Nẹp đầu gối: Tác dụng như thế nào?
Nẹp đầu gối là gì?
Nẹp đầu gối là một loại dụng cụ hỗ trợ, sử dụng khi đầu gối bị đau hoặc tổn thương. Đôi khi dụng cụ này còn được sử dụng nhằm ngăn ngừa chấn thương trong khi chơi thể thao. Nẹp đầu gối được kết hợp từ kim loại, bọt xốp, nhựa, chất dẻo và dây đai. Nẹp đầu gối có nhiều cỡ, màu và kiểu dáng khác nhau.
Có những loại nẹp đầu gối nào và tác dụng của chúng ra sao?
Có 4 loại nẹp đầu gối chính:
- Nẹp đầu gối dự phòng: Là loại nẹp bảo vệ đầu gối khỏi chấn thương trong các môn thể thao va chạm như môn bóng bầu dục.
- Nẹp đầu gối chức năng: Là loại nẹp hỗ trợ đầu gối đã bị chấn thương.
- Nẹp phục hồi chức năng : Là loại nẹp giúp hạn chế những cử động gây hại cho đầu gối trong quá trình phục hồi sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
- Nẹp giảm áp (unloader/offloader) : Là loại nẹp được thiết kế giúp giảm đau cho người bị viêm khớp.
Những loại nẹp gối này có hiệu quả hay không?
Có lẽ là có. Các công ty chế tạo ra các loại nẹp này cho rằng sản phẩm của họ có hiệu quả. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chưa hoàn toàn nhất trí về điều này. Vì vậy người ta vẫn chưa rõ những loại nẹp trên có tác dụng thực sự ra sao. Chúng thường phát huy tác dụng tốt hơn trong phòng thí nghiệm so với khi được sử dụng trên thực tế.
Thông thường, nẹp chức năng, nẹp phục hồi chức năng và nẹp giảm áp là những loại nẹp có hiệu quả nhất. Chúng có tác dụng rõ rệt hơn đối với một số người. Một số người cho rằng, trên thực tế, nẹp có thể làm tăng số ca chấn thương đầu gối đối với các vận động viên. Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết người sử dụng có cảm giác rằng nẹp gối có hiệu quả. Các bác sĩ vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem nẹp gối có tác dụng thực sự ra sao và nên dùng trong trường hợp nào. Nên sử dụng nẹp đầu gối theo chỉ định của bác sĩ.
Khi nào nên sử dụng nẹp đầu gối?
Những trục trặc khác nhau của ở đầu gối cần những loại nẹp khác nhau. Bác sĩ có thể gợi ý sử dụng một loại nẹp thích hợp sau phẫu thuật đầu gối. Một số bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn một loại nẹp đầu gối thay vì phẫu thuật để điều trị rách dây chằng. Nếu những bài tập để giúp tăng cường sức mạnh hoặc tính linh hoạt không có tác dụng, bạn có thể cần dùng nẹp đầu gối. Nẹp đầu gối dường như không có tác dụng trong việc ngăn ngừa chấn thương đầu gối. Vì vậy bạn nên xin ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng.
Làm thế nào để mua nẹp đầu gối?
Có nhiều loại nẹp đầu gối. Các cửa hàng chuyên bán các đồ dùng thiết bị y tế thường có bán các loại băng hỗ trợ đầu gối. Cũng có người đặt hàng trực tiếp với công ty sản xuất hoặc qua mạng internet để làm nẹp đầu gối. Bác sĩ của bạn có thể có thông tin về các công ty và sẽ là người giúp bạn lựa chọn loại và cỡ nẹp đầu gối chính xác nhất.
Có những loại nẹp đầu gối giá tới hàng trăm đôla. Cũng có một số công ty bảo hiểm chi trả chi phí mua nẹp đầu gối. Nên nhớ rằng không phải cứ đắt tiền là tốt.
Sử dụng nẹp đầu gối như thế nào?
Nên sử dụng nẹp đầu gối theo chỉ định của bác sĩ khi chơi thể thao. Khi dùng nẹp, cần lưu ý sao cho bản lề nằm khớp với chỗ đầu gối gập lên xuống. Dây chằng, băng hoặc băng kiểu móc và vòng khoen cần phải được buộc chặt quanh chân. Trong khi vận động, đôi khi bạn nên kiểm tra lại vị trí của nẹp để xem nẹp có bị xô lệch hay không. Nếu buộc nẹp không đúng vị trí, nẹp sẽ gây tác hại chứ không có ích gì.
Để đảm bảo nẹp phát huy tác dụng tốt, cần phải đeo nẹp suốt thời gian thực hiện các động tác có nguy cơ gây tổn thương cho đầu gối. Lưu ý, cần phải khởi động đúng cách trước khi tiến hành bất cứ hoạt động thể thao nào.
Cần làm gì để gìn giữ nẹp đầu gối?
Nẹp đầu gối thường bị hỏng sau một thời gian sử dụng. Cần kiểm tra nẹp thường xuyên để phát hiện những chỗ bị rách hoặc mòn. Nếu nẹp làm bằng sợi thì nên thường xuyên giặt nẹp bằng nước và xà phòng. Những chỗ làm bằng kim loại lộ ra ngoài thì cần phải bọc lại để tránh gây thương tích cho người khác. Cần thay thế nẹp đã cũ để đảm bảo việc dùng nẹp có tác dụng tốt nhất. Nẹp làm bằng vật liệu bền có thể đắt hơn nhưng lại sử dụng được lâu hơn.
Nếu đã đeo nẹp rồi thì có cần phải luyện tập chân nữa không?
Nẹp gối không phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa tổn thương hoặc để phục hồi chức năng cho đầu gối sau phẫu thuật. Ngay cả khi đeo nẹp, bạn vẫn có khả năng bị chấn thương đầu gối. Việc duỗi thẳng, tăng cường sức mạnh cơ chân và cải thiện kỹ thuật vận động là những yếu tố quan trọng hơn nhiều.
Bạn nên thay đổi dần dần, từng tí một, cường độ của chương trình luyện tập để hạn chế sự căng thẳng cho đầu gối. Sức mạnh cơ bắp cũng như tính linh hoạt là những yếu tố quan trọng để giảm đau và chấn thương đầu gối. Bạn nên cùng bác sĩ đề ra chương trình luyện tập tốt nhất cho mình. Đừng để những chiếc nẹp biến thành chiếc “nạng” của bạn.