THƯỢC DƯỢC

Trong các loài hoa, mẫu đơn đứng đầu, Thược dược đứng thứ hai. Mẫu đơn được tôn xưng là "hoa vương", Thược dược được coi là "hoa tướng".

Trong các loài hoa, mẫu đơn đứng đầu, Thược dược đứng thứ hai. Mẫu đơn được tôn xưng là "hoa vương", Thược dược được coi là "hoa tướng". Tuy chỉ là "hoa tướng" nhưng Thược dược lại được sử dụng làm thuốc sớm hơn mẫu đơn. Hiện nay Thược dược trở thành thuốc bổ huyết thiết yếu, có phổ sử dụng rộng rãi và tần suất sử dụng rất cao.
Thược dược vốn là cây mọc tự nhiên ở một số tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Hà Bắc, Liêu Ninh, Sơn Đông ….(Trung Quốc). Hiện nay Thược dược đã được di thực vào Sa Pa nước ta, nhưng do là dược liệu dùng nhiều và phổ biến nên vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
Thược dược cho 2 loại dược liệu:

  • Bạch thược (Radix Paeoniae lactiflorae hay Radix Paeoniae albae) là rễ của cây Thược dược hoa trắng Paeonia lactiflora Pall. (Paeonia albilora Pall). Vị thuốc có sắc trắng nên có tên là Bạch thược.
  • Xích thược (Radix Paeoniae hay Radix Paeoniae rubrae) là rễ của 3 loài Thược dược khác nhau: Paeonia lactiflora Pall., Paeonia obovata Maxim, Paeonia veitchii Lynch, và một số loài khác nữa.

Tránh nhầm cây Thược dược làm thuốc với cây hoa Thược dược được trồng làm cảnh ở nước ta vào dịp tết, thuộc cây Dahlia variabilis Desf, họ Cúc (Asteraceae).



BẠCH THƯỢC


Tên gọi khác : Thược dược, Bạch thược dược, Mẫu đơn trắng.
Tên khoa học : Paeonia lactiflora Pall. (Paeonia albiflora Pall.)
Họ : Mẫu đơn (Paeoniaceae).

Bộ phận dùng :


Bạch thược là rễ phơi hay sấy khô của cây Thược dược. Vì vị thuốc có màu trắng nên có tên như vậy. Rễ thu hái từ cây 3-5 tuổi vào hè – thu, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, gọt bỏ vỏ ngoài, cho vào nước sôi, đun sơ qua, vớt ra, đảo hoặc lăn tròn rồi phơi hay sấy khô. Thường dùng củ có đường kính khoảng 1-2 cm, dài 10-15 cm, màu trắng hồng ít xơ. Thứ nhỏ, lõi màu đen sẫm là xấu.
Có khi tẩm giấm rồi sao qua hay sao cháy cạnh, hoặc tẩm rượu sao qua. Lúc chưa bào chế thì cần phải sấy lưu huỳnh, khi đã bào chế rồi cần để nơi khô ráo, tránh ẩm.

Mô tả cây
Cây thảo sống lâu năm, cao 50-80 m. Rễ củ to, mập mặt ngoài màu nâu, ruột màu trắng hoặc hồng nhạt. Thân nhẵn, mọc thẳng, lá mọc so le, có cuống dài, chia thành 3-7 thuỳ hình trứng hoặc mác thuôn, dài 8-12 cm, rộng 2-4 cm, đầu nhọn. Hoa to mọc riêng lẻ ở ngọn thân, gồm nhiều cánh màu trắng, nhị vàng. Mùa hoa tháng 5-7; mùa quả tháng 8-9.

Phân bố
Bạch thược thuộc loại cây bụi ưa ẩm và ưa sáng. Cây trồng từ hạt sau 4 hoặc 5 năm mới bắt đầu có hoa. Bạch thược rụng lá vào mùa đông, trên thân và cành có nhiều chồi ngủ. Đến khoảng giữa tháng 2 năm sau, từ các chồi ngủ nhanh chóng mọc ra cành và lá non mới. Mùa hoa bắt đầu vào giữa tháng 5, kéo dài từ 10 đến 15 ngày, song mỗi hoa chỉ nở trong vòng vài giờ, đến trưa đã bắt đầu tàn. Bên cạnh việc nhân giống bằng hạt, Bạch thược còn có khả năng mọc chồi từ gốc hoặc rễ của cây, chồi tách từ rễ củ có thể làm cây giống để trồng.

Thành phần hoá học
Thành  phần chính có tác dụng dược lý của Bạch thược gồm paeoniflorin (3,3 – 5,7 %), polysaccharid, proanthocyanidin, flavonoid, tannin, và acid benzoic (khoảng 1 %).
Nghiên cứu gần đây cho thấy dịch chiết ethanol/nước của Bạch thược chứa hơn 15 hợp chất glucosid (phần lớn là monoterpen glucosid) gồm paeoniflorin, albiflorin, oxypaeoniflorin, benzoylpaeoniflorin, oxybenzoyl-paeoniflorin, paeoniflorigenone, lactiflorin, galloylpaeoniflorin, paeonin, paeonolide, paeonol … Trong đó, paeoniflorin là hợp chất tan trong nước, chiếm hơn 90% tổng glucosid của Bạch thược và các nghiên cứu in vitro và  invivo cho thấy các  tác dụng dược động học của Bạch thược chủ yếu là do paeoniflorin. Vì vậy, hàm lượng paeoniflorin được dùng để chuẩn hoá dịch chiết glucosid của Bạch thược.

Một số công thức đại diện:


Tác dụng dược lý

  • Thành phần quan trọng nhất của Bạch thược là paeoniflorin đã được chứng minh có tác dụng chống co thắt một mạnh mẽ trên ruột động vật có vú, ức chế cơ trơn của dạ dày, ruột và tử cung của chuột; và cũng có tác dụng nhất định trong giảm đau, an thần, chống co giật, ức chế hệ thống thần kinh trung ương; nó cũng làm giảm huyết áp, làm giảm nhiệt độ cơ thể gây ra bởi sốt và bảo vệ chống loét stress. Ngày nay người ta đang nghiên cứu khám phá tiềm năng điều trị của  Paeoniflorin trong rối loạn nhận thức như bệnh mất trí nhớ do tuổi già.
  • Nhiều nghiên cứu đã cho thấy Bạch thược có tác dụng trong việc chống co thắt cơ, giảm đau và hạ sốt, chống viêm, chống tình trạng thiếu oxy, điều hoà miễn dịch, bảo vệ gan, cải thiện tuần hoàn máu của tim, mở rộng các mạch máu, ức chế tiểu cầu máu đông máu, chống u, điều hoà lượng đường trong máu, chống nhiễm khuẩn và chống lão hóa.
  • Do thành phần có acid benzoic nên Bạch  thược có tác dụng trừ đờm, chữa ho; lưu ý nếu uống với liều cao có thể sinh co quắp, cuối cùng mê sảng và chết.
  • Cao nước Bạch thược có tác dụng kháng khuẩn trên Shigella, Vibrio cholerae, Staphylococcus, Salmonella, Pneumoccus, và Corynebacterium diphtheriae.
  • Nước sắc Bạch thược ở nồng độ thấp gây ức chế co bóp ruột thỏ cô lập, nồng độ cao lúc đầu hưng phấn, sau ức chế.
  • Cao methanol 50 % và hoạt chất paeoniflorin có tác dụng anticholinergic trên chuột cống trắng in vivo mà biểu hiện là tác dụng chống co thắt, chống tiêu chảy. Ngoài ra còn có tác dụng giảm đau.


Công dụng
Trong cuộc sống

  • Bạch thược 30 g, Đương quy 15 g, Gừng tươi 15 g, thịt dê 1 kg, nước vừa đủ. Sau khi hầm vừa thì chế thêm gia vị, ăn thịt dê và uống nước hầm khi còn ấm. Công dụng: Khứ ứ, thống kinh, giảm đau. Dùng cho người bị đau bụng sau sinh nở do huyết hư, phong tà xâm nhập, kinh lạc ứ trệ gây nên.
  • Gà ác 1 con, Sinh địa 15 g, Bạch thược 10 g, Xuyên khung 8 g. Gà cho vào hầm nhừ. Các vị thuốc thái nhỏ ngâm trong 1/2 cốc rượu sau đó cho vào gà, tiếp tục hầm nhừ, ăn nóng. Dùng thích hợp cho người bệnh thiếu máu.

Trong đông y
Tính vị, quy kinh: Bạch thược có vị đắng chua, hơi chát, vào 3 kinh can, tỳ, phế,
Công năng, chủ trị: Bình can, chỉ thống, dưỡng huyết, điều kinh, liễm am, chỉ hàn, tiêu viêm, làm mát, lợi tiểu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng từ 6 - 12 g hoặc 15 – 30 g nếu cần, dùng dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Không nên phối hợp vị thuốc này với Lê lô.

Các bài thuốc đông y
Từ xa xưa, đông y đã sử dụng Bạch thược trong các bài thuốc bổ huyết, điều trị nám da, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, kinh nguyệt quá nhiều, đổ mồ hôi nhiều, đau ở ngực, bụng, tay chân, đau dạ dày, đau đầu và chóng mặt. Bạch thược còn được dùng điều trị chứng co giật cơ đùi cẳng chân.

  • Nếu để sống: có tác dụng mát dịu, chữa đau cơ bắp, nhức đầu, hoa mắt, trị tả lỵ, cảm mạo, giải nhiệt, tiểu tiện khó, mồ hôi trộm…
  • Nếu sao vàng: Chữa các chứng bệnh về máu huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh.
  • Nếu sao cháy cạnh: Chữa băng huyết.
  • Chữa chứng táo bón kinh niên: Bạch thược 24 – 40 g, Cam thảo 10 – 15 g. Tất cả sắc lấy nước uống, chia 2 – 3 lần trong ngày. Thường uống 2 – 4 thang là khỏi. Nếu là táo bón kinh niên cần uống mỗi tuần 1 thang nhắc lại.
  • Chữa loét dạ dày: Bạch thược 15 – 20 g, Cam thảo 12 – 15 g; nếu tỳ vị hư hàn, cho thêm Đảng sâm, Hoàng kỳ mỗi vị 12 g, Phục linh 20 g, Can khương 10 g. Sắc lấy nước uống.
  • Chữa các chứng đau bụng: Sài hồ 6 g, Bạch thược 12 g, Chỉ thực 6 g, Chích Cam thảo 4 g, sắc uống trong ngày. Trường hợp kiết lị đau bụng mót rặn dùng Bạch thược 24 g, Hoàng cầm 12 g, Xuyên liên 6 g, Đại hoàng 8 g (cho sau), Mộc hương 8 g (cho sau), Binh lang 8 g, Đương quy 12 g, Quế nhục 2 g, Cam thảo 4 g. Tất cả sắc uống.
  • Chữa rối loạn kinh nguyệt: Bạch thược 12 g, Đương quy 12 g, Hương phụ chế 8 g, Sinh địa 10 g, Sài hồ 10 g, Xuyên khung 10 g, Thanh bì 6 g, Cam thảo 3 g, sắc uống ngày 1 thang trị đau bụng kinh. Hay bài “Tứ vật thang” gồm Thục địa 20 g, Đương quy 12 g, Bạch thược 12 g, Xuyên khung 6 – 8 g. Nếu khí hư gia Đảng sâm, Hoàng kỳ để bổ khí huyết, nếu ứ huyết nặng gia thêm Đào nhân, Hồng hoa để tăng tác dụng hoạt huyết hóa ứ.
  • Chữa chứng co giật cơ: Bạch thược 16 g, Cam thảo 16 g. Tất cả sắc uống ngày 1 thang. Có thể dùng thêm bài thuốc: Bạch thược 30 g, Quế chi 15 g, Cam thảo 15 g, Mộc qua 10 g, sắc uống ngày 1 thang. Cần uống 3 – 5 thang có kết quả.
  • Chữa chứng can âm bất túc sinh ra váng đầu, hoa mắt, ù tai, cơ bắp run giật, chân tay tê dại: Dùng bài: “Bổ can thang” trích trong “Y tông kim giám”. Gồm Bạch thược 20 g, Đương quy 16 g, Thục địa 16 g, Táo nhân 20 g, Mạch môn 12 g, Xuyên khung 8 g, Mộc qua 8 g, Cam thảo 4 g. Sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

    





 


Mô tả: Rễ củ hình trụ tròn, thẳng hoặc hơi uốn cong, hai đầu phẳng, dài 5 - 18 cm, đường kính 1,0 - 2,5 cm. Mặt ngoài hơi trắng hoặc đỏ hơi nâu nhạt, nhẵn hoặc đôi khi có nếp nhăn dọc và vết tích của rễ nhỏ. Đôi khi còn vỏ ngoài màu nâu thẫm. Chất rắn chắc, nặng, khó bẻ gãy. Mặt cắt phẳng màu trắng ngà hoặc đỏ nâu nhạt. Tầng phát sinh libe - gỗ rõ, các tia xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng, hơi chua.


Soi bột: Bột màu trắng hơi vàng. Soi kính hiển vi thấy: Các khối tinh bột bị hồ hóa. Tinh thể calci oxalat đường kính 11 - 35 µm xếp thành hàng hay rải rác trong tế bào mô mềm; mạch mạng có đường kính 20 - 65 µm. Sợi gỗ dài, đường kính 15 - 40 µm, thành dày hơi hóa gỗ.
 


Định tính: Bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng, dược liệu phải có vết paeoniflorin.
Mất khối lượng do làm khô: Không quá 14,0 %.
Tro toàn phần: Không quá 4,0 %.
Kim loại nặng: 
Chì (Pb) không quá 5 ppm
Cadimi (Cd) không quá 0,3 ppm
Arsen (As) không quá 2 ppm
Thủy ngân (Hg) không quá 0,2 ppm
Đồng (Cu) không quá 20 ppm.
Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 22,0 %.
Định lượng: Không ít hơn 1,6 % paeoniflorin (C23H28O11), tính theo dược liệu khô kiệt.

 

XÍCH THƯỢC

 

Tên gọi khác : Thược dược, Xuyên Thược dược, Mẫu đơn đỏ.

Tên khoa học : Paeonia lactiflora Pall., Paeonia obovata Maxim, Paeonia veitchiiLynch.

Họ : Mẫu đơn (Paeoniaceae).
 

Bộ phận dùng :    

Xích thược (Radix Paeoniae rubrae) là rễ phơi hay sấy khô của 3 loài Thược dược:

  • Thược dược (Paeonia lactiflora Pall.) đã mô tả ở trên. Nhưng là loài Thược dược mọc hoang, củ nhỏ bé hơn dùng chế thành Xích thược.
  • Thảo Thược dược (Paeonia obovata Maxim.). Cây này cũng mọc hoang, rễ phát triển thành củ có vỏ màu nâu đỏ.
  • Xuyên Xích thược (Paeonia veitchii Lynch).

Tất cả Xích thược đều do cây mọc hoang cung cấp, vào các tháng 3-5 hay các tháng 5-10 đào về, trừ bỏ thân rễ và rễ nhỏ, chia thành từng rễ to nhỏ riêng biệt, rửa sạch đất cát, phơi khô. Có thể ủ mềm thái mỏng để dùng sống; có thể tẩm rượu hay tẩm giấm sao.

Phân bố
Xích thược có xu hướng phân bố từ đông bắc đến tây nam của Trung Quốc. Loài lactiflora mọc hoang ở phía đông bắc, nơi có nhiệt độ và lượng mưa thấp khoảng 340 – 680 mm, trải dài từ Hắc Long Giang, Nội Mông, Liêu Ninh, Hà Bắc, đến Ninh Hạ, Sơn tây và Thiểm tây. Loài veitchii phân bố chủ yếu ở phía tây nam nơi có nhiệt độ và lượng mưa cao khoảng 560 – 1200 mm, từ Thiểm Tây đến Tứ Xuyên, Trùng Khánh.

Thành phần hoá học
Như Bạch thược, gồm paeoniflorin , polysaccharid, proanthocyanidin, flavonoid, tannin và acid benzoic.

Tác dụng dược lý 
Xích thược có tác dụng chống oxy hóa trong ống nghiệm, có thể do sự hiện diện của paeoniflorin, proanthocyanidin và flavonoid. Polysaccharid tìm thấy trong Xích thược đã có khả năng kích thích các tế bào miễn dịch trong ống nghiệm.
Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng Xích thược, dùng một mình hoặc kết hợp với các loại dược liệu khác, có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương gan do chất độc hóa học. Một nghiên cứu sơ  bộ cho thấy dịch chiết của Xích thược có thể giảm xơ gan ở một số bệnh nhân viêm gan siêu vi mãn tính.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm và trên thỏ cho thấy dịch chiết của Xích thược và 1 số dược liệu khác có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, huyết khối, đông máu và giảm cholesterol trong động mạch chủ. Điều này cho thấy Xích thược có thể hữu ích trong phòng chống xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng là cần thiết để xác nhận tác dụng này.


Công dụng
Trong cuộc sống

  • Chữa chảy máu cam: Xích thược tán nhỏ. Mỗi lần uống 6-8 g.
  • Chữa băng huyết bạch đới: Xích thược, Hương phụ hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6- 8 g. Ngày uống 2 lần. Uống trong 4-5 ngày.
  • Trị đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Xích thược 40 g. Sắc uống ngày 3 lần.


Trong đông y
Tính vị, quy kinh: Xích thược có vị chua, đắng, tính hơi hàn, vào phần huyết của kinh can.
Công năng, chủ trị: Tán ác huyết, tả can hoả. Xích thược có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc tiêu ung chỉ thống. Dùng sống: tán tà, hành huyết. Tẩm rượu sao: trị thổ huyết, đổ máu cam. Tẩm giấm sao: trị kinh bế, đau bụng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng từ 6 - 12 g hoặc 15 – 30 g nếu cần, dùng dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Không nên phối hợp vị thuốc này với Lê lô.
Trị sốt do ngoại tà xâm nhập: phát ban, nôn ra máu, chảy máu cam, chất lưỡi đỏ thẫm: Xích thược phối hợp với Sinh địa hoàng và Mẫu đơn bì.
Trị huyết ứ: rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, viêm cấp có sưng nóng đỏ đau do ngoại thương: Xích thược phối hợp với Xuyên khung, Ðương qui, Ðào nhân và Hồng hoa.
Trị mụn nhọt: Xích thược phối hợp với Kim ngân hoa và Liên kiều.

Các bài thuốc đông y

  • Đối với các chứng đau: do ứ huyết đều dùng Xích thược có kết quả tốt. Trường hợp bụng dưới, vùng thắt lưng đau do nhiệt huyết ứ như: phụ nữ tắt kinh bụng đau, phối hợp Đào nhân, Hồng hoa, Quy vĩ. Nam giới viêm tuyến tiền liệt mạn tính (thực chứng) phối hợp Bồ công anh, Bại tương thảo dùng bài Thang tuyến tiền liệt gồm: Xích thược 20 g, Bồ công anh 40 g, Bại tương thảo 20 g, Đào nhân 8 g, Vương bất lưu hành 8 g, Đơn sâm 8 g, Trạch lan 8 g, Nhũ hương 8 g, Xuyên luyện tử 8 g, sắc uống.
  • Chữa thoái hóa đốt sống cổ thể khí huyết đều hư, huyết ứ, triệu chứng thường gặp là đau đầu, gáy khó cử động, tay chân yếu, nhất là ở các đầu ngón tay, vai và tay tê, mệt mỏi, mất ngủ, hay mơ, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, chóng mặt, tim hồi hộp, hơi thở ngắn, da mặt xanh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng: Hoàng kỳ 18 g, Kê huyết đằng 15 g, Xích thược, Bạch thược mỗi loại đều 12 g, Quế chi, Cát căn mỗi loại đều 9 g, Sinh khương 6 g, Táo 4 trái.
  • Chữa ứ huyết do chấn thương: đau sưng dùng phối hợp với Nhũ hương, Một dược, Đào nhân, Quy vĩ . Trường hợp chấn thương sọ não có di chứng đau đầu, phối hợp Xuyên khung, Bạch chỉ, Đương qui, Khương hoạt.
  • Chữa liệt nửa người: Sinh Hoàng kỳ 40 – 100 g, Quy vỹ 8 – 12 g, Xích thược 6 – 8 g, Địa long 4 g, Xuyên khung 8 g, Đào nhân 8 g, Hồng hoa 8 g, sắc nước uống. Thuốc có tác dụng bổ khí hoạt huyết thông lạc.
  • Trị đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Xích thược 20 g, Giáng hương 20 g, Hồng hoa 20 g, Đơn sâm 40 g, Xuyên khung 40 g. Tán bột mịn hòa nước uống chia 3 lần trong ngày, liên tục dùng 4 tuần là một liệu trình.
  • Trị nhồi máu não cấp: phối hợp với một số vị thuốc chế dịch truyền tĩnh mạch.
  • Trị mất ngủ: Cam thảo, Trần bì, Thanh bì, Hương phụ, Đào nhân, Xích thược, Vỏ trắng cây Dâu: mỗi vị 15 g; Sài hồ, Mộc thông, Bán hạ, Đại phục bì, Tô tử: mỗi vị 10 g. Ngày 1 thang.
  • Trị thủy đậu: Liên kiều 6 g, Đương quy 8 g, Xích thược 6 g, Phòng phong 6 g, Ngưu bàng 4 g, Thuyền thoái 3 g, Mộc thông 3 g, Hoạt thạch 8 g, Cù mạch 6 g, Kinh giới 8 g, Sài hồ 6 g, Hoàng cầm 6 g, Sơn chi 3 g, Thạch cao 6 g, Xa tiền tử 4 g, Đăng tâm thảo 6 g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần. Nếu trẻ tiểu tiện vàng sẻn, nốt đậu ngứa ngáy dùng: Liên kiều 4 g, Kim ngân hoa 4 g, Bạc hà 4 g, Nhân trần 6 g, Xích thược 3 g, Đại thanh diệp 6 g, Sinh chi tử 3 g. Sắc uống ngày một thang.
  • Trị ung nhọt mới mưng mủ: Chích Xuyên sơn giáp 8 – 12 g, Bạch chỉ 8 – 12 g, Thiên hoa phấn 8 – 12 g, Cam thảo 4 – 8 g, Tạo giác thích sao 8 – 12 g, Quy vĩ 8 – 12 g, Xích thược 12 g, Nhũ hương, Một dược, Phòng phong, Trần bì mỗi thứ 6 – 8 g, Bối mẫu 8 – 12 g, Kim ngân hoa 12 – 20 g, sắc nước hoặc nửa rượu nửa nước uống.

 
Tiêu chuẩn: Đạt Tiêu chuẩn Dược Điển Trung Quốc 2010
Mô tả: Rễ củ hình trụ tròn, hơi uốn cong, dài 5 - 40 cm, đường kính 0,5 - 3,0 cm. Mặt ngoài màu nâu, thô, có vân nhăn và rãnh dọc, có vết của rễ con và lỗ vỏ nhô lên theo chiều ngang, đôi khi lớp vỏ ngoài dễ bị tróc. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ màu trắng phấn hoặc hồng, vỏ hẹp, gỗ có vân xuyên tâm rõ, đôi khi có khe nứt. Mùi nhẹ, vị hơi đắng, chua và chát.
Vi phẫu: Lớp bần gồm vài hàng tế bào màu nâu. Tế bào mô mềm của vỏ dạng kéo dài ra theo hướng tiếp tuyến. Libe tương đối hẹp. Tầng phát sinh xếp thành một vòng. Tia gỗ tương đối hẹp, mạch gỗ xếp theo hướng xuyên tâm, kèm theo có các sợi gỗ. Các tế bào mô mềm chứa các cụm tinh thể calci oxalat và hạt tinh bột.
Định tính: Bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng, dược liệu phải có vết paeoniflorin.
Định lượng: Không ít hơn 1,8 % paeoniflorin (C23H28O11), tính theo dược liệu khô kiệt.

Lượt xem: 932
Tác giả: ThS. Minh Thuận
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi