NGẢI CỨU

Tên gọi khác : Thuốc cứu, Ngải diệp, Nhả ngải (Tày), cỏ Linh ly (Thái), Quá sú (H’Mông), Ngỏi (Dao)

Tên gọi khác : Thuốc cứu, Ngải diệp, Nhả ngải (Tày), cỏ Linh ly (Thái), Quá sú (H’Mông), Ngỏi (Dao).

Tên khoa học : Artemisia vulgaris L.

Họ : Cúc (Asteraceae).

BỘ PHẬN DÙNG

Phần trên mặt đất thu hái khi cây có hoa, dùng tươi hay phơi khô trong râm. Nếu tán nhỏ rồi rây lấy phần lông trắng thì được ngải nhung.

MÔ TẢ CÂY


Hình 1: dược liệu tươi Ngải cứu

Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,40-1m. Thân cành mọc sum sê, có rãnh và lông nhỏ. Lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên màu xanh lục sẫm, nhẵn hoặc có ít lông, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng; những lá ở ngọn có hoa không chẻ.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm kép mang nhiều đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt; tổng bao gồm những lá bắc nguyên giống như những vảy có lông; đầu mọc chúc xuống cùng phía, hình trứng cụt, mang hoa cái hoặc hoa lưỡng tính trên cùng một cụm hoặc ở những cụm khác nhau; thường hoa cái chiếm nhiều hơn; hoa không có mào lông; tràng hoa cái có ống mảnh, cụt hoặc có 2 răng ở đầu, tràng hoa lưỡng tính hình phễu, có 5 thùy uống cong ra phía ngoài; nhị 5.

Quả bế, thuôn nhỏ, không có túm lông.

Toàn cây có mùi thơm hắc.

Mùa hoa quả: tháng 10-12.

PHÂN BỔ

-   Phân bố:

Ngải cứu có nguồn gốc từ vùng ôn đới ấm châu Âu hoặc châu Á, hiện nay cây được trồng và trở nên hoang dại hóa ở vùng nhiệt đới Nam Á, Đông – Nam Á và Ấn Độ, Pakistan, Srilanca, Bangladesh, Lào, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc …Ở Việt Nam, cây được trồng từ lâu đời trong nhân dân từ nam đến bắc. Ở độ cao từ khoảng 800m trở lên, có cây ngải dại mọc tự nhiên rất nhiều ở tỉnh Lào Cai( Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Than Uyên); Lai Châu ( Phong Thổ, Sìn Hồ, Tuần Giáo, Tủa Chùa); Yên Bái (Mù Cang Chải); Cao Bằng (Trùng Khánh, Bảo Lạc); Lạng Sơn (Vùng Mẫu Sơn); Hòa Bình (Mai Châu) và Hà Giang…chính ngải dại nguồn dược liệu được khai thác thường xuyên, mỗi năm phải đến 1000 tấn để sản xuất thuốc. Còn Ngải cứu trồng chỉ được sử dụng tại chỗ, trong phạm vi nhân dân.

Ngải cứu là cây ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng, thường được trồng phân tán trong các vườn gia đình, hay các vườn thuốc của các cơ sở y học dân tộc. Cây mọc thành từng khóm, nếu không bị thu hái, tỉa thưa sẽ nhanh chóng bò lan tạo thành đám lớn khó phân biệt giữa các cá thể. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa xuân - hè; về mùa đông, phần thân cành trên mặt đất có hiện tượng tàn lụi một phần. Ngải cứu ra hoa quả nhiều hàng năm, song hạt không được sử dụng để gieo trồng.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

-   Toàn cây Ngải cứu chứa tinh dầu có hàm lượng 0,20 – 0,34%. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là các monoterpen và sesquiterpen. Gồm 1,8‑cineol, camphor, terpinen 4‑O‑l, β‑pinen, (–)‑borneol, mycren và vulgrin (là những thành phần ít thay đổi) còn thuyon (α hoặc ) thường có mặt với hàm lượng thấp hoặc đôi khi không có (PROSEA – 1999). Ngoài ra còn dehydromatricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, aracholalcol.

-   Các flavonoid hầu hết là 3-0- flavonol luterosid, một triterpene là fermenol. Đáng chú ý là hợp chất sesquiterpenlacton rất phổ biến trong chi artemisia, nhưng hiếm thấy trong Ngải cứu. Người ta mới phát hiện một chất là psilostachyin trong một mẫu Ngải cứu ở Nam Tư (cũ).

-   Trong Ngải cứu Việt Nam, có nhiều chất màu indigo – base, gần 50 hợp chất đã phân tích và xác định có trong lá chủ yếu là β caryophylen 24% và β cubedene 12% ( PROSEA -1999).



TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

-   Theo tài liệu nước ngoài các chất herniarin và umbelliferon tồn tại trong than, lá ngải chân vịt có tác dụng an thần, lợi mật, kháng khuẩn, diệt giun sán, cầm máu. Chất herniarin còn có tác dụng bảo vệ gan để điều trị viêm gan. Chất lactiflorenol trong tinh dầu có tác dụng bình suyễn, kháng khuẩn.

-   Theo kinh nghiệm dân gian, Ngải cứu được dùng chữa bế kinh, đau bụng kinh,  kinh nguyệt không đều, đại tiểu tiện ra máu, ho, vết thương dồn dập.

-   Tại Châu âu Ngải cứu được sử dụng kích thích tiết dịch dạ dày ở bệnh nhân chán ăn, chống đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chuột rút, nhiễm giun sán, động kinh, nôn, các vấn đề về kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

Dùng sống hoặc chế biến như sau:

-   Ngải diệp sao: Dùng Ngải nhỏ, sao lá ngải cho khô, hơi vàng.

-   Ngải diệp sao cháy: Lấy lá Ngải cho vào nồi, sao đến khi có màu đen, vẩy ít nước để trừ hỏa độc.

-   Ngải diệp chích mật:

Ngải cứu:  10kg
Mật ong: 2kg
Đem mật ong pha loãng đun sôi, cho lá ngải vào đảo đều cho đến khi khô vàng, sờ không dính tay là được.

-   Ngải diệp chích giấm:

Ngải cứu : 10kg
Giấm :  1.2kg
Trộn đều lá ngải với giấm để 30 phút.Sao đến khô khi dược liệu có màu đen

-   Ngải diệp chích rượu:

Ngải cứu:  10kg
Rượu:  1.5 – 2kg
Trộn đều sao cho đến khô đen hoặc sao lá ngải cho đen rồi phun rượu vào, vẩy ít nước để trừ hỏa độc.

-   Ngải diệp chưng với rượu, giấm, gừng, muối:

Ngải cứu: 10kg
Rượu, giấm: mỗi thứ 1kg
Gừng tươi: 20kg
Muối ăn: 80kg

Các bài thuốc đông y

Bài 1: Chữa đại tiện ra máu

Ngải cứu, Hạn liên thảo, Lá Diễn (Dicliptera chinensis (L.)Ness) mỗi vị 60g, Xa tiền thảo 30g. Giã nhỏ, thêm nước gạo 90 mL,gạn lấy nước, thêm đường trắng uống.Ngày 1 lần, trong 2-3 ngày.

Bài 2: Chữa vết thương tụ máu

Ngải cứu 250g, Thủy trạch lan 120g, giã nát dung rượu sao nóng, gạn lấy 60ml nước uống, bã đắp ngoài.

Trong y học hiện đại

Ngải cứu, có hiệu quả làm giảm đau đối với chứng đau bụng kinh, có tác dụng điều chỉnh chu kỳ hành kinh, làm thông kinh.

 

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam IV

Mô tả

Ngọn thân dài không quá 30 cm, có khía dọc, màu vàng nâu hay nâu xám, có lông tơ. Lá mọc so le, có cuống hoặc không, thường nhăn nheo, cuộn vào nhau. Lá có nhiều dạng: Lá trên ngọn nguyên, hình mác; lá phía dưới xẻ một hoặc hai lần hình lông chim. Mặt trên lá màu xám đến xanh đen, nhẵn hay có rất ít lông tơ, mặt dưới lá màu tro trắng, có rất nhiều lông tơ trắng như mạng nhện nằm dẹp, cụm hoa đầu, gồm nhiều hoa hình ống.

Vi phẫu

Lá:

Phần gân lá: Gân chính lồi lõm ở cả 2 phía trên và dưới. Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào hình trứng và đều mang 2 loại lông che chở đa bào: lông đa bào một dãy và lông đa bào hình chữ T (đầu lông có 1 tế bào hình thoi nằm ngang, chân lông đa bào đính vào giữa tế bào hình thoi). Sát lớp biểu bì là đám mô dày gồm 2 hàng đến 3 hàng tế bào có thành dày ở góc. Mô mềm gồm các tế bào hình gần tròn hoặc hình nhiều cạnh, thành mỏng, tương đối đều. Có 3 đến 5 bó libe-gỗ rời nhau xếp thành hình cung cân đối: bó ở giữa to nhất, các bó hai bên nhỏ dần (cấu tạo libe-gỗ chồng kép). Libe gồm những tế bào nhỏ hình đa giác xếp bao lấy gỗ, các mạch gỗ xếp thành hàng tương đối đều đặn.

Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào có kích thước lớn hơn tế bào ở phần gân lá, mang lông che chở đa bào. Biểu bì dưới mang lỗ khí nhô hẳn ra ngoài biểu bì. Dưới lớp biểu bì trên có 1 lớp mô giậu gồm 1 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với biểu bì, kế đến là mô khuyết.

Thân:

Mặt cắt ngang có hình gần như đa giác do có nhiều chỗ lồi, từ ngoài vào trong có: Biểu bì gồm 1 hàng tế bào nhỏ hình trứng, mang lông che chở đa bào 1 dãy và lông đa bào hình chữ T. Đám mô dày tập trung ở các chỗ lồi. Mô mềm vỏ gồm các tế bào thành mỏng xen kẽ giữa các đám mô dày. Từng đám mô cứng hình thoi (hai đầu nhỏ, ở giữa phình to) nằm úp lên phần libe của các bó libe-gỗ. Tầng phát sinh libe-gỗ và libe tạo thành vòng. Gỗ và đám mô cứng phía ngoài libe tạo thành bó tròn, tập trung nhiều ở các chỗ lồi. Mô mềm ruột cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, các tế bào phía ngoài hình tròn hay đa giác; ở giữa bị kéo dài ra, phần trung tâm các tế bào tròn và to hơn.

Bột

Lông che chở (bị gãy hoặc còn nguyên) đa bào hoặc đa bào hình chữ T (đầu đơn bào hình thoi, chân lông đa bào một dãy) (4). Lông tiết: đầu có một tế bào, chân có 3 tế bào (3). Mảnh biểu bì thân gồm tế bào hình chữ nhật. Mảnh biểu bì lá gồm tế bào có thành mỏng, nhăn nheo (1). Lỗ khí thường tách rời khỏi biểu bì và đứng riêng lẻ (2). Sợi dài, thành hơi dày, đứng riêng lẻ hoặc tụ họp thành từng đám (6). Tế bào mô cứng hình trái xoan thành dày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ. Mảnh mạch điểm, mạch vạch, mạch xoắn (5).

Định tính

Thể hiện phép thử định tính của Ngải cứu

Độ ẩm

Không quá 13,0 % 

Tro toàn phần

Không quá 15,0 % 

Tro không tan trong acid

Không quá 1,5 % 

Tạp chất

Tỷ lệ thân và cành: Không quá 35,0 %.
Tạp chất khác: Không quá 0,5 %. 

Tỷ lệ vụn nát 

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5 % 

Định lượng

Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,25 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Lượt xem: 894
Tác giả: DS. Nguyễn Văn Được, DS. Nguyễn Tri Thành, DS. Hoàng Quốc Tuấn
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi