HƯƠNG PHỤ

Tên gọi khác : Củ gấu, Hương phụ vườn, cỏ cú, sa thảo

Tên gọi khác : Củ gấu, Hương phụ vườn, cỏ cú, sa thảo

Tên khoa học : Cyperus rotundus L.

Họ : Cói (Cyperacceace)

BỘ PHẬN DÙNG

Thân rễ

Rhizoma Cyperi là thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ (Cyperus rotundus L.), hoặc cây Hương phụ biển (Cyperus stoloniferus Retz.)

MÔ TẢ CÂY

Cỏ sống dai, cao 20 – 30 cm. Thân rễ hình chỉ, nằm bò sát dưới mặt đất, từng đoạn phình thành củ hình trứng, từ củ mọc lên thân khí sinh. Thân nhẵn, hình ba cạnh. Lá nhỏ, hẹp, và dài, gốc có bẹ ôm thân, đầu lá thuôn nhọn, gân chính rõ.

Cụm hoa ở đỉnh, phân nhánh nhiều thành những bông xếp dạng ngù, bông kép hay cờ không đều; mỗi bông có trục nhẵn mang 3 – 20 bông nhỏ, các bông nhỏ gồm nhiều hoa, trục bông nhỏ có cánh; mỗi hoa mọc ở kẽ một lá bắc còn gọi là vảy, các vảy có màu nâu xếp thành dãi ở trên trục, hình trái xoan tù; hoa không có đài và tràng; nhị 3, bao phấn hình dải thuôn; bầu thượng, có một ô, một noãn, vòi nhụy hình chỉ, đầu nhụy dài.

Quả bế có 3 cạnh, màu đen nhạt, chứa 1 hạt

Mùa hoa quả: tháng 3 – 7.

Loài Hương phụ sống ở bãi cát ven biển, có tên là Hương phụ biển hay Hải Hương phụ (Cyperus stoloniferus Retz.), cũng được dùng nhưng có chất lượng tốt hơn.

PHÂN BỔ

-   Phân bố:

Cyperus L. là một chi lớn, gồm khoảng 700 loài, phân bố rộng rãi khắp thế giới. Ở Việt Nam có 45 loài, trong đó có 2 loài Hương phụ và Hương phụ biển được dùng làm thuốc với cùng công dụng.

Hương phụ phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Ở Việt Nam, Hương phụ có mặt khắp nơi, trừ vùng núi cao trên 2000 m, Hương phụ biển lại mọc tập trung trên các bãi cát, đất pha cát ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, ở các đảo và quần đảo như Cát Bà, Hòn Mê, Hòn Khoai, Hòn Hèo, Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa…

Cả hai loài Hương phụ này đều có thể sống được trên mọi loại đất. Hương phụ biển có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt. Với hệ thống thân rễ phát triển nhanh và đặc điểm của cây ưa sáng, nếu bị một loại cây khác phát triển nhanh hơn, che phủ kín mặt đất, Hương phụ sẽ không phát triển được.

Hàng năm, các vùng biển từ Thanh Hóa trở vào có khả năng cung cấp từ 50 đến 100 tấn Hương phụ cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

-   Thu hái và chế biến:

Thường thu hái vào mùa thu. Sau khi thu hái, vun củ thành đống để đốt, lá và rễ con sẽ cháy hết, lấy những củ còn lại, phơi hay sấy khô, có thể luộc hay đồ kỹ rồi phơi khô.

Theo y học cổ truyền, trước khi sử dụng, Hương phụ cần được chế biến. Có thể chế biến theo lối tứ chế (tẩm sao lần lượt bằng 4 phụ liệu khác nhau) hoặc thất chế (tẩm sao bằng 7 phụ liệu khác nhau).

Phương pháp tứ chế được dùng phổ biến hơn. Cách làm như sau: Loại bỏ hết rễ con và tạp chất, rửa sạch, phơi ráo nước, rồi chia đều làm 4 phần. Tẩm một phần bằng nước muối 5 %, một phần bằng nước gừng 5 %, một phần bằng giấm và một phần bằng rượi 35 – 40°. Tẩm vừa đủ ướt, ủ riêng mỗi phần trong 12 giờ, rồi sao vàng. Khi dùng, để riêng từng phần hoặc trộn lẫn 4 phần với nhau tùy theo cách chữa bệnh.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Hương phụ chứa tinh dầu 0,3 – 2,8 %, flavonoid 1,25 %, tannin 1,66 %, các acid phenol (acid p-coumaric, acid ferulic, acid vanilic, acid p-hydroxybenzoic), alkaloid 0,21 – 0,24 %, glycoside tim 0,62 – 0,74 %.

Ngoài ra, Hương phụ còn có chất đắng (hệ số chất đắng 1,333), pectin 8,7 %, tinh bột 9,2 %, chất béo 2,98 % mg, acid hữu cơ 3,25 %, protein, vitamin C 8,8 % mg, nhiều nguyên tố vi lượng (Vũ Văn Điền, 1994).

Cũng theo tác giả trên, Hương phụ mọc ở một số nơi ở Việt Nam chứa tinh dầu 0,54 %, alkaloid 0,104 %, glycoside tim 0,750 %, saponin 0,041 %, flavonoid 0,720 %.

Tinh dầu thân rễ Hương phụ chứa hơn 30 cấu tử, trong đó có cyperen 3,67 %, β caryophylen 1,85 %, 5β H,7β,10β selinen 4(14),11 dien 3,17 %, cyperotundon 1,83 %, cyperolon 4,58 %, caryophylen oxyd 11,14 %, cyperenol 1,54 %, 9H cyclolongifolen 8 oxo 10,57 %, patchoulenon 2,92 %, patchoulenol 1,24 %, isopatchoul 1(5) en 3 on, α cyperon 8,96 %, α cyperol 16,74 %, neo isolongifolen 8,9 epoxy 1,34 %, đồng phân của 9H cycloisolongifolen 8 oxo 1,15 %, đồng phân của cyperon 12,26 %.

Hương phụ biển chứa tinh dầu 0,620 %, alkaloid 0,128 %, glycoside tim 0,77 %, saponin 0,05 %, flavonoid 0,78 %. Tinh dầu này chứa cyperen 8,90 %, β caryophylen 4,89 %, 5β H,7β,10α selinen 4(14),11 dien 10,67 %, cyperotundon 2,88 %, cyperolon 1,39 %, caryophylen oxyd 21,31 %, 9H cyclolongifolen 8 oxo 2,35 %, patchoulenon 2,69 %, α cyperon 3,95 %, α cyperol 4,73 %, đồng phân của cypenron 14,00 %.

Sau khi chế biến theo y học cổ truyền, hàm lượng tinh dầu của hai loài Hương phụ giảm 40 – 50 %, một số thành phần mất đi, chủ yếu là các hydrocarbon monoterpen.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Đối với tử cung: Cao lỏng Hương phụ 5 %, thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời giảm trương lực. Trên tử cung tử cung có chửa cũng như trên tử cung bình thường, cao Hương phụ đều có tác dụng ức chế. So sánh với Đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của Hương phụ yếu hơn. Thành phần dầu chiết từ Hương phụ có tác dụng kiểu estrogen, nhưng không mạnh.

Tác dụng giảm đau: Dịch chiết bằng cồn từ Hương phụ, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây đau bằng kích thích điện, bằng đường tiêm dưới da với liều 0,5 ml/20 g thận trọng, dung dịch 20 %, có tác dụng tăng cao ngưỡng kích thích gây đau

Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Tinh dầu Hương phụ, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm phúc mạc với liều 0,03 ml/ chuột, có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của pentobarbital. Trên thỏ thí nghiệm, tinh dầu Hương phụ tăng cường tác dụng gây mê của scopolamin. Về cơ chế tác dụng, qua thí nghiệm chứng tỏ Hương phụ ức chế quá trình dẫn truyền các xung thần kinh qua synap của tế bào vùng hải mã và bó tháp, còn đối với dẫn truyền qua sợi trục thần kinh thì không có tác dụng ức chế.

Các tác dụng khác: dạng chiết bằng ether dầu hỏa từ Hương phụ có tác dụng chống viêm, hoạt chất chống viêm chủ yếu là α‑cyperen có tác dụng ức chế sự hình thành prostaglandin E2. Theo tài liệu Ấn Độ, Hương phụ có mùi thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi và lợi tiểu.

Dịch chiết methanol của thân rễ C. rotundus cho uống tại liều 250 mg/kg và 500 mg/kg cho thấy tác dụng chống tiêu chảy đáng kể. 

Tác dụng chống oxi hóa qua các thử nghiệm in vitro khác nhau được cho là do các hợp chất polyphenol có trong thân rễ C. rotundus. Dầu của C. rotundus có tác dụng kháng khuẩn mạnh trên vi khuẩn Gram dương như là Staphylococcus aureus và Enterococus faecalis. Một nghiên cứu khác cho thấy tác dụng kháng khuẩn đáng kể trên Salmonella enteritidisStaphylococcus aureus và Enterococcus faecalis do lượng oligomers flavonoids toàn phần và dịch chiết etyl acetat của C.rotundus. 

Dịch chiết cồn của C. rotundus cho thấy tác động kháng viêm cao hơn hydrocortisone trong 2 mô hình gây viêm trên chuột bởi carrageenan và formaldehyde (75,9 % so với 47,3 % trong mô hình carrageenan; 55,1 % so với 35,6 % trong mô hình formaldehyde). 

Một phân đoạn thu được khi chạy sắc ký từ dịch chiết ether của cây cho thấy tác dụng hạ sốt tương tự như khi dùng acid acetyl salicylic trên cùng một mô hình động vật. 

Dịch chiết ether và các dầu từ cây được chứng minh là có tác dụng giảm đau. 

Dịch chiết ethanol thân rễ (100 mg/kg, PO) làm giảm thời gian co giật đáng kể (p < 0,001) khi so sánh với Phenytoin (25 mg/kg, IP) và Diazepam (4 mg/kg, IP). Những flavonoid trong dịch chiết cồn có thể là chất tạo ra tác dụng này. 

Dịch chiết ethanol của C. rotundus ở liều 128,1 ± 11,6 mg / kg có tác dụng bảo vệ 50 % số chó được gây nôn bằng apomorphine.

Dịch chiết ethanol của C. rotundus có hiệu lực chống co thắt gây ra bởi acetylcholine, bari clorua và 5-hydroxitriptamine ở hồi tràng thỏ, qua đó thể hiện được tác dụng giãn trực tiếp trên cơ trơn.

Dùng C. rotundus làm tăng đáng kể nồng độ HDL cholesterol ở chuột trẻ.

Dịch chiết etyl acetat thân rễ C. rotundus ở liều uống 100mg/kg có tác dụng bảo vệ gan đáng kể khi so sánh với silymarin trong mô hình gây tổn thương gan bằng CCl4do làm giảm nồng độ transaminase glutamic oxaloacetic, glutamic pyruvic transaminase, phosphatase kiềm và tổng bilirubin.

Một nghiên cứu tiến hành trên 30 người béo phì uống C. rotundus trong 90 ngày cho thấy việc giảm trọng lượng cùng với sự sụt giảm nồng độ cholesterol và triglycerides trong máu.

Uống hàng ngày của 500 mg/kg dịch chiết C.rotundus (1 lần/ngày trong 7 ngày liên tiếp) làm giảm đáng kể nồng độ glucose trong máu ở chuột đã được gây mô hình bệnh tiểu đường bằng alloxan.

Dịch chiết ethanol C. rotundus có khả năng ức chế đáng kể trên collagen, thrombin, AA - các tác nhân gây kết tập tiểu cầu. 

Thân rễ C. rotundus đã được chứng minh an toàn đến dùng liều 2000 mg/kg. Chỉ có các thông số huyết học cho thấy sự gia tăng số lượng bạch cầu và nồng độ hemoglobin.

CÔNG DỤNG

Trong cuộc sống

Trong đông y

Tính vị, quy kinh:

Hương phụ có vị cay, hơi đắng, tính bình, vào các kinh can, tam tiêu. Có tác dụng lý khí, điều kinh, thư can, chỉ thống. 

Vị Hương phụ qua các phương pháp sao tẩm khác nhau, có tính năng công dụng không giống nhau. Hương phụ sống (chưa qua chế biến) có tác dụng giải cảm. Hương phụ sao đen có tác dụng cầm máu trong trường hợp rong kinh, Hương phụ tẩm nước muối sao chữa bệnh về huyết, tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao, có tác dụng giáng hỏa trong chứng bốc nóng, tẩm giấm sao có tác dụng tiêu tích tụ chữa các trường hợp huyết ứ, u bầm, và tẩm rượu sao có tác dụng tiêu đờm. Hương phụ tử chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) được dùng chữa các chứng bệnh của phụ nữ.

Hương phụ là một vị thuốc được dùng khác phổ biến trong y học cổ truyền, với nhận định: “nam bất thiểu Trần bì, nữ bất ly Hương phụ” có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và chữa bệnh cho nữ giới không thể thiếu Hương phụ.

Công năng: Hành khí chỉ thống, giải uất điều kinh, kiện vị tiêu thực. Chủ trị: Giảm đau trong các trường hợp: Đau dạ dày, tiêu hóa kém, đau cơ, đau ngực sườn, đau dây thần kinh ngoại biên, đau đầu, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt.

Hương phụ được dùng làm thuốc điều kinh, giảm đau, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mạn tính, băng lậu đới hạ, còn là thuốc kiện tỳ vị chữa can vị bất hòa, đau dạ dày, ăn không ngon tiêu hóa kém, nôn mửa.

Liều dùng hằng ngày: 6 – 12 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc cao hoặc thuốc viên. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Các bài thuốc đông y

-   Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, huyết áp cao:

Hương phụ 3 g, Ích mẫu 3 g, Ngải cứu 3 g, Bạch đồng nữ 3 g. Sắc với nước chia làm 3 lần uống trong ngày. Muốn cho kinh nguyệt đều uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh (thuốc hương ngải).

-   Chữa kinh nguyệt không đều, kinh đến muộn, bụng dưới đau tức, lúc hành kinh có màu cục tím:

Hương phụ 5 g, Đương quy 10 g, Thược dược 10 g, Xuyên khung 5 g, Ô dược 7 g, Ngải diệp 3 g. sắc nước uống.

-   Chữa băng huyết, rong huyết: 

Hương phụ sao đen tán bột, mỗi lần uống 6 g; ngày 2 lần. Nếu có kèm theo mê man, gia thêm bẹ mốc đốt thành than tán bột uống với nước cơm.

-   Chữa kinh nguyệt không đều do huyết nhiệt, kinh thường thấy trước kì, lượng huyết nhiều màu sẫm, mùi hôi, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ:

Hương phụ (tử chế 12 g), cỏ nhọ nồi 30 g, sinh địa 16 g, cỏ roi ngựa 25 g, ích mẫu 16 g, rau má tươi 30 g, ngưu tất 12 g. Sắc nước uống ngày một thang. 

-   Chữa đau bụng nôn mửa:

Hương phụ, Riềng, Gừng khô, mỗi vị lượng bằng nhau, tán thành bột nhỏ, mỗi lần uống 6 g, ngày 3 lần.

Trong y học hiện đại

Chế phẩm Cao Ích Mẫu và OP.CIM của CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM OPC được bào chế với công nghệ tiên tiến, phối hợp Ích mẫu, Hương phụ, Ngải cứu, có hiệu quả làm giảm đau đối với chứng đau bụng kinh, có tác dụng điều chỉnh chu kỳ hành kinh, làm thông kinh và có thể sử dụng lâu dài mà không gây hại cho người dùng

TIÊU CHUẨN

Đạt tiêu chuẩn Dược Điển Việt Nam IV

Mô tả

Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.): Thân rễ (thường gọi là củ) hình thoi, thể chất chắc, dài 1 cm đến 3 cm, đường kính 0,4 cm đến 1 cm. Mặt ngoài màu xám đen, có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang (mỗi đốt cách nhau 0,1 cm đến 0,6 cm); trên mỗi đốt có lông cứng mọc thẳng góc với củ, màu xám đen và có nhiều vết tích của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ có màu xám nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm. Mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.

Hương phụ biển (Cyperus stoloniferus Retz.): Thân rễ hình thoi, thể chất chắc, kích thước củ không đều nhau, kích thước trung bình 1 cm đến 5 cm, đường kính 0,5 cm đến 1,5 cm, mặt ngoài có màu nâu hay nâu sẫm; có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang củ (mỗi đốt cách nhau 0,1 cm đến 0,6 cm); trên mỗi đốt có lông cứng mọc nghiêng theo chiều dọc, về phía đầu củ, màu nâu hay nâu sẫm và có nhiều vết tích của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ màu hồng nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm. Mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.

Vi phẫu

Vi phẫu Hương phụ vườn và Hương phụ biển giống nhau. Biểu bì gồm một hàng tế bào hình trái xoan, to nhỏ không đều. Hạ bì gồm 2 đến 3 hàng tế bào thành dày hình vuông hay chữ nhật, rải rác có các đám sợi hóa gỗ. Mô mềm vỏ khoảng hai mươi đến ba mươi hàng tế bào thành mỏng, hình hơi tròn hay trái xoan, xếp lộn xộn, trong đó có nhiều hạt tinh bột và tế bào tiết hình tròn hoặc teo lại thành nhiều cạnh. Trong mô mềm vỏ còn có các đám libe-gỗ, mỗi đám gồm mạch gỗ bao quanh libe. Nội bì gồm một vòng tế bào hình vuông nhỏ, thành hơi dày. Trụ bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, thành mỏng, xếp sát nội bì. Mô mềm ruột gồm những tế bào hình tròn to, thành mỏng, trong đó có chứa tinh bột và các đám libe-gỗ.

Bột

Bột của Hương phụ vườn màu hồng nhạt và của Hương phụ biển màu trắng xám. Soi dưới kính hiển vi thấy: Tế bào mô cứng (7) hình chữ nhật hay nhiều cạnh, màu vàng nhạt, thành dày, có ống trao đổi rõ. Tế bào tiết (1, 5) hình tròn hay bầu dục, trong đó có chất tiết màu vàng, xung quanh có 5 tế bào đến 8 tế bào xếp tỏa ra rất đặc biệt. Hạt tinh bột (3) hình tròn hay bầu dục, rộng 4 μm đến 25 μm, rốn và vân không rõ. Tế bào nội bì (2) màu vàng, hình chữ nhật, thành dày. Mảnh mạch vạch, mạch mạng (6). Sợi kết thành từng bó (4).

Định tính
Thể hiện phép thử định tính của Hương phụ.

Định lượng
Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 0,35 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Độ ẩm
Không quá 13,0 % 

Tro toàn phần
Không quá 3,0 % 

Tro không tan trong acid
Không quá 0,4 % 

Tạp chất
Tỷ lệ dược liệu còn lông và phần gốc thân còn gắn vào củ (dài quá 0,5 cm đến 1 cm): Không quá 8,0 %.
Tỷ lệ dược liệu cháy đen: Không quá 1,0 %.
Tạp chất khác: Không quá 0,5 %.

Lượt xem: 1.379
Tác giả: DS. Nguyễn Tri Thành, DS. Nguyễn Nữ Quỳnh Loan, DS. Hoàng Quốc Tuấn
Nguồn:suckhoedoisong.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi