QUẾ VIỆT NAM

CÂY QUẾ VIỆT NAM Tên khoa học: Cinnamomum cassia Nees et Bl. Họ Long não Lauraceae 1.Đặc điểm thực vật và phân bố Cây gỗ, cao 10 - 20m, vỏ thân...

CÂY QUẾ VIỆT NAM

Tên khoa học:Cinnamomum cassia Nees et Bl.
Họ Long nãoLauraceae

1.Đặc điểm thực vật và phân bố

Cây gỗ, cao 10 – 20m, vỏ thân nhẵn. Lá mọc so le có cuống ngắn, dài nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung. Hoa trắng, mọc thành chùm xim ở kẽ lá hay đầu cành. Qủa hạch hình trứng, khi chín có màu tím nhẵn bóng. Toàn cây có mùi thơm của quế. Được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và ở Việt Nam.

cây quế việt nam
cây quế việt nam

Theo những nghiên cứu mới nhẩt, loài C. cassia là loài quế nguyên sản của Việt Nam được trồng phổ biến từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam của miền Trung. Các địa phương trồng quế với diện tích lớn là: Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh. Loài quế Việt Nam cũng được trồng ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc và cho chất lượng tốt hơn quế địa phương.

2.Trồng trọt và khai thác

Trồng bằng hạt. Gieo hạt trong vườn ươm, khi cây cao khoảng 0,6 – 0,7m thì bứng đem trồng. Sau 10 năm có thể thu hoạch vỏ. Thu hoạch vào 2 vụ tháng 4 – 5 và 9 – 10 là khi cây có nhiều nhựa, dễ bóc.

cây quế việt nam

Trên thế giới Trung Quốc là nước sản xuất nhiều quế nhất. Hàng năm nước này sản xuất khoảng 28.000 tấn vỏ quế va khoảng 1000 tấn tinh dầu. Ở Việt Nam trong những năm 1935 – 1939 đã xuất khẩu 1000 – 1.500 tấn vỏ quế. Hiện nay con số thống kê chưa có nhưng lượng vỏ quế xuất khẩu có thể lên đến hàng ngàn tấn và lượng tinh dầu có thể vài chục tấn.

3.Bộ phận dùng

cây quế việt nam
cây quế việt nam

– Vỏ quế – Cortex Cinnamomi: Vỏ quế cuộn tròn thành hình ống, dài 25 – 40cm, đường kính 1,5 – 5cm, hoặc là những mảnh vỏ uốn cong rộng 3 – 5cm dày 1-5mm, mặt ngoài màu nâu xám, mặt trong nâu đỏ đến nâu xẫm, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ màu nâu đỏ ít có sợi. Sau khi đã ngâm nước, mặt cắt ngang thấy rõ một vòng mô cứng màu trắng ngà. Mùi thơm, vị cay ngọt.

– Cành nhỏ: Quế chi.

– Tinh dầu quế – Oleum Cinnamomi Cassiae.

Tinh dầu quế được cất từ phần dư phẩm khi chế biến dược liệu quế (5-10%) từ cành con và lá.

Đặc điểm vi học vỏ quế:

+ Lớp bần dày, gồm 6 – 7 hàng tế bào.

+ Các tế bào mô cứng được xếp thành dãy 5 – 7 hàng, liên tục hoặc không liên tục trong mô mềm.

+ Trong libe có rất nhiều sợi.

+ Nhiều tế bào chứa tinh dầu ở mô mềm và libe.

Bột quế được đặc trưng bởi sợi, tế bào mô cứng, mô mềm có chứa tinh bột và cali oxalat hình kim.

4.Thành phần hoá học

Vỏ Quế:

– Tinh dầu 1-3%, có thể đạt đến 6% (Quế Quảng Nam), DĐVN III qui định không dưới 1%.

– Các hợp chất diterpenoid (cinnacassiol), phenylglycosid, chất nhày, các hợp chất flavonoid, tanin và coumarin.

Tinh dầu quế, tên thưng phẩm Cassia oil,  là chất lỏng không màu đến màu vàng nâu, mùi thơm, vị ngọt sau nóng cay, d20: 1,040 – 1,072, nD20: 1,590 – 1,610, D20: – 10 đến + 10. Thành phần chính của tinh dầu vỏ quế là aldehyd cinnamic (70 – 95%). DĐVN III qui định không dưới 85%. Ngoài ra còn có cinnamylacetat – chất làm giảm giá trị tinh dầu quế, cinamylalcol và coumarin.

Lá:

– Tinh dầu: 0,14 – 1,04%. Phân tích tinh dầu lá quế Yên Bái bằng phương pháp phổ cộng hưởng từ hạt nhân carbon-13 xác định được 5 thành phần: Banzaldehyd, bazylacetat, aldehyd cinnamic, cinnamylacetat và coumarin. Hàm lượng aldehyd cinnamic dao động 12 tháng trong năm từ 34,65 – 95,55%. Thấp nhất vào tháng 6 và các tháng sau đó (tháng 7, 8, 9: 57,74%, 69,16%, 82,43%). Ngược lại hàm lượng cinnamylacetat cao nhất vào tháng 6 (57,933%) và giữ ở hàm lượng đáng kể trong suốt các tháng mùa hè. Từ tháng 10 cho đến giữa tháng 5 hàm lượng aldehyd cinnamic trong lá luôn luôn đạt trên 80%. Vì vậy nếu khai thác tinh dầu vỏ kết hợp với lá nên khai thác trước tháng 5 và sau tháng 9.

5.Tác dụng dược lý và công dụng

– Quế là vị dược liệu quí dùng cả trong Tây y và Đông y. Quế có tác dụng kích thích tiêu hoá, trợ hô hấp và tuần hoàn, tăng sự bài tiết, co mạch, tăng nhu động ruột và co bóp tử cung. Theo những nghiên cứu mới, quế còn có tác dụng chống khối u, chống xơ vữa động mạch vành, chống oxy hoá. Trong Tây y dùng dưới dạng cồn thuốc, rượu thuốc, rượu mùi.

– Quế còn sử dụng rất nhiều để làm gia vị. Một mặt do mùi vị quế kích thích ăn ngon, kích thích tiêu hoá, mặt khác còn do quế có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm, bảo vệ thức ăn khỏi thiu thối. Ở nồng độ 1% bột quế có tác dụng ức chế sự phát triển của Aspergilus flavus và nồng độ 0,25 – 0,5% ức chế sự tạo thành độc tố aflatoxin.

Đông y xếp quế vào vị thuốc bổ. Tính vị: Ngọt cay, đại nhiệt. Tác dụng vào cả 5 kinh: Tâm, phế, thận, can, tỳ. Có tác dụng bổ mệnh môn hoả, thông huyết mạch trừ hàn tích. Dùng để hồi dương cứu nghịch, mệnh môn hỏa suy, tạng phủ lạnh, tiêu hoá kém, đau đầy bụng.

Trong Đông y còn dùng quế chi để chữa cảm lạnh không ra mồ hôi, tê thấp, chân tay đau buốt.

Tinh dầu quế có tác dụng sát khuẩn, kích thích tiêu hoá, kích thích hệ thống thần kinh làm dễ thở và tuần hoàn lưu thông, kích thích nhu động ruột, được dùng phối hợp với các vị thuốc khác dưới dạng rượu thuốc, cồn ngọt và dạng dầu cao xoa.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Lượt xem: 479
Tác giả: LuuThanhPhong
Nguồn:duoclieu.edu.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi