NÚC NÁC

Tên gọi khác : So đo thuyền, Lin may, Mộc hồ điệp, Ung ca (Lào Viêntian), K’nốc (Buôn Mê Thuột), Nam hoàng bá, Hoàng bá nam, Thiêu tầng chỉ, Bạch ngọc nhi, Thiên trương chỉ (Vân Nam), Triểu giản (Quảng Tây).

Tên gọi khác : So đo thuyền, Lin may, Mộc hồ điệp, Ung ca (Lào Viêntian), K’nốc (Buôn Mê Thuột), Nam hoàng bá, Hoàng bá nam, Thiêu tầng chỉ, Bạch ngọc nhi, Thiên trương chỉ (Vân Nam), Triểu giản (Quảng Tây).

Tên khoa học : Oryxylum indicum(L.), Vent (hoặc tên khác là Bigninia indica L., Calosanthes indica Blume

Họ : Chùm ớt (Bignoniaceae).

BỘ PHẬN DÙNG

Có 2 loại dược liệu được quan tâm nhiều từ Núc nác:

  1. Vỏ Núc nác (Cortex Oroxyli) là vỏ thân phơi hay sấy khô của cây Núc nác. Dược liệu có màu nâu nhạt, trên có rất nhiều sẹo của cuống lá cũ, và rất nhiều những đám nhỏ nổi lên, mặt trong khi còn tươi có màu vàng nhạt, không mùi, vị đắng, hơi hắc.
  2. Hạt Núc nác (Semen Oroxyli) là hạt phơi hay sấy khô của cây Núc nác. Hạt Núc nác hình bầu dục, rất mỏng, dẹt ba phía vỏ ngoài phát triển thành màng rất mỏng trông như cánh bướm, màu trắng nâu nhạt, có những đường gân từ hạt tỏa ra. Chiều dài cả hạt và cánh từ 4-7 cm, rộng 2.5-4 cm. Hạt Núc nác làm thuốc có tên Mộc hồ điệp (mộc là gỗ, cây; Hồ điệp là con bướm) vì hạt trong giống như con bướm bằng gỗ.
Vỏ Núc nác (Cortex Oroxyli)Hạt Núc nác (Semen Oroxyli)
Hình 2: Các bộ phận dùng của Núc nác

Ngoài ra một số nơi còn dùng vỏ rễ hoặc lá Núc nác.

MÔ TẢ CÂY

-   Cây cao to 7- 12 m, có thể cao tới 20- 25 m, thân nhẵn, ít phân nhánh, vỏ cây màu xám tro, nhưng khi bẻ có màu vàng nhạt. Lá to 2- 3 lần kép lông chim, dài tới 2 m lá.

-   Chét hình bầu dục, nguyên, đầu nhọn, dài 7,5-15 cm, rộng 5-6,5 cm. Hoa màu đỏ tím, to mẫm, mọc thành chùm ở đầu cành, dài tới 1m, 5 nhị trong đó có một nhị nhỏ hơn. Quả nang to, dài tới 50-80 cm, rộng 5-7 cm, trong chứa hạt, bao quanh có một màng mỏng, bóng và trong, hơi thành hình chữ nhật.

PHÂN BỔ

-   Phân bố: Núc nác mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Dược liệu cũng mọc ở nhiều nước như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào, Campuchia.

-   Thu hái: hạt được thu hái vào cuối thu sang đông. Vỏ Núc nác có thể thu hoạch gần như quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân hạ. Thường đẽo vỏ trên cây còn sống, ít nơi hạ cây.

-   Chế biến:  Vỏ Núc nác lấy về dùng tươi hay cắt nhỏ phơi khô mà dùng. 

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

-   Vỏ thân Núc nác chứa một ít ancaloit, tanin và một số dẫn xuất flavonoit ở dạng tự do hay heterozit.

-   Những chất flavonoit thường thấy là:

+   Oroxylin A: Công thức thô C6H12O5 cấu trúc là 5-7 dihydroxy 9-methoxy flavon, trọng lượng phân tử 284. Tinh thể màu vàng chanh, độ chảy 230-2320C, tan trong cồn, axeton, benzen nóng, trong kiềm, ête, axit axetic đặc.
+ Baicalein hay noroxylin: 5-6-7 trihydroxyflavon, công thức phân tử C5H10O5, trọng lượng phân tử 270,20, tinh thể màu vàng, hình lăng trụ, độ chảy 264-2650C, tan trong ethanol, methanol, ête, axeton, etylaxetat, axit axetic đặc, trong kiềm loãng và cho màu vàng thẫm, axit sunfuric đặc cho màu vàng có huỳnh quang lục. Ít tan trong cloroform, nitrobenzen.
+ Crysin: 5-7 dihydroxyflavon công thức thô C15H10O4, trọng lượng phân tử 254,23 có tinh thể màu vàng nhạt, chứa trong vỏ rễ , độ chảy 276 oC. Không tan trong nước, tan trong dung dich kiềm. Ít tan trong cồn cloroform, ête. Có thể thăng hoa được.
+ Tetuin: là baicalein kết hợp với glucoza ở vị trí 6. Có tinh thể màu vàng nhạt, độ chảy 112-1140C.

-   Hạt Núc nác có chứa một chất kiềm màu vàng, một chất dầu béo chứa 80.4% axit oleic, các axit panmitic, stearic, và có thể cả axit lignoxeric. Ngoài ra, hạt có chứa ellagic axit. (Vasanth et al., 1991). Yan R et al., (2011) đã báo cáo có 19 hợp chất khác nhau được phân lập từ hạt. 

-  Vỏ rễ chứa chrysin, baicalein, biochanin-A, và acid ellagic. Oroxylin A, chrysin, triterpene axit cacboxylic và axit ursolic được tìm thấy trong vỏ quả (Suratwadee et al 2002).

-  Một số công thức đại diện:

Oroxylin ABaicalein
CrysinTetuin

 

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Các nghiên cứu trên đều cho thấy tác dụng chống oxy hóa trong tất cả các bộ phận của cây nhưng vẫn không khẳng định được rằng bộ phận nào của cây có hoạt tính chống oxy hóa in vitro và in vivo cao nhất. Tính kháng khuẩn đã được nghiên cứu trên vỏ rễ và vỏ thân cây. Thuốc trừ giun sán, chống loét, điều hòa miễn dịch đã được nghiên cứu trên vỏ rễ. Chống viêm được thực hiện trên lá và vỏ thân.

Dựa trên kết quả lâm sàng dùng vỏ Núc nác chữa dị ứng của bệnh viên Việt –Tiệp Hải Phòng, I. I Brekhman và P.P. Gôlicôv tại Viện nghiên cứu hoạt chất sinh vật của chi nhánh Xibêri Viện hàn lâm khoa học Liên Xô cũ, năm 1965 đã thí nghiệm trên thực nghiệm vỏ cây Núc nác Việt Nam và đã đi tới một số kết luận sâu đây:

  1. Các kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm đã xác minh kinh nghiệm nhân dân là vỏ Núc nác có tác dụng rõ rệt chống dị ứng.
  2. Núc nác tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân bất lợi từ bên ngoài vào cơ thể. Độc tính của vỏ Núc nác rất thấp: LD 50 của vỏ Núc nác đối với chuột nhắt trắng là 23ml dịch chiết vỏ Núc nác 100% trên 1 kg thể trọng.
  3. Núc nác làm giảm độ thấm của mạch máu trên chuột đã gây mẫn cảm bằng lòng trắng và không có ảnh hưởng đối với sự thấm mạch máu trên chuột được gây mẫn cảm bằng huyết thanh ngựa trộn với dầu parafin.
  4. Núc nác không có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của hiện tượng Actuýt Sakharôv, nhưng quá trình hồi phục trên thỏ thí nghiệm đã được gây mẫn cảm xảy ra nhanh hơn là trên thỏ đối chứng.
  5. Núc nác ức chế vết sưng phồng do lòng trắng trứng gây ra. Tác dụng chống viêm của Núc nác vẫn còn tồn tại sau khi đã cắt bỏ tuyến thượng thận.
  6. Trên những con vật được gây mẫn cảm, tác dụng chống viêm thể hiện mạnh hơn là trên những con vật không được gây mẫn cảm.
  7. Do ảnh hưởng của vỏ Núc nác, độ thấm của mạch máu giảm xuống tại nơi tiêm trong da formandehid và histamin. Khi gây viêm bằng xylen, Núc nác không có ảnh hưởng trên độ thấm của máu.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

-   Hạt Núc nác là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân để chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, đau dạ dày.  Hạt Núc nác có tác dụng tẩy xổ và có thể điều trị nhiễm trùng cổ họng và tăng huyết áp khi dùng đường miệng (Singh et al., 2002). Bột nhão hạt dùng để bôi, điều trị nhọt và vết thương. Nó cũng được sử dụng để chữa các chứng rối loạn dạ dày khác nhau (Raut et al., 2009). 

-   Vỏ Núc nác chữa tiêu chảy, lỵ, là thuốc bổ chát, chữa dị ứng bệnh ngoài da, còn dùng để nhuộm màu vàng. Trong nhân dân dùng vỏ Núc nác gọi là hoàng bá nam để chữa những bệnh cần vị hoàng bá (vỏ thân phơi khô của hoàng bá Phellodendron amurense Rupr, thuộc họ Cam Rutaceae). Ngày dùng 5-10 g vỏ khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.

-   Ngoài ra một số nơi còn dùng lá và rễ Núc nác:

+   Lá Núc nác dùng trong trường hợp bị rắn cắn (Nadkarni, 1982; Khare, 2007). Lá được sử dụng bên ngoài để điều trị lá lách lớn, giảm bớt đau đầu và viêm loét, ngoài ra cũng được cho là có tính giảm đau và kháng vi sinh vật (Drury, 2006).
+   Rễ Núc nác được sử dụng như chất làm se, chống viêm, kích thích tình dục, long đờm, trị giun sán và thuốc bổ. Tại Nepal nước sắc của rễ được sử dụng trong tiêu chảy và bệnh lỵ.

Trong đông y

Công năng chủ trị

-   Hạt Núc nác nhuận phế, chỉ khát, chỉ thống, bình can dùng trong những trường hợp ho hen không ngừng, đau dạ dày, đau bụng, vết loét không liền miệng. Ngày uống 2 đến 3 g dưới dạng thuốc sắc (để chữa ho) hay sấy khô tán nhỏ (chữa bệnh đau dạ dày). Dùng ngoài tán bột rắc lên vết lở loét mụn nhọt vỡ lâu ngày không liền miệng.

-   Vỏ Núc nác tính khổ, hàn, quy vào kinh bàng quang, tỳ. Công năng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng trị hoàng đản mẩn ngứa dị ứng, viêm họng, đái buốt, đái đục, đái đỏ do bàng quang thấp nhiệt. Ngày dùng 2- 3 g, dạng thuốc bột hoặc 8 - 16 g dạng thuốc sắc. Đối với người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.

Các bài thuốc đông y

Một số bài thuốc đông y có Núc nác

-   Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày:

Hạt Núc nác 10 g, đường phèn hay kẹo Mạch nha 30 g, nước 300 ml sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

-   Chữa lở loét do sơn ăn:

Vỏ Núc nác tươi (số lượng tùy theo vết loét) giã nát, thêm rượu 30 - 40% vào (rượu ta vẫn thường uống), cứ 1 phần vỏ, 3 phần rượu, ngâm vào khoảng 2-3 giờ. Dùng rượu này bôi vào nơi lở sơn. Ngày bôi 3- 4 lần, Chỉ 2- 3 ngày là khỏi.

Trong y học hiện đại

Chế phẩm chứa Núc nác: Siro HoAstex

Ở các bộ lạc của Ấn Độ, vỏ và hạt của cây được sử dụng trong sốt, viêm phổi và những rối loạn về đường hô hấp. Tại Việt Nam, Núc nác cũng rất được coi trọng trong điều trị bệnh đường hô hấp cho trẻ em vì hiệu quả và tính an toàn cao. Từ 1985, các Dược sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng I đã nghiên cứu thành công bài thuốc trị ho cho trẻ em với 3 thành phần: Núc nác, tần dày lá và cineol. Thuốc được bào chế dưới dạng siro có mùi thơm dược liệu, vị ngọt, thích hợp cho trẻ khi sử dụng và có tác dụng như là kháng sinh chống lại các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, ngoài ra còn có tác dụng sát trùng đường hô hấp, kháng dị ứng, long đờm và giảm ho.

Kể từ tháng 9 năm 2010, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhượng quyền công thức cho Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC. Sản phẩm với tên gọi trên thị trường Siro HoAstex này đã nhanh chóng lọt vào top 5 sản phẩm doanh số cao của OPC và được Bộ Y tế vinh danh là “ Ngôi sao thuốc Việt 2014”.


Hình 3: sản phẩm HoAstex của Công ty CPDP OPC

TIÊU CHUẨN

Vỏ thân Núc nác được tiêu chuẩn hóa theo Dược Điển Việt Nam IV:

Mô tả

Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 - 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang.  Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.


Hình 4: Dược liệu vỏ Núc nác

Vi phẫu

Lớp bần rất dày, gồm 30 - 40 lớp tế bào hình chữ nhật xếp tương đối đều đặn  theo hướng tiếp tuyến, có nhiều chỗ lớp bần nứt rách rất sâu. Mô mềm vỏ gồm tế bào có thành mỏng, hơi kéo dài theo hướng tiếp tuyến, rải rác có nhiều đám mô cứng. Libe cấp hai rất dày, libe bị các tia tuỷ cắt ra thành từng nhánh. Tế bào libe thành mỏng xếp đều đặn và bị bẹp từng vòng theo hướng tiếp tuyến. Nhiều đám sợi, tế bào thành dày hoá gỗ, rõ rệt, kết tầng trong libe. Tia ruột rộng, từ 3 - 5 dãy tế bào hình chữ nhật, xếp theo hướng xuyên tâm, chạy từ tầng sinh libe-gỗ đến mô mềm và tinh thể calci oxalat hình kim rải rác khắp mô mềm vỏ và libe. Tầng sinh libe-gỗ.


Hình 5: vi phẫu vỏ Núc nác

Trong đó:

Ck       : Lớp bầnSt         : Tế bào đá
Cr        : Mô mềm vỏPr         : Nhu mô
Ph       : LibeChl       : Mô giậu
Ph.D    : Lục bìMr        : Tia ruột
Y.ct     : Các khối vàngCa        : Tầng sinh gỗ
Scl       : Các sợi 

 


Hình 6: Vi phẫu cành cắt ngang Núc nác

Bột

Màu vàng, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: nhiều sợi dài, màu vàng nhạt, thành dày, thành đôi khi có chỗ lồi đều, khoang rộng, có ống trao đổi rõ và nhiều tinh thể calci oxalt hình kim. Tế bào mô cứng màu vàng, hình nhiều cạnh, thành hơi dày, khoang rộng, ống trao đổi rõ. Rất nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, 2 đầu thuôn nhọn hoặc vuông đường kính 2 - 4 mm nằm rải rác hoặc tập trung thành bó. Mảnh bần gồm tế bào hình nhiều cạnh  thành dày. Mảnh mô mềm hình đa giác, thường chứa tinh thể calci oxalat hình kim.


Hình 7: Bột dược liệu Núc nác

Trong đó:

Cork cells: Tế bào bầnAccicular crystals: Tinh thể hình kim
Parenchymatous cells: Tế bào nhu môSpiral vessels: Mạch xoắn
Phloem fiber with lumen: Sợi libeStone cells: Tế bào đá
Sclerids: Tế bào cứngPitted vessels: Mạch điểm

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của Núc nác.

Độ ẩm

Không quá 14 %

Tạp chất

Không quá 1%

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 10,0%

Lượt xem: 771
Tác giả: DS. Mạnh Hùng, DS. Đức Lễ, CN. Trọng, CN. Hương
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi