MẪU ĐƠN

Tên gọi khác : Đơn bì, hoa vương, phú quý hoa

Tên khoa học :

Paeonia suffruticosa Andr.

 

Họ : Hoàng liên (Ranunculaceae)

BỘ PHẬN DÙNG



Rễ, thu hái vào tháng 9 những cây trồng được 3 năm, đào về lấy vỏ rễ phơi khô
 

MÔ TẢ CÂY

 


Cây nhỏ, sống lâu năm, cao đến 1 m hoặc hơn. Rễ mập, dài. Lá mọc so le, cuống lá dài, chia 3 thùy, mỗi thùy lại chia 3 thùy nhỏ hơn, thùy tận cùng có 3 răng to, mặt trên xanh lục sẫm, mặt dưới trắng nhạt phủ lông tơ, cuống dài 6 – 10 cm.

Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, đương kính 15 – 20 cm, màu đỏ, trắng hoặc tím tía, thơm, đài 4 răng tồn tại, tràng 10 -20 cánh rộng, nhị rất nhiều, chỉ nhị ngắn, bầu 3 -5 noãn.
Quả có 3 - 5 đại, hạt to gần tròn

  


Mùa hoa: tháng 5 – 7

PHÂN BỔ

Mẫu đơn là loài cây quý được trồng lâu đời ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Cây ưa sáng và ưa ẩm, thích nghi vùng khí hậu ôn đới và ấm. Hoa mọc lá mới vào mùa xuân từ các chồi ngủ trên thân cành, mọc ra loạt lá mới, sau đó có hoa. Hoa mẫu đơn nhiều màu, nở vào sáng sớm, thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, quả khi già tự mở.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC



Rễ mẫu đơn chứa alkaliod, saponin và một số chất thuộc nhóm anthocyanin có tên là peonin, paeonol, paenosid, paeoniflorin – paeonosid, khi thủy phân thu được paeonolid và arabinose.

Ngoài ra còn có oxypaeniflorin, benzoylpaeoniflorin, d-catechin sacharose, sterol và một lượng tinh dầu từ 0,15 đến 0,4%
Trong vỏ rễ mẫu đơn, có các chất acetophenon như 2,5 dihydro – 4 methyl acetophenon và 1, 2, 3, 4, 6 penta galolglucose.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Rễ mẫu đơn có tác dụng chống co thắt, chống viêm và giảm đau. Nước sắc rễ có tác dụng chống có thắt trên hồi trằng và tử cung khi cho chuột và thỏ uống. Cao methanol có tác dụng tương tự trên tử cung chuột cống trắng, nhưng cao ethanol lại có tác dụng kích thích tử cung thỏ. Mẫu đơn gây giãn cơ dạ dày và tử cung cô lập chuột cống tắng. Cao chiết nước nóng ức chế viêm khớp gây bởi chất bổ trợ và phù bàn chân chuột gây bởi caragenin. Cao chiết nước nóng hoặc ethanol ức chế sự kết tập tiểu cầu gây bởi adenosin diphosphat, acid arachidoic và colagen, ức chế sự đông máu rải rác trong mạch khi cho động vật uống hoặc tiêm phúc mạc và có hoạt tính kháng tiêu fibrin in vitro. Cao rễ mẫu đơn còn có tác dụng bảo vệ gan do carbon tetrachorid trên chuột nhắt và cống trắng.
Rễ mẫu đơn có tác dụng ức chế aldose reductase của thủy tinh thể bò với mức 71 -90%. Enzym này gây tích lũy sorbitol trong tế bào, có vài trò quan trọng trong những biến chứng mạn tính đái tháo đường. Cao methanol có tác dụng ức chế monoamin oxydase, như vậy mẫu đơn có thể trị trầm cảm.
Hoạt chất paeoniflorin có tác dụng chống co thắt, chống viêm, an thần, giảm đau, có độc tính rất thấp, gây mất phản xạ đứng thẳng khi tiêm tĩnh mạch cho chuột cống trắng, kéo dài thời gian giấc ngủ gây bởi hexobarbital, ức chế triệu chứng quặng đau gây bởi tiêm phúc mạc acid acetic trên chuột cống trắng, có hoạt tính hạ sốt và chống co giật yếu. Ngoài ra hoạt chất này còn có tác dụng dự phòng loét dạ dày so stress, ức chế sự quá mẫn khi tiếp xúc, phản ứng phản vệ da thụ động trên động vật thí nghiệm, gây hạ áp cho chuột lang do giãn mạch ngoại biên. Chất này gây giãn mạch vành và mạch chân sau chó, ức chế sự vận động và giảm trương lực cơ trơn như dạ dày, tử cung, và có tác dụng ức chế trên plasminogen và plasmin, và có hoạt tính chống đông trên cả in vitro và in vivo
Paeoniflorin dự phòng sự giảm acetylcholin gây bởi scopolamin trong thể khía, làm giảm sự suy yếu về nhận thức của chuột già; như vậy Paeoniflorin có khả năng áp dụng trong điều trị rối loạn nhận thức cũng như sa sút trí tuệ ở người già.
Hoạt chất paeonol có tác dụng ức chế sự sinh sôi của Escherichia coli, Bacillus subtilis, Staphyllococcus aureus và Streptococcus faecalis. Ngoài ra còn có tác dụng chống huyết khối do tác dụng ức chế trên các prostanoid.


Tính vị, công năng
Mẫu đơn có vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình, vào các kinh tâm, can, thận, có tác dụng thanh huyết nhiệt, hạ sốt, mất máu, hoạt huyết, làm tan máu ứ, giảm đau.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

Trong đông y

Mẫu đơn bì được dùng làm thuốc trấn kinh, giảm đau, chữa nóng âm kéo dài, sốt về chiều, đem, không có mồ hôi hoặc đơn sưng, huyết ứ phát sốt, chữa nhức đầu, đau lưng, đau khớp, đau kinh, kinh nguyệt không đều, bệnh phụ khoa sau khi đẻ, ngày dùng 6 -12 g, sắc uống.
Trong y học cổ truyền nhiều nước phương Đông, mẫu đơn được dùng làm thuốc giảm đau, chống viêm, chống co thắt trong điều trị bế kinh, đau kinh, đau ngực, đau bụng, sa sút trí tuệ, nhức đầu, chóng mặt, co thắt cơ bắp chân, bệnh gan, dị ứng và làm thuốc chông đông máu. Phụ nữ có thai không dùng mẫu đơn vì có thể bị sảy thai.

 

Các bài thuốc đông y

1.    Chữa suy nhược thần kinh, nhức đầu, mất ngủ, di tinh:
       Mẫu đơn bì 8g, thục địa 16g, sơn thù, hoài sơn mỗi vị 12g, trạch tả, phục linh, phụ tử chế mỗi vị 8g, nhục quế 4g, sắc uống ngày một thang.
2.    Chữa tăng huyết áp:
       Mẫu đơn bì 8g, thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù, trạch tả, phục linh, đương qui, bạch thược, mỗi vị 8g, sắc uống ngày một thang.
3.    Chữa thiếu máu
       Mẫu đơn bì 8g, thục địa, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 16g, hoài sơn, mai ba ba, ngẫu tiết, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g, sơn thù, trạch tả, phục linh mỗi vị 8g, sắc uống ngày một thang.
4.    Chữa đau nhức do máu kém lưu thông.
       Mẫu đơn bì 200g, đương qui 2000g, hoài sơn, ngọc trúc, hà thủ ô đỏ, đan sâm mỗi vị 400g, bạch linh, mạch môn, trạch tả mỗi vị 200g, thanh bì, chỉ thực, thù nhục mỗi vị 100g, tán bột làm viên 5g, ngày uống 4-8 viên.

MẪU ĐƠN BÌ (Vỏ rễ)
Cortex Paeoniae suffruticosae

Vỏ rễ phơi khô của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr.), họ Mẫu đơn (Paeoniaceae).

Mô tả
Mẫu đơn bì hình ống hoặc nửa hình ống, có khe nứt dọc, hai mép thường cuộn cong vào trong hoặc mở ra, dài 5 cm đến 20 cm, đường kính 0,5 cm đến 1,2 cm, dày 0,1 cm đến 0,4 cm. Mặt ngoài màu nâu hay vàng nâu, có nhiều lỗ bì nằm ngang và vết sẹo rễ nhỏ, nơi tróc vỏ bần, có màu phấn hồng. Mặt trong của vỏ màu vàng tro hoặc nâu nhạt, có vằn dọc nhỏ, rõ, thường có nhiều tinh thể nhỏ sáng. Chất cứng giòn, dễ bẻ gãy. Mặt gãy gần phẳng, có tinh bột, màu phớt hồng. Vị hơi đắng và se. Mùi thơm đặc biệt.

Bột


Trong đó:
1. Mảnh mô mềm chứa tinh bột, có khi mang tinh thể calci oxalat
2. Rất nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép hình dạng khác nhau, kích thước khoảng 0,01 - 0,02 mm, rốn hạt có dạng điểm, đường hay phân nhánh
3. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai, kích thước 0,02 - 0,03 mm, đứng riêng lẻ hay nằm trong mô mềm



Màu nâu đỏ nhạt, hạt tinh bột rất nhiều, hạt đơn loại hình tròn hoặc hình đa giác, đường kính 3 m đến 16 m, rốn có dạng điểm hoặc kẽ nứt hoặc hình chữ V, hạt kép có từ 2 đến 6 hạt hợp thành. Những bó tinh thể calci oxalat có đường kính 9 m đến 45 m, đôi khi các tế bào chứa các tinh thể này  lại đứng liền nhau, xếp thành các cụm bó tinh thể, có khi một tế bào lại chứa nhiều bó calci oxalat. Tế bào bần hình chữ nhật, thành hơi dày màu đỏ nhạt.

Định tính
Thể hiện phép thử định tính của mẫu đơn bì
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 12.13).
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Tỉ lệ gỗ lẫn: Không quá 5,0 %.
Tạp chất khác: Không quá 1,0 %.
Tro toàn phần
Không quá 5,0 % (Phụ lục 9.8).
Định lượng
Dược liệu phải chứa paeonol (C9H10O3) không dưới 1,2 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến 
Thu hoạch vào mùa thu. Đào lấy rễ, loại bỏ rễ nhỏ và đất, bóc lấy vỏ rễ, phơi khô.
Bào chế
Rửa sạch nhanh vỏ rễ, ủ mềm, thái đoạn, phơi khô.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô, mát.
Tính vị, quy kinh
Khổ, tân, vi hàn. Vào các kinh tâm, can, thận.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết hóa ứ. Chủ trị: Phát ban, khái huyết, nục huyết, sốt hư lao, cốt chưng, vô kinh, bế kinh, nhọt độc sưng đau, sang chấn.
Cách dùng, liều lượng 
Ngày dùng từ 6 g đến 12 g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, ỉa chảy, kinh nguyệt ra nhiều, phụ nữ có thai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt nam Tập I. - NXB khoa học và kỹ thuật - 2004. Tr. 253-256
Dược điển Việt Nam IV, chuyên luận “Mẫu đơn bì”.

Lượt xem: 848
Tác giả: DS.Phan Lê Như Quỳnh
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi