Bác sĩ có quyền từ chối bệnh nhân trong tình huống bị đe doạ tính mạng
Ths.BS Nguyễn Trung Cấp trả lời độc giả báo điện tử Trí Thức Trẻ và Soha.vn tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Bác sĩ bị đánh: Lỗi tại ai? Dưới đây là những chia sẻ của BS Nguyễn Trung Cấp.
Hỏi: Đọc bài giới thiệu tôi thấy nói khi nạn bạo hành y tế xảy ra thì người thiệt thòi nhất không phải nhân viên y tế mà là người dân. Xin các chuyên gia phân tích rõ, những thiệt hại này là gì? Nếu được thì xin phân tích cả thiệt hại cho ngành y tế và thiệt hại cho người bệnh (Trương Công Hậu, 56 tuổi, conghautruong...1962@gmail.com )
BS Nguyễn Trung Cấp: Một bác sĩ phải cấp cứu, điều trị rất nhiều bệnh nhân, chỉ cần 1 người bạo hành thì tất cả những người bệnh khác đều sẽ bị gián đoạn quá trình cấp cứu, điều trị và có thể ảnh hưởng đến sinh mạng và sức khỏe.
Ví dụ: Trong trường hợp gần đây, một lái xe đã chặn xe cứu thương và đánh tài xế xe cứu thương, nhưng bệnh nhân trên xe cứu thương sau đó đã đến bệnh viện muộn và tử vong, nguyên nhân có thể do trên đường xe cứu thương bị chặn không cho vượt dẫn đến không được điều trị kịp thời.
Trong một nghiên cứu tại Anh gần đây cho thấy, khi các bác sĩ bị bạo hành, 25% bị bạo hành stress trong 2 tuần, 21% bị stress trong 3 tuần, 17% bị stress kéo dài hơn.
Nếu các bác sĩ này vẫn phải làm việc thì giai đoạn này chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh,... sẽ không hiệu quả như bình thường. Và bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong thời gian này sẽ phải chịu hậu quả của việc bạo hành trước đó.
Không khí thù địch và tâm lý e sợ bạo hành lan truyền sẽ khiến các thầy thuốc chú tâm trong việc bảo vệ mình chứ không thể toàn tâm toàn ý cho việc cứu chữa người bệnh. Dẫn đến hiệu quả khám, chữa bệnh chung sẽ bị suy giảm.
Hỏi: Xin hỏi BS Nguyễn Trung Cấp, gần đây có ý kiến cho rằng chỉ trừ một vài trường hợp do say rượu, quá liều ma túy còn hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều do lỗi của nhân viên y tế! Tôi thấy đây là một nhận xét khá xác đáng!
Ngay như gần đây, do không được vào phòng phòng mổ để livestream cảnh vợ mình mổ đẻ, nên chồng của một sản phụ đã liều mình trèo lên cửa sổ để quay phim và bị đuổi xuống nên mới gây ra bức xúc dẫn đến việc hành hung bác sỹ.
Nếu bệnh viện cho phép người nhà mặc áo mổ mang thiết bị ghi hình vào phòng mổ livestream thì đã không có việc hành hung vừa rồi. Ý kiến của BS về vấn đề này như thế nào? (nguyenphanbao@gmail.com)
BS. Nguyễn Trung Cấp: Thứ nhất, về nguyên tắc người bệnh có quyền bí mật về nhân thân và hình ảnh, vì vậy nếu bất kỳ việc quay phim chụp ảnh của người bệnh cần có sự đồng ý của người bệnh. Vì vậy, đa số bệnh viện ko chấ 372f p nhận việc tự ý quay phim, chụp ảnh, vì có thể lọt hình ảnh của bệnh nhân khác (chưa đồng ý) vào.
Thứ hai, phòng mổ là nơi vô trùng tuyệt đối nên chỉ những người được đào tạo tốt về vô khuẩn mới được phép vào để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Thứ ba, việc 1 người không có trách nhiệm vào phòng mổ sẽ tạo áp lực cho bác sĩ. Nếu trong tình huống bộc phát, nếu người vào đó có hành vi bạo lực bộc phát với bác sĩ đang mổ, chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong.
Bởi vậy, việc cho phép người nhà mặc áo mổ mang thiết bị ghi hình vào phòng mổ livestream là yêu cầu vô lý, không quan tâm đến sinh mạng và sự an toàn của bệnh nhân.
Về ý kiến cho rằng: "Gần đây có ý kiến cho rằng chỉ trừ một vài trường hợp do say rượu, quá liều ma túy còn hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều do lỗi của nhân viên y tế" là một ý kiến hoàn toàn không xác đáng, vì:
1. Việt Nam là 1 trong những nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới nên số người say rượu rất nhiều.
2. Bác sĩ là 1 nghề đặc thù, giả sử cứ 100 người có 1 người say thì những nghề khác ví dụ như kế toán, cả tháng không gặp phải người nào say, 1 giáo viên mỗi năm chủ nhiệm 50 học sinh, mỗi năm gặp mặt phụ huynh 2 lần thì 1 năm mới gặp 1 phụ huynh say rượu, 1 bác sĩ khám cho 100 bệnh nhân thì 1 ngày gặp ít nhất 1 bệnh nhân say rượu, như vậy mỗi năm phải đối mặt với 365 người say nên nguy cơ đối mặt với bạo hành và xung đột sẽ cao hơn rất nhiều so với ngành nghề khác.
Vậy nên, không thể coi đó là việc hiếm xảy ra được.
Hỏi: Xin hỏi bác sĩ Cấp, đơn vị của bác sĩ đang công tác đã có kế hoạch gì để đối phó với tình hình bạo lực trong bệnh viện đang gia tăng hiện nay chưa? ( buiphucy...@gmail.com)
BS Nguyễn Trung Cấp: Tất cả mọi đơn vị đều cố gắng trong việc ngăn chặn bạo hành bệnh viện. Trong đó có:
- Việc thiết kế nơi tiếp xúc để có yếu tố làm dịu nguy cơ xung đột.
- Tập huấn về kỹ năng giao tiếp
- Kết hợp với cơ an công an và công ty bảo vệ, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả còn bấp bênh, vì xung đột xảy đến hết sức bất ngờ.
Hầu hết những trường hợp bạo hành bác sĩ là những người vừa mới xuất hiện tại bệnh viện chứ ko phải bệnh nhân nằm điều trị trong thời gian dài hơn.
Hỏi: Tôi muốn hỏi BS Nguyễn Trung Cấp, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến người dân coi thường ngành y là chế độ đãi ngộ thấp, dẫn đến những tiêu cực trong ngành, từ đó dẫn đến những sự việc đáng tiếc, bởi ngành y trong mắt người dân bị xấu đi nhiều.
Ông cho rằng nhận xét này là đúng hay sai? Chúng ta có nên giải quyết vấn đề này từ gốc, là tăng mức thu nhập cho những người hoạt động trong ngành? (FB Thạch Tín...)
BS Nguyễn Trung Cấp: Vấn đề này tôi xin trả lời bạn mấy ý như sau:
Thực tế, trong xã hội hiện nay, ngành nghề nào cũng có tiêu cực. Tuy nhiên, tiêu cực của ngành y ảnh hưởng trực tiếp đến con người trong điều kiện ốm đau, bệnh tật nên dễ bức xúc hơn so với các tiêu cực của ngành nghề khác.
Về đề xuất tăng mức thu nhập cho những người hoạt động trong ngành quả thật giải quyết được từ gốc nhưng không dễ dàng bởi lẽ ngân sách dành cho ngành y tế chỉ có thể chiếm 1 tỷ lệ nhất định trong nguồn thu của xã hội chứ không thể tăng vô hạn.
Trong khi, nếu tăng thu từ bệnh nhân thì lại gây bức xúc theo 1 hướng khác. Vì vậy, vấn đề này cần có sự phối hợp từ 3 phía:
- Từ nhà nước tăng ngân sách cho ngành y tế trong phạm vi có thể,
- Từ phía người bệnh: Chấp nhận giá dịch vụ y tế tăng ở mức độ chấp nhận được,
- Từ ngành y tế: Cần có những đổi mới, để tăng năng suất lao động, quản lý tài chính hợp lý để sử dụng hợp lý nguồn kinh phí cho việc nâng cao đời sống cho cán y tế và thiết lập các cơ chế để cán bộ y tế không thể dễ dàng tiêu cực. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ ra khỏi ngành những cá nhân thoái hóa biến chất.
Hỏi: Tôi có 1 bé gái. Đầu năm 2017 bé cấp cứu do sốt cao 42 độ, khi đó là 11h đêm ngày mùng 2 Tết. Khi vào bệnh viện địa phương, các bác sĩ khám, yêu cầu xét nghiệm máu, nước tiểu - có ghi chú sau 6 tiếng sau sẽ có các kết quả.
8h sáng ngày mùng 3 Tết, bé lên cơn co giật. Bác sĩ khám dự đoán bé có thể bị: Viêm họng, sốt virut. Y tá truyền cho bé một ống thuốc (người nhà có hỏi thuốc gì nhưng không được trả lời), sau 10 phút bé tím và lịm dần.
Gia đình tức tốc gọi trường khoa đến và bị mắng: "Thuốc có an thần để bé không co giật, làm gì mà phải ẩm ĩ lên?" trong khi không trao đổi trước với người nhà bệnh nhân về thành phần và tác dụng của thuốc.
9h sáng, các ống xét nghiệm thậm chí còn chưa được đưa đến phòng phân tích. Tôi có yêu cầu sớm nhận được kết quả xét nghiệm của bé, nhưng các bác sĩ, trưởng khoa, y tá, nhân viên phòng xét nghiệm cáo bận vì còn xếp hàng chờ giám đốc bệnh viện đến chúc mừng năm mới.
Khi gia đình yêu cầu được chuyển viện gấp, các bác sĩ đều gây khó khăn, buộc chúng tôi làm rắn (dọa sẽ gọi điện lên bộ y tế, truyền thông) và sau cùng gia đình phải rời viện trên xe taxi thay vì xe cấp cứu do bệnh viện nói "không sắp xếp vì bệnh nhân tự ý đòi chuyển viện". Trong trường hợp này, tôi xin hỏi bác sĩ lần lượt các câu hỏi sau:
1. Có lỗi thuộc về bác sĩ không?
2. Có cách giải quyết nào khác thay vì phải dọa nạt, thậm chí sử dụng vũ lực với cán bộ y tế không?
3. Có điều luật nào bảo vệ bệnh nhân trong trường hợp bị gây khó dễ như trên không?
4. Bác sĩ có quyền từ chối bệnh nhân trong trường hợp nào?
5. Có quy định nào về việc bác sĩ cần trao đổi về thuốc với bệnh nhân, cho phép kiểm tra thành phần, tác dụng với bệnh nhân trước khi sử dụng không?
Tôi tiếp nhận thông tin từ phía bạn trong khi chưa có thông tin từ phía bệnh viện nên tôi không kết luận được có lỗi thuộc về bác sĩ hay không.
6. Sự ban ơn của các bác sĩ có phải xuất phát từ nguyên nhân nhiều bệnh nhân, ít bác sĩ ở các bệnh viện không? (Độc giả Quách Thị Quỳnh Anh)
BS Nguyễn Trung Cấp: Tôi xin trả lời từng ý của bạn như sau: Bạn đã lựa chọn việc gọi điện lên đường dây nóng của Bộ Y tế là một lựa chọn đúng chứ không phải sự dọa nạt với bác sĩ. Trong trường hợp bạn thấy không thỏa đáng, bạn có quyền gọi điện lên đường dây nóng và chúng tôi ủng hộ cách giải quyết này.
Trong bất kỳ hoạt động nào của bệnh viện, bệnh viện vẫn phải duy trì lực lượng trực để giải quyết vấn đề của bệnh nhân, nên các nhân viên y tế dù xếp hàng chờ giám đốc chúc mừng thì vẫn phải có nhân viên trực để làm xét nghiệm cho bệnh nhân.
Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người trực giải quyết cho bạn hoặc gặp trực tiếp giám đốc đề nghị được giải quyết.
BS có quyền từ chối bệnh nhân chỉ khi không trong tình huống cấp cứu và trong các trường hợp sau:
- Vượt quá khả năng chuyên môn
- Không đủ điều kiện làm việc
- Khi yêu cầu của người bệnh không phù hợp với chuyên môn (ví dụ bệnh nhân tay lành nhưng yêu cầu bác sĩ tháo khớp) hoặc vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
- Trong tình huống bị đe dọa tính mạng, bác sĩ có quyền tạm lánh mặt
BS cần giải thích, cung cấp thông tin về bệnh tật và quá trình điều trị cho bệnh nhân hoặc người đại diện hợp pháp của bệnh nhân. Việc cung cấp thông tin này tùy thuộc vào mức độ cần thiết để phối hợp chứ không bắt buộc đến mức phải cung cấp cụ thể thành phần, tác dụng của từng thuốc.
Trong bất kỳ một dịch vụ nào, đều có mối tương quan giữa thụ hưởng và chi trả. Nếu người thụ hưởng được thụ hưởng một mức độ cao hơn giá trị phải chi trả, thì người thụ hưởng sẽ hàm ơn. Ngược lại, nếu họ chi trả mức cao hơn so với những gì họ thụ hưởng thì người cung cấp dịch vụ phải hàm ơn khách hàng.
Vậy, không nhất thiết trong mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân, bác sĩ là người ban ơn. Việc người bệnh có hàm ơn hay không phụ thuộc vào những gì họ nhận được từ bác sĩ có cao hơn chi phí họ chi trả hay không.
Hỏi: Xin hỏi bác sĩ, khâu nào trong 1 bệnh viện (dù công hay tư) gây bức xúc nhiều nhất cho người dân - vì sao:
- Cửa viện: Tiếp nhận bệnh nhân đến khám (ghi sổ, ghi tên, thu tiền...)
- Thái độ và chất lượng chữa bệnh của bác sĩ điều trị
- Thái độ và chất lượng phục vụ của y tá, điều dưỡng
- Chi phí chữa bệnh
Và từ đó, theo bác sĩ, giả sử chỉ có thể giải quyết 1 trong 4 vấn đề trên để giảm thiểu ác cảm xã hội với ngành (có vẻ đang rất lớn), thì cần cải thiện khâu nào trước tiên, giải quyết thế nào? (Độc giả Đức Giang S...)
BS Nguyễn Trung Cấp: Tôi xin trả lời bạn như sau:
Theo thống kê chung, thì 2 khu vực hay xảy ra bạo hành nhất là khu vực cấp cứu và khu vực cấp cứu chấn thương. Tuy nhiên, đa số các bức xúc xuất phát đầu tiên từ thủ tục hành chính tại khu vực tiếp đón (không liên quan đến chuyên môn), sau đó, vào khu vực chuyên môn mới bùng nổ.
Nếu chỉ giải quyết được 1 trong 4 vấn đề, chúng tôi sẽ ưu tiên giải quyết ở khâu tiếp đón. Bởi vì, đây là khâu giải quyết dễ dàng và ít chi phí nhất. Để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh của 1 bác sĩ đôi khi phải mất thời gian đào tạo hàng chục năm, mà với nhiều bệnh viện, bác sĩ sau khi được đào tạo lại chuyển công tác đến bệnh viện khác.
Để giảm thiểu ác cảm xã hội với ngành: Đòi hỏi truyền thông (cả báo chí và mạng xã hội) cần đúng mực.
Đặc trưng của truyền thông, những sự kiện bất thường sẽ gây thu hút, nên 1 trường hợp đến bệnh viện gặp chuyện không hài lòng rất dễ được chia sẻ, còn hàng vạn trường hợp đến bệnh viện thấy bình thường hay hài lòng lại ít được chia sẻ. Điều này đòi hỏi cần 1 chế tài của nhà nước để định hướng, điều chỉnh hoạt động truyền thông.
Hỏi: Các cụ có câu "lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền". Tôi xin hỏi cả 6 chuyên gia ở đây, bác sĩ ở Việt Nam hiện nay đã làm được điều đó chưa? Đến viện thấy bác sĩ mặt lạnh lùng vô cảm, khám bệnh thì qua loa 2,3 phút đã xong. Tôi chắc chắn nếu lương y như từ mẫu sẽ không có chuyện đánh bác sĩ bao giờ (Độc giả Huệ Vân.... từ Canada)
BS Nguyễn Trung Cấp:
Thống kê c 3a84 ủa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, từ 8 - 38% số nhân viên y tế trên thế giới đã từng bị bạo hành. Đây là vấn đề đặc trưng nghề nghiệp.
Câu "Lương y như từ mẫu" là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ y tế trong bức thư gửi ngành y tế 27/2/1956. Đây là kỳ vọng cần phấn đấu, còn việc đạt được "từ mẫu" hay không, tùy thuộc vào mức độ đánh giá.
Với 1 nghề nghiệp bình thường, bạn không thể thuê 1 ông giáo sư, 1 Tổng giám đốc đi ngửi phân hay kiểm tra nước tiểu cho bạn, nhưng với ngành y tế, 1 giáo sư, 1 giám đốc bệnh viện vẫn có thể làm việc đó hàng ngày.
Vậy không hiểu tiêu chuẩn "từ mẫu" bạn đặt ra là gì và phải làm thế nào mới được gọi là "từ mẫu"?
Nếu đòi hỏi bác sĩ phục vụ hết mình mà không nhận được cái gì thì tôi tin trên cả thế giới không có bác sĩ nào đạt được. Ở những nước phát triển, năng suất lao động cao, người dân đóng thuế nhiều nên chỉ vài trăm công dân đã đủ khả năng nuôi 1 bác sĩ. Nên các bác sĩ 1 ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, thời gian dành cho bệnh nhân được nhiều.
Ở Việt Nam, năng suất lao động rất thấp, khả năng nộp thuế chưa cao, nhiều đối tượng khó khăn cần hỗ trợ (ví dụ: Chương trình 135 cho đồng bào miền núi) nên chi phí cho y tế và tỉ lệ bác sĩ/dân số chưa đạt được cao.
Một bác sĩ 1 ngày phải khám hàng trăm bệnh nhân, nên mỗi bệnh nhân chỉ có 5-7 phút không phải là chuyện lạ. Trong thời gian ấy, nếu dành 4-5 phút cho giao tiếp, chỉ 1-2 phút cho chuyên môn thì bệnh nhân sẽ chết. Còn nếu dành 5-6 phút cho chuyên môn, 1 phút cho giao tiếp thì bệnh nhân có cơ hội khỏi nhưng bác sĩ bị đánh giá là lạnh lùng vô cảm.
Điều bạn chắc chắn nếu lương y như từ mẫu sẽ không có chuyện đánh bác sĩ bao giờ thì tôi không chắc chắn. Mỗi ngày, khám 100 bệnh nhân, ít nhất, tôi phải gặp 4-5 người say rượu, 1-2 người lạm dụng ma túy, vài đối tượng bất hảo. Với các trường hợp này, nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
(Ảnh minh họa)
Hỏi: Nhân viên y tế làm thế nào để nhận dạng những tình huống dễ có bạo hành diễn ra? Phải kiểm soát nguy cơ bạo hành như thế nào? (độc giả Trung Tự Nguyễn...)
BS Nguyễn Trung Cấp: Thống kê chung cho thấy bạo hành thường diễn ra ở 2 nơi là cấp cứu nội và cấp cứu chấn thương.
Những nghiên cứu về bạo hành trên thế giới cho thấy, có sự khác biệt với bạo hành ở Việt Nam. Trên thế giới, bạo hành chủ yếu do các bệnh nhân mãn tính nằm viện lâu và đối tượng bị bạo hành chủ yếu là điều dưỡng. Ở Việt Nam thì ngược lại, bạo hành chủ yếu nhắm vào bác sĩ, và ở các đối tượng bệnh nhân vừa vào nhập viện.
Những đối tượng có tiềm năng gây bạo hành gồm: Người say rượu, lạm dụng ma túy...
Những người thường xuyên có đặc lợi hoặc quyền lợi thông qua hành vi tranh giành: Đầu gấu, một số quan chức cấp thấp - khi vào bệnh viện, họ có tâm lý mặc nhiên giành được ưu đãi hoặc dùng bạo lực để giành đặc lợi hơn người khác;
Những người chăm sóc bệnh nhân từ khi bắt đầu ốm thường ít khi gây xung đột bạo lực. Trái lại, trong gia đình, những người không quan tâm đến người bệnh, chỉ đến viện khi người bệnh đã diễn biến nặng thường thúc ép bác sĩ mọi thứ ngay và luôn.
Những đối tượng kỳ vọng vào bác sĩ quá đáng (mong muốn thầy thuốc như mẹ hiền) khi không được đáp ứng mọi việc như kỳ vọng của họ dễ thất vọng và gây xung đột.
Những đối tượng ít liên quan trực tiếp (bạn bè, họ hàng xa) đôi khi thích thể hiện sự quan tâm bằng cách xúc phạm thầy thuốc, bắt ép phải phục vụ tốt hơn.
Để kiểm soát nguy cơ bạo hành:
- Cần nhận diện các đối tượng tiềm năng gây bạo hành để sắp xếp lực lượng an ninh phù hợp, thậm chí, né tránh xung đột khi cần thiết.
- Bởi lẽ, hành vi bạo hành đến thầy thuốc mà còn ảnh hưởng đến những người bệnh đang điều trị nên cần có chế tài, xử lý nghiêm khắc những đối tượng gây bạo hành để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc và cả bệnh nhân đang điều trị.
Hỏi: Bác sĩ nghĩ sao khi có luồng dư luận cho rằng, sự việc hành hung bác sĩ là do "tại anh, tại ả, tại cả hai bên". Ngoài sự thiếu kiềm chế của người nhà bệnh nhân thì cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ từ phía bác sĩ? ( hoangthingoclinh...@yahoo.com )
BS Nguyễn Trung Cấp: Thực tế đúng là từ cả 2 bên, do điều kiện tại Việt Nam nên ngành y tế không đáp ứng được kỳ vọng như bệnh nhân mong muốn. Ngược lại, về phía bệnh nhân và xã hội cũng không đảm bảo được điều kiện làm việc và thu nhập như kỳ vọng của bác sĩ. Bởi vậy, chúng ta cần điều chỉnh cả từ 2 phía.
Về phía thầy thuốc: Cần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp phù hợp, hiệu quả để có thể khiến bệnh nhân hiểu được các vấn đề một cách không tốn quá nhiều thời gian.
Ngược lại, người bệnh cần nhận thức được nếu đòi hỏi bác sĩ giành quá nhiều thời gian cho giao tiếp, thái độ thì sẽ làm mất thời gian cho hoạt động chuyên môn của bác sĩ. Điều này thỏa mãn được nhu cầu của người nhà bệnh nhân nhưng lại làm tổn hại đến quyền lợi của bệnh nhân.
Hỏi: Ngành y cứ đòi tăng viện phí, mà viện phí bây giờ đã bị người dân kêu là quá cao rồi. Nếu tăng nữa tôi e rằng mâu thuẫn giữa ngành y và người dân còn tăng cao hơn nữa. Tại sao lại tăng viện phí trong khi chất lượng khám chữa bệnh thì lại giữ nguyên? (Độc giả Tuấn Hoài...)
BS Nguyễn Trung Cấp: Thu nhập bình quân đầu người VN năm 1995 là 288 USD/năm. Năm 2017 là 2400USD/năm.
Lương cơ bản năm 1995 ở VN là 120.000 đ/tháng, năm 2015 là 1.250.000 đ/tháng. Tức là, trong vòng 10 năm qua, thu nhập trung của mọi người dân tăng gấp 10 lần.
Giá các mặt hàng cơ bản cũng tăng gấp nhiều lần, nhưng viện phí chỉ tăng 1 lần và tăng trung bình khoảng 30% nên không thể nói ngành y tế mà chỉ là đang cố điều chỉnh viện phí theo kịp giá cả và thu nhập chung của xã hội.
Trong khi, thực tế 20 năm qua, chất lượng khám, chữa bệnh tăng vượt bậc: Các kỹ thuật mới được triển khai, áp dụng ở tất cả các tuyến. Tỉ lệ tử vong nhiều mặt bệnh giảm rõ rệt so với trước đây, ví dụ: Bệnh uốn ván trước 1995 tử vong khoảng 30-40%, hiện nay là dưới 6%; tỉ lệ tử vong sơ sinh giảm.
Những vật dụng phục vụ bệnh nhân như quạt, đèn sưởi, thậm chí điều hòa là điều giai đoạn trước chưa từng có ở bệnh viện, thì bây giờ đã có ở hầu hết các tuyến. Rõ ràng quan điểm viện phí tăng quá cao và chất lượng khám chữa bệnh giữ nguyên của bạn là không đúng.
Hỏi: Xin hỏi Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bác sĩ có giải pháp đặc biệt nào để giảm bớt tình trạng xung đột hiện nay đang diễn ra giữa đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân, gia đình bệnh nhân? (FB Nhung Lụa)
BS Nguyễn Trung Cấp: Tôi nghĩ rằng có một số giải pháp cơ bản như sau:
- Các ngôn ngữ chuyên ngành trong ngành y tế rất khó hiểu đối với bệnh nhân, đôi khi bác sĩ giải thích nhiều nhưng bệnh nhân không hiểu. BS cần học cách chuyển ngữ ngôn ngữ chuyên ngành thành ngôn ngữ bình dân, thì việc giải thích cho người nhà bệnh nhân sẽ hiệu quả hơn, giúp đôi bên thấu hiểu và dễ phối hợp hơn.
- Thực tế, do điều kiện, quá tải bệnh viện, nên bác sĩ có rất ít thời gian cho bệnh nhân. Ví dụ, một ngày, bác sĩ khám 80 bệnh nhân thì mỗi bệnh nhân sẽ chỉ có 6 phút. Nếu dành 5 phút cho giao tiếp và 1 phút cho chuyên môn thì bệnh nhân sẽ chết trong sự hài lòng. Nếu dành 1 phút cho giao tiếp, 5 phút cho chuyên môn thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong bức xúc.
Để giảm bớt tình trạng xung đột và đảm bảo đc vấn đề chuyên môn, cần phải giải quyết được vấn đề quá tải bệnh viện.
- Do đặc thù nghề nghiệp, nguy cơ thầy thuốc phải đối mặt với đối tượng "bất hảo" (say rượu, ma túy, ngáo đá) cao hơn nhiều so với những ngành nghề khác, nên việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan công an, bảo vệ với bệnh viện là vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa bạo hành ở bệnh viện.
- Một bác sĩ phải chăm sóc, điều trị cho cho hàng chục, hàng trăm bệnh nhân, nên khi bác sĩ bị bạo hành sẽ làm gián đoạn quá trình cấp cứu, điều trị đó và ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khỏe của những người bệnh này. Vì vậy với mỗi người nhà bệnh nhân, cần hiểu, bảo vệ an toàn cho bác sĩ chính là bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho người thân của mình.
Hỏi: Nếu gặp lại người đã hành hung mình, ví dụ anh ta đang bị cấp cứu, bác sĩ có tâm trạng, cảm nghĩ như thế nào và sẽ xử sự ra sao? (độc giả TM...)
BS Nguyễn Trung Cấp: Nếu gặp lại đối tượng hành hung mình trong điều kiện cấp cứu. Tôi vẫn cấp cứu như người bệnh bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khám, chữa bệnh của người thầy thuốc vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật khi làm việc với một đối tượng gây ức chế, lại phải cảnh giác nguy cơ bị tấn công lại thì chắc chắn hiệu quả sẽ không tốt như bình thường.
Hỏi: Ở Ấn Độ, có trường hợp, sau khi bị người nhà bệnh nhân hành hung, 1 bác sĩ đã khóa mình trong phòng và nhất quyết không quay lại làm việc cũng như tham gia phong trào "nghỉ phép vô thời hạn".
Vậy ông/bà có biết những bác sĩ bị đánh hoặc những bác sĩ chứng kiến đồng nghiệp bị đánh ở Việt Nam có trường hợp nào bị ảnh hưởng tâm lý hay không còn nhiệt huyết với nghề không? (độc giả thuythu...@vcc.vn)
BS Nguyễn Trung Cấp: Như tôi đã trả lời trong một câu hỏi khác, trong 1 nghiên cứu ở Anh tôi đọc được cho thấy, khi các bác sĩ bị bạo hành 25% bị stress trong 2 tuần, 21% stress trong 3 tuần, 17% stress kéo dài hơn.
Nếu các bác sĩ này vẫn phải làm việc thì giai đoạn này chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh,... sẽ không hiệu quả như bình thường. Và bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong thời gian này sẽ phải chịu hậu quả của việc bạo hành trước đó.
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào như vậy, nhưng tôi tin rằng, sau khi bị bạo hành, chắc chắn nhiệt huyết phục vụ bệnh nhân của bác sĩ sẽ bị suy giảm khá nhiều.