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao. Còn cồn Hà thủ ô đỏ có thể phòng xơ vữa động mạch, làm giảm cholesterol và triglycerid huyết thanh, ức chế tăng lipid máu.

Bộ phận dùng: phần rễ phình lên thành củ (trông giống củ khoai lang), thịt màu nâu đỏ, nhiều xơ.

DÙNG “THẦN DƯỢC” HÀ THỦ Ô SAI CÁCH CÓ NGUY CƠ TRỞ THÀNH “ĐỘC DƯỢC”

Mặc dù công dụng của cây Hà thủ ô là rất tốt. Tuy nhiên, nếu dùng sai cách, chúng ta sẽ biến cây thần dược này trở thành “độc dược”.

Khi Hà thủ ô chưa qua sao chế, mà để vậy đem phơi khô rồi nấu nước uống hằng ngày thì không có lợi. Nếu dùng lâu dài như thế thì chất chát có trong Hà thủ ô sẽ gây viêm thận, bí tiểu vô cùng ảnh hưởng đến người sử dụng.

Cách chế biến Hà thủ ô đỏ đúng cách

– Hà thủ ô đỏ khô rửa sạch, cạo vỏ, ngâm nước rồi ủ cho mềm, thái lát.

– Đậu đen rửa sạch, đãi bỏ hạt lép, hạt sâu, ngâm nước 30 phút. (Hà thủ ô đỏ và đậu đen lượng bằng nhau).

– Rửa sạch chõ, xếp một phiến Hà thủ ô đỏ, rắc một lớp hạt đậu đen, đồ cho đến khi hạt đậu đen chín nhừ, chọn lấy phiến Hà thủ ô phơi khô, nếu làm được như vậy 9 lần (gọi là cửu chung cửu sái) là tốt nhất.

công dụng của cây hà thủ ô

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Cho đến nay, Hà thủ ô còn được dùng ở phạm vi một vị thuốc nhân dân làm thuốc bổ, trị thần kinh suy nhược, các bệnh về thần kinh, ích huyết, khỏe gân cốt, sống lâu, làm đen râu tóc.

Đối với phụ nữ, Hà thủ ô được dùng để chữa những bệnh sau khi sinh, các bệnh xích bạch đới.

Liều dùng hàng ngày 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc rượu hoặc thuốc bột.

Những đơn thuốc có sử dụng cây Hà thủ ô được phổ cập trong nhân dân

  1. Đơn thuốc bổ dùng cho người già yếu, thần kinh suy nhược ăn uống kém tiêu:

Hà thủ ô 10g, đại táo 5g, thanh bì 2g, trần bì 3g, sinh khương 3g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 – 4 lần uống trong ngày.

  1. Bài thuốc làm cho tóc râu trắng hóa đen, khỏe gân xương, bền tinh khí, sống lâu:

Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng mỗi thứ 600g ngâm nước vo gạo 4 đêm ngày, cạo bỏ vỏ, dùng đậu đen đãi sạch rồi cho Hà thủ ô vào chõ: Một lượt Hà thủ ô, một lượt đậu đen bắc lên bếp đồ chín đậu đen, đem bỏ đậu lấy Hà thủ ô phơi khô, rồi lại đồ, làm như vậy 9 lần. Cuối cùng lấy Hà thủ ô sấy khô và tán bột.

Xích và bạch phục linh mỗi vị 600g, cạo bỏ vỏ tán bột, đãi với nước  trong, lọc lấy bột lắng ở dưới, nắm lại, tẩm với sữa người phơi khô.

Ngưu tất 320g tẩm rượu một ngày, thái mỏng trộn với Hà thủ ô, đồ với đậu đen vào lần thứ 7, 8 và 9 đem ra phơi khô.

Đương quy 320g tẩm rượu phơi khô. Câu kỷ tử 320g tầm rượu phôi khô.

Thỏ ty tử 320g tẩm rượu cho nứt ra, giã nát phơi khô.

Bổ cốt chi 100g, trộn với vừng đen (hắc chi ma) sao cho bốc mùi thơm. Tất cả giã nát trộn đều thêm mật vào làm thành viên 0,50g (bằng hạt ngô). Ngày uống 3 lần mỗi lần 50 viên. Sáng dùng rượu chiêu thuốc, trưa dùng nước gừng và tối dùng nước muối (theo Tích thiện đường phương).

  1. Hà thủ ô hoàn. Công dụng như trên nhưng ít vị hơn

Hà thủ ô 1.800g thái mỏng, ngưu tất 600g thái mỏng. Hai vị trộn đều, dùng một đấu to đậu đen đãi sạch. Cho thuốc vào chõ, cứ một lượt thuốc, một lượt đậu. Đồ chín đậu. Lấy thuốc ra phơi khô. Làm như vậy 3 lần rồi tán bột. Lấy thịt táo đen Trung Quốc (đại táo) trộn với bột làm thành viên 0,50g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên. Dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc (theo Hòa tễ cục phương).

  1. Hà thủ ô tán. Công dụng cũng như bài trên (Bản thảo cương mục)

Hà thủ ô cạo vỏ, thái mỏng phơi cho khô, tán bột. Ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu.

Chú ý:

Ngoài rễ củ Hà thủ ô, người ta còn dùng lá và cành Hà thủ ô, đun nước tắm và rửa để chữa các chứng lở ngứa, liều lượng tùy tiện.

Có thể phối hợp nấu với lá ngải.

Công dụng của cây Hà thủ ô được trích từ sách: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004) – Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi – NXB Y học

Xem thêm:

Cách ngâm rượu Hà thủ ô và những lưu ý khi dùng

Do đâu mà Hà thủ ô trị tóc bạc hiệu quả?

Phân biệt hà thủ ô đỏ và trắng như thế nào?

Lượt xem: 334
Nguồn:agarwood.org.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi