QUẾ NHỤC

Loại Quế này mọc và trồng nhiều tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trug Quốc, ta cũng có loại quế này thuộc loại Quế tốt thứ hai trên thế giới sau loại quế quan của Sri Lanka. ...

Tên khác: Ngọc Thụ, Quế đơn, Quế bì, Ngọc quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), Quế thanh,…

Tên khoa học: Cinnamomum cassia Presl.

Họ: Thuộc họ Long não (Lauraceae).

Bộ phận dùng:

Vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến và phơi khô (Cortex Cinnamomi) của cây Quế Cinnamomum cassia Presl. hoặc một số  loài quế khác (Cinnamomum zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii Nees.)


Hình 1: Quế nhục (vỏ thân, vỏ cành)
 

MÔ TẢ CÂY

Cây gỗ vừa cao 15 – 20 m. Thân non màu xanh có nhiều khía dọc và lông mịn, tiết diện hình chữ nhật; thân già màu xám đen có nhiều nốt sần, tiết diện tròn. Toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc cách, các lá gần ngọn gần như mọc đối, không có lá kèm. Phiến lá hình bầu dục, đầu và gốc nhọn, dài 20 – 25 cm, rộng 8 – 9 cm, cứng giòn; mặt trên bóng láng, màu xanh đậm hơn mặt dưới; bìa phiến nguyên. Hệ gân lá có 3 gân chính gồm 1 gân giữa 2 gân bên nỗi rõ ở hai mặt; cặp gân bên hình cung, xuất phát cách gốc lá 0,5 – 1 cm, cách bìa phiến 1,5 – 2 cm, chạy dọc tới ngọn, gân phụ nhiều, hình mạng lưới, không rõ. Cuống lá mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn, màu xanh pha xám, dài 2 – 2,5 cm. Cụm hoa xim 2 ngả tụ thành chùm, mọc ở nách lá hay ngọn cành; cuống cụm hoa hình trụ dài 10 – 12 cm, màu xanh, có nhiều lông mịn. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 3. Lá bắc và lá bắc con dạng vẩy tam giác màu xanh, có nhiều lông mịn, rụng sớm; lá bắc dài 1 – 2 mm, lá bắc con dài 0,4 – 0,6 mm. Cuống hoa hình trụ dài 0,3 – 0,4 cm, màu xanh, có nhiều lông mịn. Bao hoa 6 phiến hình bầu dục hơi nhọn ở đầu, màu vàng xanh, đều, rời, có nhiều lông mịn, dài 0,2 – 0,3 cm, rộng 0,2 – 0,3 cm, xếp xen kẽ nhau trên 2 vòng, tiền khai van. Bộ nhị 4 vòng xếp xen kẽ nhau, mỗi vòng 3 nhị dài 1,2 – 2 mm, rộng 0,4 – 0,5 mm, vòng trong cùng nhị lép; 3 vòng nhị ngoài chỉ nhị hình bản gốc có nhiều lông mịn, 4 ô phấn hình bầu dục dài xếp chồng lên nhau, mở bằng nắp bật lên, 2 vòng nhị ngoài hướng trong; riêng vòng nhị thứ 3 đáy chỉ nhị có 2 tuyến nhỏ hình khối màu vàng, bao phấn hướng ngoài; vòng nhị lép chỉ nhị hình bản dài 0,4 – 0,5 mm, rộng 0,3 – 0,4 mm, phía trên là khối màu vàng hình mũi tên dài 0,4 – 0,5 mm. Hạt phấn hình cầu đường kính 25 – 35 µm, nhẵn. Lá noãn 1, bầu giữa 1 ô, 1 noãn đính nóc; bầu màu xanh, hình bầu dục dài 0,9 – 1 mm, nằm tự do trong đế hoa lõm hình chén; vòi nhụy dài 1,5 – 2 mm, đính ở đỉnh bầu, đầu nhụy dạng điểm màu nâu. Quả hình cầu đường kính 2 – 3 mm, màu xanh, nàm trên 1 đấu nguyên.

PHÂN BỐ

Loại Quế này mọc và trồng nhiều tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trug Quốc, ta cũng có loại quế này thuộc loại Quế tốt thứ hai trên thế giới sau loại quế quan của Sri Lanka.

Ở nước ta Quế có nhiều ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có 4 vùng trồng quế tập trung là: Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi.

THU HOẠCH, SƠ CHẾ

Vào tháng 4 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10, chọn những cây quế sống 5 năm trở lên để bóc vỏ (cây sống càng lâu càng tốt). Trước khi bóc, lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách khoảng 40 cm đến 50 cm buộc một vòng để cắt cho đều. Dùng dao nhọn cắt đứt phân nửa thân hoặc cành, rồi cắt dọc từng đoạn. Mỗi lần lấy vỏ, chỉ lấy một nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh. Sau đó lấy que nứa đã vót nhọn và mỏng lách vào khe, tách vỏ quế ra, để riêng từng loại. Chú ý khi bóc vỏ quế không được làm sót lại gỗ vì như vậy quế sẽ giảm giá trị.

Vỏ quế to dày phải ủ, ngâm nước một ngày, rửa sạch, để ráo nước. Lấy lá chuối tươi, hơ mềm lót quanh sọt dày độ 5 cm, xếp vỏ quế vào đầy sọt, đậy bằng lá chuối (cũng dày 5 cm). Buộc chặt để 3 ngày (mùa nóng) hoặc 7 ngày (mùa lạnh), hàng ngày đảo trên xuống dưới, dưới lên trên cho nóng đều. Dỡ quế ở sọt ra, đem ngâm nước 1 giờ nữa. Vớt ra đặt lên phên nứa, lấy một phên nứa khác đè lên, ép cho phẳng, để chỗ khô mát đến khi quế se. Lấy từng thanh quế, buộc ép vào ống nứa tròn thẳng (để cho dáng thẳng và đẹp), trong thời gian buộc ép như vậy, hàng ngày mở ra hai lần, lau chùi mặt trong cho bóng, rồi lại buộc vào. Cứ làm như vậy hàng ngày cho đến khi khô là được. Thời gian ủ quế đến khi hoàn tất phải mất 15 ngày đến 16 ngày (mùa nóng) hoặc 1 tháng (mùa mưa) và có khi hơn.

Vỏ thân, cành, thu hái vào mùa hạ, mùa thu. ủ hoặc để nguyên cho khô dần ở chỗ râm mát, thoáng gió. Có thể cất lấy tinh dầu.

THÀNH PHN HÓA HỌC:

Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế khá cao (1,0 – 4,0 %), còn trong lá và cành non thường thấp (0,3 – 0,8 %). Tinh dầu từ vỏ có màu vàng nâu nhạt, sánh, vị cay, thơm, ngọt, nóng, nặng hơn nước; với thành phần chính là (E) – cinnamaldehyde (70 – 95 %); không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o – methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin. Ngoài ra, trong vỏ quế còn chứa tanin, chất nhựa, đường, calci oxalat, coumarin và chất nhầy…


Hình 3: Hoạt chất chính của Quế nhục.

​TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Cinnamaldehyde có tác dụng ức chế trung khu thần kinh, an thần. giảm đau và giải nhiệt. bên cạnh đó, cinnamaldehyde còn có tác dụng làm giảm co giật và tử vong đối với súc vật do tiêm quá liều strychnin. Dầu vỏ quế là thuốc thơm kiện vị trừ phong, có tác dụng kích thích nhẹ dạ dày và ruột. Thuốc có tác dụng tăng tiết nước bọt và dịch vị tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm co thắt cơ trơn nội tạng, làm dịu cơn đau bụng do co thắt ruột. Ngoài ra, cinnamaldehyde còn có tác dụng ức chế sự hình thành loét bao tử ở chuột do kích thích.

Tác dụng lên hệ tim mạch: nước sắc quế nhục làm tăng lưu lượng máu động mạch vành tim cô lập của chuột lang, cải thiện được thiếu máu cơ tim cấp của thỏ do pituitrin gây nên.

Tác dụng kháng khuẩn: trên ống nghiệm, quế nhục có tác dụng ức chế mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gram (+), mạnh hơn đối với gram (-), ức chế cả đối với nấm gây bệnh.

CÔNG DỤNG

Trong đông y

Tính vị, quy kinh:

Quế nhục co khí thơm, vị cay ngọt, tính nhiệt. Qui vào các kinh Thận, Tỳ, Tâm, Can, kỵ lửa, kỵ hành sống và Xích thạch chi.

Công năng, chủ trị:

Bổ hỏa trợ dương tán hàn, chỉ thống, hoạt huyết thông kinh. Chủ trị: Lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn (đái không thông lợi, đái nhiều lần).

Liều dùng:

Ngày dùng từ 1 g đến 4 g, dạng thuốc hãm, hoặc thuốc hoàn tán.

Có thể dùng bột quế nhục với các dạng: bột quế 0,05 – 4 g/ngày. Rượu quế 5 – 15 g/ngày. Siro quế 30 – 60 g/ngày (đối với quế Sri Lanka, do có tác dụng nhẹ hơn).

Chú ý khi sử dụng:

Không nên sắc chung Quế nhục với Xích thạch chi, vì sắc chung: Xích thạch chi làm cho thành phần hữu hiệu của Nhục quế trong nước sắc giảm. Cho nên không nên sắc chung, mà hoặc sắc trước Xích thạch chi bỏ xác xong cho Quế vào hoặc sắc riêng Quế rồi trộn uống hoặc bột Quế hòa thuốc uống.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " Lợi can phế khí, tâm phúc hàn nhiệt, lãnh cập, hoắc loạn chuyển cân, đầu thống, yêu thống. Thuốc làm ra mồ hôi, giảm bứt rứt, trị chảy nước miếng, ho, tắc mũi, làm mạnh khớp xương, thông huyết mạch, thuốc có thể sẩy thai".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Nhục quế là thuốc trị chứng hàn ngưng bên trong. Phàm các chứng nguyên dương hư bất túc mà vong dương quyết nghịch, hoặc tâm phúc yêu thống mà nôn, tả; hoặc tâm thận hư hàn lâu ngày; hoặc vị hàn có lãi đũa (hồi trùng) gây đầy trướng vùng mõm ức; hoặc khí huyết hàn ngưng mà kinh mạch không thông đều dùng tốt, thuốc làm tăng khí của tâm thận, khiến cho dương trưởng thì âm tự tiêu, thuốc tráng dương mệnh môn".
  • Sách Y học Trung trung tham tây lục: " Phụ tử, Nhục quế đều có vị cay nóng đều có tác dụng bổ nguyên dương, nhưng nếu nguyên dương muốn thóat, thì nên dùng Phụ tử mà không dùng Nhục quế; vì Phụ tử vị đậm, còn Nhục quế khí vị đều đậm (mạnh), vừa bổ ích lại vừa tẩu tán, cho nên trong sách Thương hàn luận của Trọng Cảnh, các bài thuốc trị chứng Thiếu âm đều dùng Phụ tử mà không dùng Nhục quế. Nhục quế không nên sắc lâu, nên tán bột uống vì sắc lâu dược lực giảm".

Trong cuộc sống:

1. Trị đau bụng tiêu chảy kéo dài do thận dương hư, tỳ vị hư hàn hoặc tỳ thận dương hư:

  • Tam khí đơn: Nhục quế 3 g, Lưu hoàng 3 g, Hắc phụ tử 10 g, Can khương 3 g, Chu sa 2 g, chế thành viên, mỗi lần uống 3 g ngày 2 lần với nước sôi ấm. Trị chứng nôn ỉa nhiều, quyết nghịch hư thoát.
  • Quế linh hoàn: Nhục quế 3g, Mộc hương 3 g, Can khương 5 g, Nhục đậu khấu, Chế phụ tử đều 9 g, Đinh hương 3 g, Phục linh 9 g, chế thành hoàn mỗi lần uống 8 g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng tiêu chảy do tỳ thận dương hư.

2. Trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư chân tay lạnh, tiểu ít chân phù:

  • Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương): Can địa hoàng 15 g, Sơn dược 12 g, Sơn thù 6 g, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12 g, Nhục quế 4 g, Phụ tử 10 g, Xuyên Ngưu tất 12 g, Xa tiền tử 15 g, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15 g, ngày uống 2 - 3 lần.

3. Trị chứng bụng đau, phụ nữ có kinh đau bụng do hư hàn:

  • Nhục quế tán bột mịn, mỗi lần uống 3 – 4 g với nước ấm hoặc rượu càng tốt.
  • Lý âm tiễn: Thục địa 16 g, Đương qui 12 g, Nhục quế 5 g, Can khương 5 g, Cam thảo 4 g, sắc uống. Trị phụ nữ đau bụng kinh.

4. Trị đau thắt lưng: Châu Quảng Minh dùng bột Nhục quế trị đau lưng do thận dương hư 102 ca, gồm có viêm cột sống do phong thấp, viêm cột sống dạng thấp, đau do chấn thương và đau lưng chưa rõ nguyên nhân. Mỗi lần uống 5 g ngày 2 lần, liệu trình 3 tuần. Tỷ lệ có kết quả 98 %. Những ca có xương tăng sinh chụp lại X quang đều không thay đổi nhưng đau giảm hoặc hết. Uống thuốc có tác dụng phụ là khô mồm, táo bón (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984, 2:115).

5. Trị vảy nến, mề đay: Truyền thế Trân dùng chất chiết xuất của Nhục quế trị 19 ca vẩy nến và 23 ca mề đay, mỗi lần uống 25 – 50 mg (1 - 2 viên) ngày uống 3 lần, đối với vẩy nến uống liên tục 4 - 8 tuần, mề đay sau khi hết uống tiếp 5 -14 ngày. Kết quả:

  • Vẩy nến 19 ca khỏi 7 ca, kết quả tốt 2 ca, tiến bộ 7 ca, không kết quả 3 ca, tỷ lệ kết quả 84,1 %.
  • Mề đay 23 ca, khỏi 11 ca, tốt 9 ca, tiến bộ 1 ca, không kết quả 2 ca, tỷ lệ kết quả 91,2 % (Học báo Y học viện Hà nam 1981, 2:385).

6. Trị nhiễm độc phụ tử: theo kinh nghiệm dân gian, tác giả đã dùng Nhục quế trị nhiễm độc Phụ tử cấp. Dùng Nhục quế 5 – 10 g ngâm nước uống, sau khi uống 5 - 15 phút, bệnh nhân nôn, sau 15 - 30 phút các triệu chứng giảm. Nếu không giảm tiếp tục uống 3 – 5 g cách uống như trên. Theo báo cáo của bệnh nhân, sau khi uống thuốc 15 - 30 phút, có cảm giác tim đập mạnh hơn, chân tay ấm lại, cảm giác tê ở môi lưỡi và chân tay giảm dần (Báo Tân Trung y 1987, 5:53).

Trong y học hiện đại:

Dựa trên bài thuốc BÁT VỊ HOÀN (trích theo Hải thượng y tông tâm lĩnh), công ty Cổ Phần Dược Phẩm OPC đã ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại theo chuẩn GMP-WHO phát triển nên 2 chế phẩm HOÀN BÁT VỊ BỔ THẬN DƯƠNGKIDNEYCAP. Chế phẩm là sự phối hợp của Quế nhục với các dược liệu thiên nhiên đứng đầu trong nhóm phối hợp điều hòa âm dương như Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Phụ tử chế, Mẫu đơn bì, Phục linh, đặc biệt hiệu quả dùng cho người thận dương yếu, váng đầu, ù tai, đau lưng mỏi gối, nửa người dưới thường lạnh, hay đi tiểu đêm, mồ hôi trộm.

Ngoài ra, Sản phẩm THẬP TOÀN ĐẠI BỔ của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC với thành phần gồm có Bạch thược, Hoàng kỳ, Quế  nhục, Đảng sâm, Cam thảo, Phục linh, Bạch truật, Thục địa, Đương quy, Xuyên khung có tác dụng bồi bổ khí huyết, trị chứng thiếu máu và dùng trong các trường hợp toàn thân suy nhược do các bệnh mãn tính, ăn uống kém ngon, phụ nữ sau khi sanh,…

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Cinnamomum cassia: Mảnh vỏ thường được cuộn tròn thành ống, dài 5 cm đến 50 cm, ngang 1,5 cm đến 10 cm, dày 1 mm đến 8 mm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá (không nhìn thấy ở vỏ đã hóa bần dày). Mặt trong màu nâu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy; mặt bẻ không nhẵn, có xơ. Mặt cắt ngang có hai lớp: lớp ngoài màu vàng nâu, hơi thô ráp, lớp trong màu nâu đỏ, có xơ ngắn; Có một vòng màu nâu hơi vàng giữa hai lớp. Mùi thơm, vị cay ngọt, sau tê nhẹ.

Ở loài quế Cinnamomum zeylanicum, vỏ thường mỏng hơn vỏ của loài Cinnamomum cassia, lớp trong màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ.

Ở loài quế Cinnamomum loureirii, lớp bần màu nâu  ngoài cùng có thể bị cạo bỏ nên chỉ còn một lớp màu nâu hơi đỏ hay nâu sẫm, mùi rất thơm, thể chất giòn, dễ bẻ, vết bẻ có xơ.


Hình 4: Quế nhục (Cinnamomi Cortex)

Vi phẫu

Ngoài cùng là bần gồm nhiều lớp tế bào xếp thành hàng, khá dày, có nhiều chỗ bị bong ra hoặc nứt rách. Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình nhiều cạnh hoặc có dạng chữ nhật nằm ngang, thành mỏng chứa hạt tinh bột rất nhỏ. Rải rác trong mô mềm có tế bào tiết tinh dầu, tế bào tiết chất nhầy, tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ. Sát lớp bần có tế bào mô cứng xếp riêng lẻ hay các đám mô cứng xếp thành từng cụm, tế bào hình nhiều cạnh hoặc thuôn dài với thành dày đều đặn. Một số tế bào mô cứng có thành dày theo hình chữ U. Sát libe là vòng mô cứng gần như liên tục với tế bào có thành dày, khoang hẹp. Lớp libe cấp 2 phát triển nhiều, gồm tế bào thành mỏng xen lẫn với một số tế bào biến thành sợi có thiết diện vuông hoặc hơi tròn, thành dày, nằm rải rác. Libe cấp 2 bị tia tủy gồm từ 1 đến 5 dãy tế bào chia cắt thành từng cụm, nhiều tia tủy phát triển rộng ra đến mô mềm vỏ, chứa tinh thể calci oxalat hình kim. Rải rác trong libe còn có tế bào tiết tinh dầu, tế bào tiết chất nhầy, tế bào chứa tinh bột như trong mô mềm vỏ.


Hình 5: Vi phẫu cắt ngang Quế nhục

Trong đó:
A – Hình dạng tổng quát (Sketch)
B – Vi phẫu cắt ngang rễ (Section illustration)
C – Lớp trong cùng của lơp bần phía trong chất gỗ (The innermost layer of cork cell)
D – Các nhóm tế bào đá trong lớp trụ bì (Groups of stone cell at pericycle)
E – Những vết tế bào chứa tinh thể calci oxalat hình kim (Ray cells containing raphides of calcium oxalate)
F – Những bó sợi (Fibres)

1. Lớp bần (Cork)
2. Mô mềm vỏ (Cortex)
3. Trụ bì (Pericycle)
4. Libe (Phloem)
5. Tinh thể calci oxalat hình kim (Raphides of calcium oxalate)
6. Bó sợi (Fibre)
7. Tế bào chứa tinh dầu(Oil cell)
8. Sợi libe(Phloem ray)

Bột

Bột màu vàng nâu hoặc nâu sẫm, mùi thơm, vị cay, hơi ngọt.

Nhiều sợi màu vàng nhạt, dài 200 μm đến 400 μm, đường kính 20 μm đến 50 μm, thành dày, khoang hẹp. Tế bào mô cứng gồm hai loại: một loại hình trái xoan hay chữ nhật, thành dày, khoang rộng hay hẹp, có ống trao đổi rõ; một loại tế bào có thành dày lên hình chữ U, khoang hẹp hơn, ống trao đổi rõ. Các tế bào mô cứng thường đứng riêng rẽ hoặc tụ thành từng đám, dài 60 μm đến 120 μm, rộng 30 μm đến 50 μm. Mảnh mô mềm, tế bào thành mỏng, trong chứa hạt tinh bột. Hạt tinh bột nhỏ, hình nhiều cạnh hoặc hơi tròn, đường kính 6 μm đến 15 μm, đứng riêng rẽ hoặc kép đôi, kép ba. Tinh thể calci oxalat hình kim thường bị gãy thành đoạn ngắn. Mảnh bần màu vàng nâu, gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành khá dày.


Hình 6: Vi phẫu bột Quế nhục

Trong đó:
a. Hình quan sát được dưới kính hiển vi quang học (the light microscope)
b. Hình quan sát được dưới kính hiển phân cực (the polarizing microscope)

1. Bó sợi (Fibre)
2. Tế bào đá (Stone cells)
3. Tế bào chứa tinh dầu (Oil cells)
4. Mô bần (Cork cells)
5. Tinh thể calci oxalat hình kim (Raphides of calcium oxalate)

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của Quế nhục.

Độ ẩm

Không quá 14,0 %

Tạp chất

Không quá 1,0 %

Tro toàn phần

Không quá 5,0 %

Định lượng

Dược liệu phải chứa ít nhất 1,0 % tinh dầu (tính theo dược liệu khô kiệt).

Lượt xem: 904
Tác giả: Sưu tầm và tổng hợp: CN. Lưu Hoàng Sang
Nguồn:www.opcpharma.com Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi