Sóng điện từ và ung thư

Hiện chưa có cơ chế nào chứng minh sóng điện từ tần số cực thấp và sóng vô tuyến (wifi, điện thoại...) có thể gây ra bệnh ung thư.

Điện trường và từ trường là gì?

Điện trường và từ trường là những vùng năng lượng không nhìn thấy được (còn được gọi là bức xạ). Chúng được sinh ra từ sự dịch chuyển của dòng điện trong dây dẫn.

Điện trường được tạo ra bởi điện áp, hay còn gọi hiệu điện thế. Hiệu điện thế có tác dụng đẩy các electron dịch chuyển trong dây dẫn. Nói một cách dễ hiểu, hiệu điện thế giống như dòng nước đang bị đẩy trong ống. Độ lớn của điện trường (cường độ điện trường) phụ thuộc vào độ lớn của hiệu điện thế. Khi hiệu điện thế tăng, cường độ điện trường cũng tăng theo. Điện trường có đơn vị là V/m.

Từ trường được sinh ra khi có dòng điện chạy qua dây dẫn hoặc qua các thiết bị điện. Độ mạnh yếu của từ trường phụ thuộc vào cường độ dòng điện. Từ trường càng mạnh khi cường độ dòng điện tăng. Độ mạnh của từ trường giảm nhanh khi khoảng cách tới nguồn phát ra từ trường tăng lên. Đơn vị dùng để đo từ trường là μT (micro-tesla).

Điện trường được sinh ra khi thiết bị được bật và ngay cả khi được tắt, trong khi từ trường chỉ được sinh ra khi thiết bị điện được bật. Đường dây truyền tải điện sinh ra từ trường liên tục do luôn có dòng chạy qua chúng. Điện trường dễ bị chặn hoặc bị yếu đi bằng tường hoặc các vật thể khác, trong khi đó từ trường có thể xuyên qua tòa nhà, vật thể sống, hoặc các vật liệu khác.

Điện trường đi cùng với từ trường được gọi là điện từ. Các lực điện và lực từ trong trường điện từ được gây ra bởi bức xạ (sóng) điện từ. Có hai loại sóng điện từ chính:

  • Sóng điện từ tần số cao: bao gồm tia-X và tia gamma. Các sóng điện từ này thuộc loại bức xạ ion hóa trong phổ sóng điện từ và có khả năng phá hủy trực tiếp ADN hoặc tế bào.
  • Sóng điện từ tần số thấp đến trung: bao gồm các trường tĩnh (điện trường hoặc từ trường không biến đổi theo thời gian) và các từ trường sinh ra từ đường dây truyền tải điện và thiết bị điện, sóng vô tuyến, lò vi sóng, bức xạ hồng ngoại, và ánh sáng thường (ánh sáng nhìn thấy được). Các sóng điện từ này thuộc loại bức xạ không ion hóa trong phổ sóng điện từ. Các nhà chuyên môn chưa chứng minh được khả năng phá hủy trực tiếp ADN và tế bào từ sóng điện từ tần số thấp-trung. Sóng điện từ tần số từ thấp đến trung bao gồm các sóng điện từ tần số cực thấp (tần số ≤ 300Hz) và sóng vô tuyến (tần số = 3kHz-300GHz). Cường độ sóng vô tuyến có đơn vị đo là W/m2.

Phổ điện - Từ trường

Phổ sóng điện từ là dải các tần số có thể có của năng lượng điện từ. Phổ này trải dài từ bước sóng cực dài (tần số vô cùng thấp, ví dụ như sóng điện từ sinh ra từ đường dây truyền tải điện) đến bước sóng cực ngắn (tia-X và tia gamma) và bao gồm cả bức xạ ion hóa và bức xạ không ion hóa.

Sóng điện từ tần số thấp phát ra từ đâu?

Nguồn phát sóng điện từ có 2 loại: tự nhiên và nhân tạo. Từ trường của trái đất có tác dụng hướng kim nam châm trong la bàn luôn định hướng theo hướng bắc-nam, là một ví dụ cho sóng điện từ có nguồn gốc tự nhiên.

Sóng điện từ nhân tạo bao gồm sóng điện từ tần số cực thấp và sóng vô tuyến. Hai loại này thuộc loại bức xạ không ion hóa trong phổ sóng điện từ trường. Các loại sóng điện từ này được phát ra từ nhiều nguồn khác nhau.

Sóng điện từ tần số cực thấp: thường được phát từ đường dây tải điện, dây điện, và các thiết bị điện như máy cạo râu, máy sấy tóc, và chăn điện.

Sóng vô tuyến: nguồn phát bức xạ tần số vô tuyến thường gặp nhất là các linh kiện và thiết bị viễn thông không dây, bao gồm điện thoại di động, các loại công tơ (đồng hồ đo) điện tử thông minh, và các thiết bị không dây xách tay khác như máy tính bảng và máy tính xách tay. Ở Mỹ, điện thoại di động hiện nay hoạt động trong dải tần số khoảng từ 1.8 đến 2.2 GHz.

Các nguồn khác phát ra sóng vô tuyến:

  • Các tín hiệu radio và tivi

Đài phát thanh AM/FM và tivi VHF/UHF đời cũ hoạt động ở dải tần số vô tuyến thấp hơn so với điện thoại di động. Các tín hiệu vô tuyến bao gồm AM (viết tắt của cụm từ Amplitude-Modulated: điều biến biên độ) hoặc FM (viết tắt của cụm từ Frequency-Modulated: điều biến tần số). Đài AM được sử dụng để phát thanh đến khoảng cách rất xa, trong khi đó, đài FM dùng để phát thanh trong vùng được quy định.

Tín hiệu AM được phát từ những ăngten lớn. Các ăngten này phải được đặt ở trên cao và xa các khu dân cư vì nếu đặt gần thì khả năng phơi nhiễm với sóng vô tuyến có thể cao. Công nhân bảo trì ở khu vực này có thể bị phơi nhiễm một lượng đáng kể bức xạ tần số vô tuyến từ ăngten của đài phát thanh AM, nhưng đại đa số cộng đồng dân cư thì không.

Ăngten của đài FM và của tivi có kích thước nhỏ hơn ăngten của đài AM rất nhiều và thường được gắn trên đỉnh của các tòa tháp cao. Mức độ phơi nhiễm sóng vô tuyến tại khu vực gần chân tháp này thấp hơn so với ngưỡng cho phép đã được khuyến cáo (3), vì vậy xác suất phơi nhiễm của cộng đồng dân cư là rất thấp. Ăngten của tivi và của radio địa phương thỉnh thoảng lại được gắn trên đỉnh tòa nhà và việc leo lên mái của những tòa nhà này thường được quản lý nghiêm ngặt.

  • Radar, các trạm vệ tinh, máy chụp cộng hưởng từ, và các thiết bị công nghiệp

Các thiết bị này hoạt động ở tần số vô tuyến cao hơn so với điện thoại di động.

  • Lò vi sóng

Lò vi sóng được sử dụng trong các hộ gia đình cũng hoạt động ở tần số vô tuyến cao hơn so với điện thoại di động. Lớp vỏ bảo vệ của lò vi sóng có khả năng làm giảm sự rò rỉ của sóng vô tuyến xuống mức gần như không thể đo được.

  • Điện thoại không dây

Điện thoại không dây analog hoặc DECT (truyền thông không dây kỹ thuật số) thường phát ra bức xạ vô tuyến tương tự như điện thoại di động. Tuy nhiên, do điện thoại không dây có giới hạn về khoảng cách và yêu cầu phải đặt gần đế máy, nên độ mạnh của tín hiệu thường nhỏ hơn rất nhiều so với điện thoại di động.

  • Trạm thu phát sóng điện thoại di động

Những tháp ăngten hoặc trạm thu phát sóng, cho mạng điện thoại di động và cho radio, tivi, phát ra nhiều dạng năng lượng bức xạ tần số vô tuyến khác nhau. Vì hầu hết mỗi người đều bị phơi nhiễm không liên tục với bức xạ được phát ra tại trạm thu phát sóng hoăc tại khu vực ăngten, nên rất khó đánh giá mức độ phơi nhiễm cho một cộng đồng dân cư. Cường độ phơi nhiễm phụ thuộc vào mật độ dân cư, vào khoảng cách trung bình từ nguồn phát ra bức xạ, và vào thời điểm trong ngày hay trong tuần (mức độ phơi nhiễm thấp hơn vào cuối tuần và ban đêm). Thông thường, mức độ phơi nhiễm giảm khi khoảng cách từ nguồn phát ra bức xạ tăng lên. Mức độ phơi nhiễm đối với các công nhân bảo trì khác nhau tùy theo tính chất của công việc, loại ăngten, và vị trí làm việc của công nhân đối với nguồn phát bức xạ. Hơn nữa, liều phơi nhiễm sóng vô tuyến tích lũy của các công nhân bảo trì này rất khó xác định.

  • Màn hình tivi và máy tính

Màn hình tivi, máy tính phát ra từ trường và điện trường ở các tần số khác nhau, cũng như các điện trường tĩnh. Màn hình tinh thể lỏng của máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn hầu như không phát ra điện trường hoặc từ trường. Các máy tính đời mới có màn hình dẫn điện và loại màn hình này giúp giảm cường độ điện trường tĩnh xuống dưới mức bức xạ nền.

  • Mạng không dây nội bộ

Thường được biết đến với tên là Wi-Fi. Đây là loại đặc trưng của hệ thống các mạng không dây và là nguồn phát ra bức xạ tần số vô tuyến. Mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến để kết nối các thiết bị thu nhận Wi-Fi tới điểm truy cập đã được kết nối Internet (dạng kết nối vật lý hoặc các dạng kết nối khác). Hầu hết các thiết bị Wi-Fi hoạt động tại tần số vô tuyến khoảng 2.4 đến 2.5 GHz (cùng loại được sử dụng trong điện thoại di động), tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện một số thiết bị Wi-Fi hoạt động ở tần số cao hơn (5, 5.3, hoặc 5.8 GHz). Sự phơi nhiễm với sóng vô tuyến từ các thiết bị Wi-Fi là thấp hơn nhiều so với từ điện thoại di động. Khoa học đã chứng minh rằng bức xạ tần số vô tuyến phát ra từ cả hai nguồn này thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn 10 W/m2 được quy định bởi Ủy ban Quốc tế về Phòng chống Bức xạ không ion hóa.

  • Các đồng hồ ga và điện

Hay còn gọi là đồng hồ đo thông minh. Những thiết bị này hoạt động tại tần số vô tuyến giống với điện thoại di động để gửi thông tin về lượng ga hoặc điện đã tiêu thụ đến nhà cung cấp. Đồng hồ đo phát ra các trường có cường độ rất thấp, nhiều khi không thể phân biệt được với mức bức xạ tần số vô tuyến nền trong mỗi nhà.

  • Đối với các thiết bị điện gia dụng

Được sử dụng trong nhà có kết nối với nguồn điện, cường độ từ trường được sinh ra là cao nhất tại nơi gần nguồn phát và giảm mạnh tại các nơi xa nguồn phát. Từ trường giảm nhanh tại khoảng cách 30.48 cm tính từ các thiết bị điện. Đối với màn hình máy tính, trong khoảng 30.48-50.8cm tính từ màn hình thì từ trường cũng giảm rất nhanh.

Tại sao sóng điện từ tần số thấp có mối quan hệ với bệnh ung thư?

Đường dây truyền tải điện và các thiết bị điện phát ra sóng điện từ tần số thấp có mặt khắp nơi trong nhà và nơi làm việc. Ví dụ, thiết bị kết nối mạng LAN không dây gần như được bật 24/24 và ngày càng được sử dụng nhiều trong nhà, trường học và các nơi công cộng.

Hiện chưa có cơ chế nào chứng minh sóng điện từ tần số cực thấp và sóng vô tuyến có thể gây ra bệnh ung thư. Khác với bức xạ năng lượng cao (bức xạ ion hóa), bức xạ điện từ tần số thấp không thể phá hủy trực tiếp các ADN hoặc tế bào. Một số nhà khoa học cho rằng sóng điện từ tần số cực thấp có thể gây ra ung thư thông qua các con đường khác như làm giảm melatonin là một loại hoóc môn có khả năng kìm hãm sự phát triển của một số khối u nhất định.

Còn các nghiên cứu được tiến hành trên động vật thì chưa chứng minh được phơi nhiễm với sóng điện từ tần số cực thấp có thể gây ra ung thư. Một vài nghiên cứu cao cấp trên động vật cũng không chỉ ra được sóng Wi-Fi có hại cho sức khỏe. Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia, thuộc Viện sức khỏe quốc gia, đang tiến hành một nghiên cứu có quy mô lớn trên các loại động vật gặm nhấm phơi nhiễm với năng lượng sóng vô tuyến (loại sóng dùng trong điện thoại di động). Nghiên cứu này đang được tiến hành trong các phòng thí nghiệm chuyên biệt để có thể định rõ và điều khiển nguồn phát bức xạ, qua đó tìm hiểu sự ảnh hưởng của sóng vô tuyến lên động vật. Những kết quả ban đầu từ nghiên cứu này đã được công bố vào tháng 5 năm 2016.

Mặc dù chưa có cơ chế nào chứng minh sóng điện từ tần số thấp có thể phá hủy ADN và gây bệnh ung thư, nhưng sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh dù rất nhỏ vẫn có ý nghĩa lâm sàng.

Những nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ gì giữa sóng điện từ tần số thấp và bệnh ung thư ở trẻ em?

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học và những tóm tắt tổng quan từ các công trình khoa học đã đánh giá những mối quan hệ có thể có giữa phơi nhiễm với sóng điện từ tần số thấp và nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ em. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào ung thư bạch cầu và u não, hai loại bệnh ung thư thường gặp nhất ở trẻ em. Mục đích của các nghiên cứu này là tìm hiểu mối quan hệ giữa các bệnh ung thư này với việc sống ở gần đường dây truyền tải điện, với từ trường trong nhà, và với sự phơi nhiễm của cha mẹ làm việc tại nơi có năng lượng điện từ cao. Kết quả là vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh mối quan hệ giữa sóng điện từ tần số thấp và bệnh ung thư.

Phơi nhiễm từ đường dây truyền tải điện. Mặc dù một nghiên cứu trong năm 1979 đã chỉ ra mối liên hệ có thể có giữa việc sống gần các đường dây truyền tải điện và bệnh bạch cầu ở trẻ em, nhiều nghiên cứu gần đây đã đưa ra những kết quả không thống nhất về mối liên hệ này. Hầu hết các nghiên cứu này không tìm thấy một mối liên hệ nào hoặc có chăng cũng chỉ là trong trường hợp trẻ em sống tại nhà có mức từ trường rất cao, vốn chỉ có ở một vài khu dân cư đặc biệt.

Nhiều nghiên cứu đã tiến hành phân tích các dữ liệu lấy từ nhiều nghiên cứu trước về sự phơi nhiễm từ đường truyền tải điện và bệnh bạch cầu ở trẻ em:

  • Một phân tích gộp chung (pooled analysis) từ 9 nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em tăng lên gấp đôi khi phơi nhiễm từ trường có cường độ 0.4 μT hoặc cao hơn. Theo các nghiên cứu này, tỉ lệ trẻ em bị phơi nhiễm ở mức trên là dưới 1%.
  • Một phân tích tổng hợp (meta-analysis) từ 15 nghiên cứu trước đó đã cho thấy nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em tăng 1.7 lần khi phơi nhiễm từ trường ở mức 0.3 μT hoặc cao hơn. Khoảng hơn 3% trẻ em trong các nghiên cứu trên bị phơi nhiễm ở mức độ này.
  • Gần đây, một phân tích gộp chung từ 7 nghiên cứu công bố sau năm 2000 đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em tăng 1.4 lần khi phơi nhiễm từ trường ở mức 0.3 μT hoặc cao hơn. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu này, tỉ lệ trẻ em bị phơi nhiễm là dưới 0.5%.

Vì số lượng trẻ em bị phơi nhiễm ở mức cao là quá nhỏ nên khó xác định mối quan hệ liều lượng-đáp ứng một cách chính xác. Điều này có thể được hiểu là nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tăng theo tỉ lệ thuận (tăng tuyến tính) khi trên ngưỡng 0.3-0.4 microT, bằng không thì không có sự tăng đáng kể nào.

Sự giải thích kết quả về việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em có mức phơi nhiễm cao nhất (ít nhất là 0.3 μT) vẫn không rõ ràng.

Phơi nhiễm từ các thiết bị điện. Trẻ em có thể bị phơi nhiễm từ trường từ các thiết bị điện sử dụng trong nhà. Mặc dù từ trường gần các thiết bị điện là lớn hơn so với từ trường gần các đường dây truyền tải điện, nhưng tổng mức độ phơi nhiễm từ trường do các thiết bị này là nhỏ hơn, vì hầu hết các thiết bị điện chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn. Hơn nữa, việc tránh xa các thiết bị điện thậm chí một khoảng ngắn cũng làm giảm đáng kể sự phơi nhiễm. Các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa việc sử dụng các thiết bị điện trong hộ gia đình và nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ nhỏ.

Phơi nhiễm với Wi-Fi. Trong bối cảnh việc sử dụng rộng rãi Wi-Fi tại các trường học, cơ quan bảo vệ sức khỏe của Anh  đã tiến hành nhiều nghiên cứu đo đạc tổng quát nhất và có quy mô lớn nhất để khảo sát sự phơi nhiễm của trẻ em với sóng điện từ phát ra từ mạng máy tính không dây. Cơ quan này đã kết luận rằng sự phơi nhiễm với bức xạ tần số vô tuyến là thấp hơn nhiều so với ngưỡng tối đa được khuyến cáo và không có lý do gì để Wi-Fi bị ngưng sử dụng tại trường học hoặc những nơi khác.

Một báo cáo tổng quan từ nhiều nghiên cứu trước đã kết luận rằng những nghiên cứu có chất lượng cao (hiện nay rất ít) không cung cấp được bằng chứng về ảnh hưởng sinh học do phơi nhiễm Wi-Fi.

Phơi nhiễm với bức xạ từ các trạm thu phát sóng điện thoại di động. Chỉ một vài nghiên cứu đã kiểm tra nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ em sống gần các trạm thu phát sóng điện thoại di động, radio, hoặc tivi. Không có nghiên cứu nào chứng minh được sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở trẻ em trong điều kiện này.

Phơi nhiễm ở cha mẹ và nguy cơ cho con cái. Nhiều nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa việc cha hoặc mẹ bị phơi nhiễm từ trường mức độ cao trước khi mang thai và/hoặc trong thời kỳ mang thai với nguy cơ mắc bệnh ung thư của con. Cho đến nay, những kết quả nghiên cứu vẫn chưa thống nhất. Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.

Phơi nhiễm và tiên lượng bệnh ung thư. Một vài nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu mối liên hệ giữa phơi nhiễm từ trường và tiên lượng hay kết quả điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em. Một vài nghiên cứu hồi cứu nhỏ về vấn đề này đã đưa ra kết quả không đồng nhất. Một phân tích kết hợp các dữ liệu theo thời gian (prospective data) của hơn 3,000 trẻ em mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính từ 8 quốc gia đã chỉ ra rằng sự phơi nhiễm từ trường tần số thấp không liên quan tới khả năng sống sót hay nguy cơ tái phát.

Những nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ gì giữa sóng điện từ tần số thấp và bệnh ung thư ở người lớn?

Nhiều nghiên cứu đã khảo sát mối liên hệ giữa sự phơi nhiễm sóng điện từ tần số thấp và bệnh ung thư ở người lớn, trong đó một số ít báo cáo sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Sự phơi nhiễm ở khu dân cư. Phần lớn những nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng không có mối liên hệ nào giữa bệnh ung thư vú ở phụ nữ và sự phơi nhiễm sóng điện từ tần số cực thấp tại nhà. Mặc dù vài nghiên cứu đơn lẻ gợi ý về một mối liên hệ nào đó nhưng chỉ duy nhất một báo cáo là có ý nghĩa về mặt thống kê.

Phơi nhiễm với sóng điện từ tần số cực thấp tại nơi làm việc. Một số nghiên cứu tiến hành trong những năm 1980 và nửa đầu những năm 1990 đã chỉ ra rằng những người làm việc trong lĩnh vực điện bị phơi nhiễm với sóng điện từ tần số cực thấp (ví dụ như công nhân vận hành trạm điện và đường dây điện thoại) mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư bạch cầu, ung thư não và ung thư vú ở nam giới, với tỉ lệ cao hơn dự kiến. Hầu hết các nghiên cứu đều dựa trên tên công việc của những người được khảo sát và không trực tiếp đánh giá mức độ phơi nhiễm. Những nghiên cứu gần đây, bao gồm một vài nghiên cứu có đánh giá mức độ phơi nhiễm cũng như ngành nghề, đã không chỉ ra được sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bạch cầu, ung thư não, hoặc ung thư vú ở phụ nữ đi kèm gia tăng phơi nhiễm từ trường tại nơi làm việc.

Phơi nhiễm bức xạ tần số vô tuyến tại nơi làm việc. Chỉ có một vài nghiên cứu đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư của công nhân phơi nhiễm bức xạ tần số vô tuyến. Một nghiên cứu có quy mô lớn của Hải quân Hoa Kỳ đã không chỉ ra nguy cơ mắc bệnh u não trong những người có khả năng phơi nhiễm cao với sóng radar (bao gồm cả kỹ thuật viên về điện, kỹ thuật viên hàng không, và kỹ thuật viên điều khiển hỏa lực). Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh bạch cầu không lympho, đặc biệt là ung thư bạch cầu dòng tủy cấp tính, lại cao hơn ở những nhân viên kỹ thuật điện thuộc phi đội không quân; hiện tượng này không được tìm thấy ở những công việc khác ở Hải quân. Một nghiên cứu đối chứng (case-control study) trong các nhân viên thuộc Không lực Hoa Kỳ đã cho rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng đối với các nhân viên sửa chữa và bảo trì các thiết bị phát ra vi sóng hoặc sóng vô tuyến. Một nghiên cứu đối chứng khác lại cho rằng nguy cơ tử vong do ung thư não tăng đối với những người bị phơi nhiễm sóng vô tuyến và vi sóng trong khi làm việc và đối với những nhân viên làm trong ngành điện-điện tử, cụ thể là thiết kế, sản xuất, sửa chữa, hoặc lắp đặt các thiết bị điện. Tuy nhiên lại không có bằng chứng nào chứng minh rằng các công nhân thuộc công ty điện lực bị phơi nhiễm với xung điện từ phát ra từ đường dây tải điện lại có nguy cơ mắc bệnh u não hoặc bệnh bạch cầu hơn so với những người không làm trong lĩnh vực này. Các nhân viên làm việc trong các nhà máy sản xuất chuyên sản phẩm công nghệ không dây không có nguy cơ tử vong vì bệnh u não, ung thư máu, và bệnh máu trắng cao hơn so với người khác.

Các nhà chuyên môn đã có kết luận gì về nguy cơ mắc bệnh ung thư từ sóng điện từ?

Vào năm 2002, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đã thành lập nhóm các chuyên gia để đánh giá tất cả những kết quả nghiên cứu về trường điện từ tĩnh và sóng điện từ tần số cực thấp. Nhóm chuyên gia này đã đưa sóng điện từ tần số cực thấp vào nhóm “yếu tố có thể gây ung thư ở người” dựa trên một số ít kết quả khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa sóng điện từ và bệnh bạch cầu ở trẻ em. Ngược lại, trường điện từ tĩnh và điện trường tần số cực thấp đã được xác định là “không thuộc nhóm các yếu tố gây ung thư ở người”.

Năm 2015, Ủy Ban Khoa Học Các Hội Đồng Châu Âu đã đánh giá về các nguy cơ gây bệnh từ sóng điện từ nói chung, và cả trường hợp điện thoại đi động. Các nghiên cứu dịch tễ học về sự phơi nhiễm sóng điện từ tần số cực thấp cho thấy nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em tăng khi ước lượng  phơi nhiễm trung bình hàng ngày từ 0.3 đến 0.4 μT, dù không đưa ra được cơ chế chính xác cũng như bằng chứng giải thích cho kết luận này bằng các nghiên cứu thực nghiệm khác. Ủy ban này cũng nói rằng các nghiên cứu dịch tễ hiện có không cho thấy sự tăng nguy cơ mắc bệnh u não hoặc ung thư khác ở vùng đầu-cổ khi phơi nhiễm sóng vô tuyến, dù khả năng liên quan với bệnh u dây thần kinh thính giác vẫn còn để ngỏ.

Có thể tìm thêm thông tin đáng tin cậy về sóng điện từ ở đâu?

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/radiation/electromagnetic-fields-fact-sheet

Lượt xem: 961
Tác giả: TS. Lê Văn Lịch
Nguồn:yhoccongdong.com Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi