Diếp cá

Tên khác: Lá giấp, Rau giấp cá, Tập thái, Ngư tinh thảo, Co vảy mèo (Thái), Rau vẹn, Phjắc hoảy (Tày), Cù mua mía (Dao).

Tên khác: Lá giấp, Rau giấp cá, Tập thái, Ngư tinh thảo, Co vảy mèo (Thái), Rau vẹn, Phjắc hoảy (Tày), Cù mua mía (Dao).

Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.

Họ: thuộc họ Lá giấp – Saururaceae

BỘ PHẬN DÙNG

Toàn cây (Herba Houttuyniae), thường gọi là Ngư tinh thảo.


Hình 1: Cây diếp cá tươi và sau khi phơi
 

MÔ TẢ CÂY

Là loại thân thảo, cao 40 cm, tiết diện thân đa giác, màu xanh pha tía, ở gần các mấu có màu đỏ tía, toàn cây có mùi tanh. Lá đơn, mọc cách. Phiến lá nguyên hình tim, kích thước 4-6,5 x 3-5 cm, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới.

Hình 2: Cây diếp cá

Gân lá hình chân vịt với 5-7 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng, dài 3-3,5 cm, màu xanh, 2 mép cuống lá có màu đỏ tía. Lá kèm dạng màng dài khoảng 1,4 cm, dính vào cuống lá một đoạn 1cm; màu xanh, 2 mép bên và phần giữa màu trắng, có những sọc dọc màu đỏ tía. Cụm hoa: dạng bông, trục phát hoa có tiết diện tam giác, dài 4,5 cm, màu xanh.

Cụm hoa dài khoảng 1cm, tổng bao lá bắc gồm 4 lá bắc hình bầu dục màu trắng, kích thước 0,8-1 x 0,4 – 0,6 cm; xen kẽ 4 lá bắc lớn có 4 lá bắc nhỏ hơn phía trong, kích thước không đều 2-5 x 0,75- 1 mm. Hoa trần, lưỡng tính, lá bắc dạng vảy nhỏ cao 1 mm, màu trắng. Nhị 3, rời, đính trên đế hoa, chỉ nhị dạng sợi dài 1 mm, màu trắng xanh.

Hình 3: Các bộ phận cây Diếp cá

Bao phấn hình chữ nhật, màu vàng, dài 1 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn rời, hình bầu dục, màu vàng nhạt có rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 3, bầu trên 1 ô, bầu noãn màu xanh lục nhạt có 3 thùy ở đỉnh, nhiều noãn, đính noãn bên. 3 vòi nhụy hình sợi, dài 0,5 mm, màu trắng xanh; 3 đầu nhụy dạng điểm màu nâu nhạt.

PHÂN BỔ

Phân bố

Loài của lục địa châu Á, phân bố từ Ấn Độ qua Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, các nước Đông Dương. Ở nước ta, Diếp cá mọc hoang ở chỗ ẩm ướt. Thường được trồng làm rau ăn. Thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi. Có thể phơi hay sấy khô để dùng dần.

Thu hoạch, sơ chế

Có thể thu hái lá quanh năm, nhưng tốt nhất là thu hái lá vào mùa hạ, khi cây xanh tốt có nhiều cụm quả. Lúc trời khô ráo cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ gốc rễ, phơi hoặc sấy khô nhẹ.

Bào chế: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, phơi khô./p>

Bảo quản: Nơi khô mát.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Toàn cây Diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu:

  • Aldehyd và dẫn xuất nhóm ceton: methyl-n-nonyl ceton, l-decanal, l- dodecanal là những chất không có tác dụng kháng khuẩn; 3- oxododecanal là chất có tác dụng kháng khuẩn.

  • Nhóm terpen: bao gồm camphen, myrcen, α-pinen, limonen, linalol…

  • Lá Diếp cá có chứa β-sitosterol, alkaloid: Aristolactam B, piperolactam A, Aristolactam A, Norcephara-dione B, cepharadione B, splendidine.
     

  • Cây Diếp cá còn chứa hợp chất flavoniod: quercitrin, quercetin-3-O-Beta-D-glucopyrannoside

 

 

Ngoài ra còn chứa acid capric, laurinaldehyd, benzamid, acid hexadecanoic, acid decanoic, acid palmatic, lipid và vitamin K…

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

  • Diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng.
  • Ở Trung Quốc, Diếp cá được dùng trong trường hợp viêm mủ màng phổi, trong thử nghiệm điều trị ung thư phổi; đắp ngoài chữa dị ứng, mẩn ngứa, mề đay, làm thuốc chữa khó tiêu và thuốc bó những chỗ bị tổn thương để kích thích sự phát triển của xương.
  • Cao chiết của rễ Diếp cá có tác dụng lợi tiểu do tác dụng của quercitrin và các muối vô cơ. Ở Nepal, Diếp cá được dùng trong một số chế phẩm chữa bệnh cho phụ nữ. Cả cây được coi như thuốc làm mát, tiêu độc, chữa khó tiêu và điều kinh. Lá được dùng trị bệnh lỵ, bệnh lậu, bệnh về da, về mắt. Cao chiết từ rễ có tác dụng lợi tiểu.

CÔNG DỤNG

Trong đông y

  • Tính vị, qui kinh: Vị chua, mùi tanh, tính mát. Vào kinh phế.
  • Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, bài nùng, tiêu thũng. Chủ trị: Phế ung, phế nhiệt, thực nhiệt lỵ, nhiệt lâm, mụn nhọt, đau mắt, trĩ, kinh nguyệt không đều, nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
  • Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 15 – 25 g khô sắc nhanh, 30 – 50 g tươi sắc hoặc giã vắt lấy nước uống. Dùng ngoài lượng thích hợp, giã nát đắp tại chỗ hoặc sắc lấy nước để xông hoặc rửa vết thương.

Trong cuộc sống

Các bài thuốc có chứa diếp cá

  • Trị các chứng viêm ở phổi: (áp xe phổi phế ung), viêm phổi thùy, viêm phổi đốm.

- Trường hợp áp xe phổi, viêm phổi thùy dùng bài: Ngư tinh thảo Cát cánh thang (Ngư tinh thảo 40g, Cát cánh 20g sắc uống hoặc tán bột uống).

- Ngư tinh thảo 40g, trứng gà 1 cái. Cho thuốc ngâm vào nước 1 chén, ngâm 1 tiếng đồng hồ rồi sắc lên (không sắc lâu) bỏ xác cho trứng khuấy đều, ăn mỗi ngày 1 lần từ nửa tháng đến 1 tháng. Trị ho lao có máu, ho đờm có mủ.

- Ngư tinh thảo tươi 80g, phổi lợn 1 cái, nấu chín ăn cả nước, cứ 2 - 3 ngày 1 lần, uống 3 - 5 lần trị áp xe phổi.

- Ngư tinh thảo 30g sắc uống lúc nóng, ngày 1 lần trị các bệnh áp xe phổi, lao phổi, giãn phế quản, viêm phế quản đều có kết quả.

  • Trị hội chứng thận hư:

- Mỗi ngày dùng Ngư tinh thảo khô 100g, trụng nước sôi hoặc sắc nhỏ lửa ít phút uống thay nước chè (Tạp chí Trung y Sơn tây 1988,2:20).

  • Dùng phòng bệnh xoắn trùng:

- Trong thời gian lưu hành bệnh, mỗi ngày uống 15 - 30g thuốc viên Ngư tinh thảo, quan sát 1603 ca có kết quả (thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng ức chế xoắn khuẩn in vitro) (Tạp chí Tân y dược học 1975,6:49).

  • Trị loét cổ tử cung:

- Ngư tinh thảo và Băng phiến trộn làm dạng mỡ vaselin bôi trị 670 ca, kết quả đạt 86,2 - 99,3% (Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1983,3:24).

  • Chữa sốt nóng trẻ em

- 20g diếp cá, rửa sạch, giã nát lấy nước bỏ bã. Ngày uống 2 lần, dùng đến khi hết sốt. Hoặc 15g diếp cá, 12g lá hương trà loại nhỏ, rửa sạch, nấu nước uống. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Dùng đến khi hết triệu chứng sốt.

  • Trị mụn nhọt sưng đỏ (chưa có mủ): 

- 12g diếp cá, rửa sạch, giã nát đắp vào mụn nhọt rồi băng lại. Ngày thực hiện 2 lần. Làm trong 3 ngày, mụn nhọt sẽ đỡ sưng đau nhanh chóng.

  • Chữa đau mắt đỏ do trực khuẩn mủ xanh: 

- 35g diếp cá, rửa sạch, tráng qua nước đun sôi để nguội, để ráo nước, rồi giã nát, ép vào hai miếng gạc sạch (hoặc mảnh vải mỏng gói vào), đắp lên mắt sưng đau khi đi ngủ. Thực hiện trong 3 ngày.

  • Trị vú sưng đau do tắc sữa

- 25g diếp cá khô, táo đỏ 10 quả. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Uống trong 3 - 5 ngày.

  • Chữa táo bón: 

- 10g diếp cá đã sao khô, hãm với nước sôi khoảng 10  phút, uống thay trà hàng ngày. 10 ngày một liệu trình. Lưu ý: Trong thời gian điều trị không được sử dụng các loại thuốc khác.

  • Trị chứng đái buốt, đái dắt: 

- 20g diếp cá, rau má, rau mã đề mỗi vị 40g rửa sạch, giã nát lọc lấy nước trong. Ngày uống 3 lần. Thực hiện trong 7-10 ngày.

Trong y học hiện đại

Trà túi lọc Ruton được bào chế từ Diếp cá và Hoa hòe. Cả hai dược liệu đều chứa hoạt chất nhóm flavonoid có tính chống oxy hóa, giúp phòng và trị chứng xơ cứng động mạch do các gốc tự do gây ra. Trà túi lọc Ruton được sản xuất từ công nghệ bào chế hiện đại theo tiêu chuẩn GMP-WHO. Sản phẩm có tác dụng thông tiểu, nhuận tràng, dùng làm thức uống hằng ngày cho mọi người. Trị các bệnh liên quan đến tình trạng giãn tĩnh mạch: nổi tĩnh mạch chân tay, nặng chân, trĩ nội, trĩ ngoại. Táo bón, mụn nhọt, dị ứng (nổi mề đay, tiếp xúc vật lạ, dị ứng thức ăn). Ngăn ngừa vỡ mao mạch hoặc xuất huyết não ở người cao tuổi. Hỗ trợ điều cao huyết áp và cầm máu trong các trường hợp xuất huyết.


Sản phẩm Trà túi lọc Ruton

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Thân hình trụ tròn hay dẹt, cong, dài 20 – 35 cm, đường kính 2 – 3 mm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có vân dọc nhỏ và có mấu rõ. Các mấu ở gốc thân còn vết tích của rễ. Chất giòn, dễ gẫy. Lá mọc so le, hình tim, đầu lá nhọn, phiến lá gấp cuộn lại, nhàu nát, cuống đính ở gốc lá dài chừng 2 – 3 cm, gốc cuống rộng thành bẹ mỏng. Mặt trên lá màu lục, vàng sẫm đến nâu sẫm, mặt dưới màu lục xám đến nâu xám. Cụm hoa là một bông dài 1 – 3 cm, ở đầu cành, màu nâu vàng nhạt, cuống dài 3 cm. Mùi tanh cá. Vị hơi chát, se.


Hình 4: Cây diếp cá

Vi phẫu

Biểu bì trên và dưới của lá gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, mang lông tiết đầu đơn bào, chân đa bào và lông che chở đa bào có xen lẫn tế bào tiết màu vàng ở mặt trên gân lá. Ở mặt dưới phiến lá có lỗ khí. Hạ bì trên từ phiến lá chạy qua gân giữa gồm một lớp tế bào to, thành mỏng. Hạ bì dưới tế bào bé hơn, bị ngăn cách bởi một số tế bào mô mềm ở giữa gân lá. Mô mềm có tế bào thành mỏng và ít khuyết nhỏ. Bó libe-gỗ ở giữa gân lá gồm có bó gỗ ở trên, bó libe ở dưới. Mô mềm phiến lá có những khuyết nhỏ và bó libe gỗ nhỏ.


Hình 5: Vi phẫu lá, thân cây Diếp cá

Trong đó:

A- Hình dạng tổng quát gân lá (Sketch of leaf midvein)

B- Vi phẫu mặt cắt ngang gân lá (Section illustration of leaf midvein)

C- Các hạt tinh bột và cụm tinh thể canxi oxalat rải rác trên diệp nhục (Starch granules and clusters of calcium oxalate scattered in mesophyll)

D- Hình dạng tổng quát thân (Sketch of stem)

E- Vi phẫu mặt cắt ngang thân (Section illustration of stem)

F- Cụm tinh thể canxi oxalat rải rác trong lõi (Clusters of calcium oxalate scattered in pith)

  1. Biểu bì trên (Upper epidermis)
  2. Mô dậu (Palisade tissue)
  3. Mô xốp (Spongy tissue)
  4. Tế bào tiết tinh dầu (Oil cell)
  5. Lông che chở đơn bào (Non-glandular hair)
  6. Chất gỗ (Xylem)
  7. Libe (Phloem)
  8. Mô giữa (Collenchyma)
  9. Biểu bì dưới (Lower epidermis)
  10. Các hạt tinh bột (Starch granules)
  11. Cụm tinh thể canxi oxalat (Cluster of calcium oxalate)
  12. Biểu bì (Epidermis)
  13. Vỏ (Cortex)
  14. Sợi trụ bì (Pericycle fibres)
  15. Libe (Phloem)
  16. Chất gỗ (Xylem)
  17. Phần lõi (Pith)

Bột

Màu lục vàng, vị hơi mặn, hơi cay, mùi tanh.

Mảnh biểu bì trên và biểu bì dưới gồm tế bào hình nhiều cạnh thành hơi dày, mang tế bào tiết. Biểu bì dưới có lỗ khí, tế bào tiết tròn, chứa tinh dầu màu vàng nhạt hay vàng nâu, bề mặt có vân, xung quanh có 5-6 tế bào xếp toả ra. Lỗ khí có 4-5 tế bào kèm nhỏ hơn. Lông che chở đa bào và tế bào tiết. Hạt tinh bột hình trứng, có khi tròn hay hình chuông dài 40 µm, rộng chừng 36 µm. Mảnh thân gồm tế bào hình chữ nhật thành mỏng và tế bào tiết. Mảnh mạch xoắn.


Hình 6: Vi phẫu bột cây Diếp cá

Trong đó:

a- Hình quan sát dưới kính hiển vi quang học (the light microscope)

b- Hình quan sát dưới kính hiển vi phân cực (the polarized microscope)

  1. Tế bào tiết chứa tinh dầu (Oil cell)
  2. Lông che chở (Glandular hair)
  3. Lông che chở đơn bào (Non-glandular hair)
  4. Các cụm tinh thể canxi oxalat (Clusters of calcium oxalate (4-1 small ones, 4-2 large ones)
  5. Tế bào biểu bì của lá (Epidermal cells of leaf)
  6. Các sợi (Fibres)
  7. Mạch dẫn (Vessels)
  8. Hạt tinh bột (Starch granules)

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của Diếp cá.

Độ ẩm

Không quá 13%

Tro toàn phần

Không quá 14%

Tạp chất

Thân rễ và tạp chất khác: không quá 2,0%

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 3,15 mm: Không quá 5%

Chất chiết được trong dược liệu

Không dưới 11,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Định lượng

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,08% tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt.

Lượt xem: 834
Tác giả: Sưu tầm & tổng hợp: Ks. Lê Văn Thành
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi