Hộp sơ cứu thiết yếu

Nếu hộp sơ cứu của bạn được trang bị đầy đủ thì với hầu hết các tình huống cấp cứu đơn giản bạn cũng đã có sẵn dụng cụ để xử trí.

Vì sao tôi cần trang bị một hộp sơ cứu?

Té ngã, ong đốt, phỏng hoặc phản ứng dị ứng đều là những tình huống thường gặp trong mỗi gia đình cũng như trong các cuộc vui chơi ngoài trời. Chính những lúc đó, hộp sơ cứu xách tay là rất cần thiết. Nếu hộp sơ cứu của bạn được trang bị đầy đủ thì với hầu hết các tình huống cấp cứu đơn giản bạn cũng đã có sẵn dụng cụ để xử trí.

Việc sắp xếp các dụng cụ sơ cứu cũng đơn giản như cách xếp đặt các món đồ vào một hộp chứa nhỏ, chẳng hạn như một cái thau nhựa, hộp đựng dụng cụ hoặc giỏ xách. Trang bị một tủ y tế tại nhà và đặt nó ở xa tầm với trẻ em.

Bộ sơ cứu thiết yếu

Hộp sơ cứu cần có những gì?

Dưới đây là danh sách một số dụng cụ mà hộp sơ cứu nào cũng cần phải có.

Băng bó và băng dán y tế

  • 25 miếng băng dán vết thương kích cỡ khác nhau (hiệu Band-Aid, Curad hoặc hiệu khác)
  • 5 miếng gạc vô trùng (khổ vuông 7,5 x 7,5 cm)
  • 5 miếng gạc vô trùng (khổ chữ nhật 10 x 7,5 cm)
  • Gạc cuộn
  • Miếng băng che mắt hoặc mảnh vật liệu che mắt (hơi vồng lên được làm từ chất liệu cứng có đục lỗ dùng đậy úp lên mắt)
  • Cuộn keo dán
  • Cuộn băng thun (hiệu ACE , Coban hoặc hiệu khác) dùng để quấn vùng cổ tay, cùi chỏ, cổ chân và đầu gối khi có chấn thương (dùng loại băng có bề rộng 7,5 – 10 cm)
  • 2 cuộn băng hình tam giác dùng để quấn quanh vùng chấn thương và làm đồ treo đỡ cánh tay
  • Các viên gòn và que gòn vô trùng

Một số dụng cụ khác

  • 2 cặp găng tay chất liệu latex hoặc chất liệu khác latex (dùng cho người dị ứng chất latex), găng này nên được mang vào bất kỳ lúc nào có nguy cơ phải tiếp xúc với máu, dịch tiết.
  • Túi chườm lạnh cấp tốc
  • 5 cái kim băng an toàn dùng để ghim chặt chỗ nẹp hoặc vùng băng bó
  • Dụng cụ hút dùng xối rửa vết thương
  • Nẹp ngón tay bằng nhôm
  • Xi lanh và muỗng đong thuốc dùng để đong một lượng thuốc ấn định khi cần
  • Nhiệt kế
  • Cây nhíp dùng để gắp bỏ các con ve hay các loại côn trùng chích người và các mảnh găm nhỏ
  • Kéo dùng để cắt gạc
  • Miếng phủ bảo vệ (trải vùng miệng) dùng khi phải hà hơi thổi ngạt (miệng qua miệng) lúc làm hồi sức tim phổi
  • Tấm trải
  • Sát khuẩn tay (dạng dung dịch và/hoặc dạng miếng chùi)
  • Cuốn sổ tay hướng dẫn sơ cứu
  • Danh sách các số điện thoại khẩn cấp

Các loại thuốc dùng cho vết cắt hoặc vết thương

  • Dung dịch sát khuẩn hoặc miếng chùi sát khuẩn như hydrogen peroxide, povidone-iodine (hiệu Betadine) hoặc chlorhexidine (hiệu Betasept)
  • Thuốc mỡ kháng sinh (hiệu Neosporin, Bactroban) có chứa thành phần bacitracin hoặc mupirocin
  • Thuốc rửa mắt vô trùng hoặc nước muối chẳng hạn như dung dịch nước muối dùng cho kính áp tròng
  • Thuốc bôi da có chứa Calamine dùng cho các vết chích hoặc chất độc từ cây tầm xuân
  • Hydrocortisone dạng kem thoa, dạng mỡ hoặc dung dịch dùng cho những chỗ bị ngứa

Những thuốc khác

  • Thuốc giảm đau hạ sốt như aspirin, acetaminophen (hiệu Tylenol) hoặc ibuprofen (hiệu Advil, Motrin). (Lưu ý: không cho trẻ em và trẻ vị thành niên dùng aspirin vì thuốc này có mối liên quan đến một bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye ở trẻ dưới 18 tuổi)
  • Antihistamine (hiệu Benadryl) dùng để trị dị ứng và sưng tấy
  • Thuốc chống xung huyết để trị nghẹt mũi
  • Thuốc chống nôn để trị say tàu xe và các dạng nôn ói khác
  • Thuốc cầm tiêu chảy
  • Thuốc kháng acid để trị rối loạn tiêu hóa
  • Thuốc nhuận tràng để trị chứng táo bón

Hãy nghĩ và chuẩn bị thêm về bất kỳ nhu cầu đặc biệt nào khác của các thành viên trong gia đình bạn, chẳng hạn như nhu cầu của trẻ nhỏ hoặc người già cũng như về tình trạng dị ứng hoặc các bệnh tật khác của họ. Đồng thời, đừng quên bổ sung thêm vào hộp sơ cứu khi các dụng cụ thuốc men đã quá hạn sử dụng hoặc đã được dùng trong các lần trước.

Làm sao để sắm cho mình một hộp sơ cứu?

Bạn có thể đến Hội chữ thập đỏ cũng như các tiệm bán thuốc để tìm mua hộp sơ cứu đã được trang bị sẵn đầy đủ. Nên nhớ rằng để tận dụng được hiệu quả từ hộp sơ cứu, chúng ta phải biết được cách sử dụng chúng. Bạn có thể đăng ký học một khóa sơ cứu tại Hội chữ thập đỏ hoặc ít nhất là nên tự sắm cho mình một quyển sổ tay hướng dẫn sơ cứu cơ bản để tự học.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/prevention-wellness/staying-healthy/first-aid/first-aid-kit-essentials.html

Lượt xem: 490
Tác giả: BS. Phạm Ngọc Đan Thanh
Nguồn:yhoccongdong.com Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi