NGHỆ

Tên gọi khác : Uất kim, khương hoàng, safran des Indes

Tên khoa học :

Curcuma longa L.

 

Họ : Gừng Zingiberaceae

BỘ PHẬN DÙNG

Ta dùng thân rễ của cây nghệ gọi là khương hoàng (Rhizoma Curcumae longae) và rễ củ gọi là uất kim (Radix Curcumae longae)

Thân rễ được thu hái vào tháng 8 và 9, cắt bỏ rễ để riêng. Muốn để lâu người ta hấp nghệ trong 6 -12 h, để ráo nước rồi đem phơi nắng hay sấy khô.



Trong đó:
A: Hình thân rễ nghệ tươi
B: Hình thân rễ nghệ sấy khô

 

MÔ TẢ CÂY

Nghệ là một loài cỏ cao 0,6 m đến 1,0 m. Thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, màu vàng sẫm đến vàng đỏ rất thơm. Lá mọc thẳng từ thân rễ, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, dài 30-40 cm, rộng 10-15 cm, hai mặt nhẵn cùng màu lục nhạt, mép nguyên uốn lượn, bẹ lá rộng và dài.
Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng dính trên một cán mập dài đến 20 cm, mọc từ giữa túm lá, lá bắc rời, màu rất nhạt, những lá phía dưới mang hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt, những lá gần ngọn không mang hoa hẹp hơn và pha màu hồng ở đầu lá, đài có 3 răng không đều, tràng có ống dài, cánh giữa dài hơn những cánh bên, màu vàng, nhị có bao phấn có cựa do một phần lồi ra của trung đới ở dưới các ô; nhị lép dài hơn bao phấn; cánh môi gần hình mắt chim, chia hơn ba thùy, bầu có lông.
Quả nang, 3 ô, mở bằng van, hạt có áo.
Mùa hoa quả: tháng 3-5

PHÂN BỔ

Nguồn gốc nguyên thủy từ Ấn Độ. Từ xa xưa, cây đã được trồng ở nhiều nơi, về sau trở nên hoang dại, trước hết là ở Trung Quốc. Vào thế kỉ 7 đến thế kỉ thứ 8, cây được du nhập sang Đông Phi; đến thế kỉ 13 cây được du nhập sang Tây Phi và đến thế kỉ 18 người dân Jamaica mới tiếp xúc với cây nghệ. Ngày nay nghệ được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới, từ Nam Á đến Đông Nam Á, Đông Á.
Ở Việt Nam, nghệ là cây trông phổ biến ở khắp các địa phương, từ vùng ven biển đến núi cao trên 1500 m. 
Nghệ là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu được hơi bóng; cây có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều tiểu vùng khác nhau. Từ nơi có khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiệt độ trung bình đến 25-26 °C ở các tỉnh phía nam ( không có mùa đông lạnh) đến những nơi có khí hậu cận nhiệt đới núi cao phía bắc, nhiệt độ trung bình dưới 20 °C, với mùa đông lạnh kéo dài, nghệ vẫn tồn tại và sinh trưởng tốt. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông ở các tỉnh phía bắc và mùa khô ở các tỉnh phía nam. Cây mọc lại vào mùa xuân, có hoa sau khi đã ra lá. Hoa mọc trên những thân của những chồi mầm năm trước, những thân đã ra hoa thì không mọc lại nữa và phần thân rễ của chúng trở thành củ cái già, sau 1-2 năm bị thối, cho những nhánh non nảy chồi thành những cá thể mới. Trên một cụm hoa, các hoa phía gốc nở trước và thời gian hoa nở kéo dài 3-4 ngày. Hoa tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong củ nghệ gồm có nước  trồng ở Ấn Độ 13,1%; protein 6,3%; chất béo 5,1%, chất vô cơ 3,5%, sợi 2,6%; carbonhydrat 69,4% và caroten tính theo vitamin A 50 đơn vị quốc tế..
Cất kéo hơi nước thu được 5,8% tinh dầu; thành phần chủ yếu D α- phellandren 1%, D sabinen 0,6%; cineol 1%, borneol 0,5%, zingi beren 25%, sesquiterpen (turmeron) 58%.
Các chất màu phenolic trong củ nghệ chủ yếu là các dẫn chất của diarylheptan. 3 chất chủ yếu là curcumin (bisferuloyl metan), bis (4 hydroxy cinnamoyl) – metan và 4- hydroxycinnamoyl feruloyl methan và 4- hydroxycinnamoyl feruloyl methan.
Curcumin là hỗn hợp gồm 3 thứ: curcumin chính thức (curcumin I) chiếm tỉ lệ 60%  là biferuloylmethan, curcumin II là monodessmetoxy curcumin chiếm 24% và curcumin III là bidessmetory curcumin 14%. Ngoài ra còn có dyhydrocurcumin.
Các thành phần chủ yếu trong tinh dầu nghệ được xác định là những sesquiterpen ceton arturmeron, α- turmeron, β- turmeron và curlone.


Nhiều hợp chất terpen khác được xác định có trong tinh dầu nghệ là α và β pinen, camphen, limonen, terpinen, caryophyllen, linalool, borneol, isoborneol, camphor, eugenol, cineol, curdiol, curzerenon và curcumen.
Hai hợp chất có tác dụng antioxydant và chống viêm được chiết xuất và xác định cùng với các curcuminoid đã nên trên, có cấu trúc 1,5 bis (4- hydroxy, 3 methoxy phenyl) – penta – (1E, 4E) – 1,4 – dien 3 on và 1- (4hydroxy – 3- nethoxy phenyl – 5- (4 hydroxy phenyl) – penta (1E, 4E) 1- 4- dien – 3- on.
Hai hợp chất phenol – sesquiterpen ceton có tác dụng ức chế lipoxygenase có trong củ nghệ với cấu trúc là 2- methyl – 6 (3 hydroxy – 4 methyl – phenyl – 3 hepten – 4 – on (turmeronol A) và 2 methyl – 6- (2 hydroxy – 4 methylphenyl) 2 hepten -4- on (turmeronol B).

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Nghệ có hoạt tính ức chế chống viêm cấp tính và viêm mạn tính trong các mô hình gây phù bàn chân và gây u hạt thực nghiệm trên chuột cống trắng, đồng thời có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Tinh dầu nghệ có hoạt tính chống viêm khớp thực nghiệm. Hoạt tính này có thể do ức chế các enzym trupsin và hyaluronidase. Curcumin và dẫn chất là những thành phần có hoạt tính chống viêm.
Nghệ có hoạt tính chống loét dạ dày và rối loạn tiên hóa. Curcumin dự phòng và cải thiện những tổ thương ở dạ dày do kích thích sản sinh chất nhầy.
Cho bệnh nhân uống bột nghệ 500 mg, ngày 4 lần, trong 7 ngày có hiệu quả tốt đối với loạn tiêu hóa acid, loạn tiêu hóa đầy hơi và loạn tiêu hóa mất trương lực.
Một số thử nghiệm lâm sàng chứng minh curcumin là một thuốc chống viêm có hiệu quả. Một thử nghiệm lâm sàng ngắn hạn ( 2 tuần) trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho thấy curcumin hoặc phenylbutazon có tác dụng cải thiện đối với sự cứng đơ buổi sáng, sưng khớp và thời gian đi bộ.
Tác dụng kháng khuẩn với một số thành phần nghệ được chứng minh. Chất curcumin I có tác dụng ức chế in vitro sự phát triển của trực khuẩn lao ở nồng độ tối thiểu 25 µg/ ml, ngoài ra còn có tác dụng ức chế Salmonella paratyphi ở 50 µg/ ml, tụ cầu vàng ở 50 µg/ ml. Tinh dầu nghệ ức chế trực khuẩn lao ở nồng độ 1 µg/ ml, Bacillus mycoides và nấm Candida albicans ở nồng độ 1/160 và Bacillus subtilis ở nồng độ 1/250. Thành phần turmeron của tinh dầu nghệ ức chế in vitro các vi khuẩn và nấm theo thứ tự hoạt tính giảm dần như sau : Bacillus subtilis, Cadida albicans, Mycobacterium tuberculosis, Shigella dysenteriae, S. Flexneri, Diplococcus pneumoniae, Proteus vulgaris, Bacillus mycoides, Klebsiella sp. Salmonella typhi, Escherichia coli. Phân đoạn chứa aryl turmeron của tinh dầu nghệ ức chế Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ tối thiểu 1 µg/ ml và các vi khuẩn S. dysenteriae, B. mycoides, B. subtilis, P. vulgaris. Curcumin có tác cụng kháng virus và ức chế protease của HIV – 1 và HIV – 2. Chất artumeron từ tinh dầu và dịch chiết hexan từ lá nghệ diệt ấu trùng muỗi Aedes aegyptii.
Kem nghệ được điều trị cho thỏ đã gây bỏng thực nghiệm có kết quả tốt. Trong điều trị nỏng, kem nghệ có tác dụng kháng khuẩn kháng nấm, loại trừ tổ chức hoại tử bỏng, có tác dụng kích thích tái tạo tổ chức và liền sẹo. Nhưng hiện tượng kích thích tái tạo tăng sinh các tế bào tổ chức liên kết xuất hiện chậm và thời gian lành bỏng kéo dài. Nghệ phối hợp với một số dược liệu khác có tác dụng tăng cường tái tạo tổ chức vết loét cổ tử cung.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

Thân rễ nghệ được dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi đẻ máu xấu không ra, bị đòn, ngã tổn thương ức máu, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da.
Rễ củ nghệ chữa khí huyết ứ trệ, bụng sườn đau, thổ huyết, ra máu cam, đái ra máu, điên cường và nhiệt bệnh hôn mê. Dùng ngoài chữa vết thương lâu lên da.
Ở Ấn Độ, nghệ dùng làm chất dễ tiêu, bổ và lọc máu, chữa sốt rét, trộn với sữa nóng trị cảm lạnh. Nước ép nghệ tươi dùng làm thuốc chống kí sinh trùng trong nhiều bệnh ngoài da.
Trong y học Trung Quốc, nghệ dùng làm thuốc kích thích, bổ, giảm đau, cầm máu và tăng cường chuyển hóa, chỉ định trong loét dạ dày, chảy máu dạ dày do loét, đái ra máu và cá bệnh khác.
Ở các nước Đông Nam Á, nghệ được coi có tác dụng bổ dạ dày, gây trung tiện cầm máu, chữa vàng da, bệnh gan khác. Dùng ngoài chữa ngứa, vết thương nhỏ, sâu bọ cắn, phát ban, đậu mùa, làm thuốc là mưng mủ. Có tác dụng điều trị rối loạn kinh nguyệt, làm tăng tuần hoàn, làm tan cục máu đông, trị nhiễm trùng đường tiết niệu, đau bụng, ngực và lưng, tiêu chảy, thấp khớp, ho, lao phổi. 

Các bài thuốc đông y

1.    Chữa thổ huyết máy cam: nghệ tán nhỏ, ngày uống 4-6 g, chiêu bằng nước.

2.    Chưa viêm loét dạ dày, tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi ợ chua
a.    Nghệ 10 g, trần bì 12 g, khổ sâm 12 g, hương phụ 10 g, bồ công anh 10 g, ngải cứu 8 g. Dùng dạng thuốc bột, ngày uống 10-20 g, chia 2 lần.
b.    Nghệ 12 g, đỗ đen sao 20 g, sâm bố chính 12 g, hoài sơn 12 g, thổ phục linh 10 g, trần bì 10 g, mật ong hoặc đường 10 g. Dạng thuốc haonf, ngày uống 10- 20 g..
c.    Nghệ, mộc hương nam, mật ong, lá khôi. Tán bột làm thành viên nén uống.

3.    Chữa viêm gan, suy gan, vàng da:
a.    Nghệ 5 g, bồ bồ 10 g, chi tử 5 g, râu ngô 5 g, siro đơn hoặc tá dược vừa đủ. Làm thành siro hoặc cốm.
b.    Nghệ 6 – 12 g, nghệ đen, hương phụ, quả quất non, tán bột, trộn với mật ong làm viên thuốc.
c.    Nghệ 2 g, rau má 4 g, hoàng bá nam 3 g, nhân trần hặc bồ bồ 3g, sài hồ nam 2 g, dành dành 2 g, nhọ nồi 2 g, hậu phác nam 2 g.

4.    Phòng và chữa bệnh sau khi đẻ:
a.    Nghệ một củ, nướng, nhai ăn, uống với rượu hay đồng tiện.
b.    Nghệ đốt tồn tính, tán bột, uống với 8 g dấm.

NGHỆ (Thân rễ)
Rhizoma Curcumae longae 
Khương hoàng, Uất kim
Thân rễ đã phơi khô hay đồ chín rồi phơi hoặc sấy khô của cây Nghệ vàng (Curcuma longa L.), họ Gừng (Zingiberaceae).
Mô tả
Thân rễ hình trụ, thẳng hoặc hơi cong, đôi khi phân nhánh ngắn dạng chữ Y, dài 2 - 5 cm, đường kính 1 - 3 cm. Mặt ngoài màu xám nâu, nhăn nheo, có những vòng ngang sít nhau, đôi khi còn vết tích của các nhánh và rễ. Mặt cắt ngang thấy rõ 2 vùng vỏ và trụ giữa; trụ giữa chiếm gần 2/3 đường kính. Chất chắc và nặng. Mặt bẻ bóng, có màu vàng cam. Mùi thơm hắc, vị hơi đắng, hơi cay.
Vi phẫu
Tiêu bản mới cắt, chưa nhuộm tẩy thấy rõ lớp bần dày, gồm nhiều hàng tế bào dẹt, trong đó rải rác có những tế bào màu vàng hoặc xanh xám, phía ngoài rải rác còn có lông đơn bào dài. Mô mềm vỏ gồm những tế bào tròn to, thành mỏng, chứa hạt tinh bột (dược liệu đã đồ chín thì tinh bột ở trạng thái hồ). Rải rác trong mô mềm còn có tế bào tiết tinh dầu màu vàng và các bó libe-gỗ nhỏ. Nội bì và trụ bì rõ. Mô mềm ruột có cấu tạo giống mô mềm vỏ. Trong mô mềm ruột có những bó libe-gỗ rải rác nhiều hơn, một số bó tập trung sát trụ bì, gần như tạo thành một vòng tròn.



Bột
Mảnh mô mềm gồm những tế bào thành mỏng chứa các hạt tinh bột. Nhiều hạt tinh bột hình trứng dài 12 - 50 mm, rộng 8 - 21 mm, có vân đồng tâm và rốn lệch tâm. Tế bào chứa tinh dầu và nhựa tạo thành những đám lổn nhổn màu vàng. Mảnh mạch mạng và mạch vạch.


Định tính
Thể hiện phép thử định tính của Nghệ
Độ ẩm
Không quá 12% (Phụ lục 12.13).
Tạp chất
Tạp chất khác: Không quá 1%
Tỷ lệ non, xốp: Không quá 1%
Tro toàn phần
Không quá 8%
Tro không tan trong acid
Không quá 1%
Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 12,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Định lượng
Tinh dầu không ít hơn 4% tính theo dược liệu khô kiệt.
Bảo quản
Để nơi khô, trong bao bì kín, tránh bay mất tinh dầu. Cần phơi sấy luôn để tránh mốc, mọt.

Lượt xem: 930
Tác giả: DS.Phan Lê Như Quỳnh
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi