TỎI ĐỘC

CÂY TỎI ĐỘC Tên khoa học: Colchicum autumnale L., họ Hành – Liliaceae. 1.Đặc điểm thực vật Tỏi độc là cây thuộc thảo sống lâu năm, do một thân hành to...

CÂY TỎI ĐỘC

Tên khoa học: Colchicum autumnale L.,họ Hành – Liliaceae.

1.Đặc điểm thực vật

cây tỏi độc
cây tỏi độc

Tỏi độc là cây thuộc thảo sống lâu năm, do một thân hành to mẫm dài 3- 4cm, đường kính 2- 3cm mọc sâu dưới đất, quanh có phủ các vẩy nâu là gốc những lá cũ khô đi. Từ giò mọc lên cán hoa với 3- 4 hoa, xuất hiện vào mùa thu, hoa có hình ống dài, cao vượt trên mặt đất khoảng 10- 15cm, phần ống phía trên loe thành hình chuông với 6 cánh hình bầu dục, màu tím hồng nhạt, có 6 nhị, 3 nhị phía trong ngắn hơn với bao phấn màu vàng cam; nhụy gồm 3 lá noãn hợp thành một bầu 3 ngăn. Lá to, dài, đầu lá hẹp, nhọn. Qủa nang.

cây tỏi độc
mô tả cây tỏi độc

2.Phân bố, trồng hái và chế biến

Tỏi độc mọc hoang trên các đồng cỏ của các nước trung và nam châu Âu. Cũng có các nước trồng nhiều như Rumani và Hungari. Hàng năm thu từ 6-8 tấn hạt. Trồng bằng hạt hoặc bằng dò.

Khi quả chín có màu nâu. Người ta cắt về phơi khô, quả sẽ nứt cho hạt rơi ra ngoài, lấy riêng hạt phơi thật khô để giữ cho hoạt chất khỏi bị giảm đi nhiều.

3.Bộ phận dùng và thành phần hóa học.

Hạt chín (Semen Colchici) đã phơi khô. Hạt chín có màu nâu sẫm, hình cầu, đường kính khoảng 3mm, có phần cuống hạt còn lại rất rõ.

Trong hạt tỏi độc có chứa alcaloid (trung bình 1,2%): alcaloid chính là colchicin (0,2-0,6%) phần lớn tập trung ở tế bào vỏ hạt. Ngoài ra, tới nay đã phân lập trên 20 alcaloid phụ, trong đó có demecolcin (desacetyl. N-metylcolchicin) là chất có phản ứng kiềm, colchicin (2-demetyl-colchicin-2-β-D-glucosid).

cây tỏi độc
thành phần hóa học

Decolcin chỉ khác colchicin ở chỗ thay nhóm –COCHcủa colchicin bằng –CH3 của demecolcin.

       Ngoài ra trong hạt còn chứa dầu béo (17%), acid benzoic, phytosterol, đường (5%), tanin.

       Trong dò tỏi độc có tinh bột, đường, gôm, tanin, nhựa. Hàm lượng alcaloid trong giò thấp hơn trong hạt (dưới 0,2%) và democolchicin chiếm phần lớn.

4.Kiểm nghiệm.

a. Định tính.

– Lấy dịch chiết cho bốc hơi tới khô,hòa tan cắn với acid sulfuric sẽ thấy màu vàng xuất hiện, thêm acid nitric đặc sẽ chuyển màu vàng sang màu đỏ tím.

– Đun 0,5g bột hạt tỏi độc (hoặc cắn của 5ml dịch chiết nước đã bốc hơi) với 5ml H2SO4 2N, lọc nóng, sau khi nguội đem lắc dịch lọc với 5ml chloroform. Lọc lớp chloroform, lấy ra qua giấy lọc đã thấm ươt bằng chloroform, rồi đem bốc hơi tới khô, hòa tan cắn trong 0,5ml HCl đặc, cho thêm 0,5ml và đun 5 phút trong nồi cách thủy sôi. Nếu có colchicin thì dung dịch có màu vàng và sẽ chuyển sang màu xanh đậm khi cho thêm vài giọt dung dịch FeCl3.

b. Định lượng.

Colchicin là một alcaloid không có tính kiềm, do đó không thể tạo muối khi tác dụng với acid. Dược điển quốc tế định lượng Colchicin bằng phương pháp cân theo nguyên tắc: chiết colchicin bằng  cồn 95˚, cho bốc hơi cồn, hòa tan cắn trong dung dịch Na2SO20%, rồi loại tạp chất bằng cách lắc với ether. Sau đó chuyển alcaloid sang dung môi chloroform, bốc hơi dung môi, cho vào cắn  ít cồn 95˚ rồi cho bốc hơi cồn. Sau đó sấy khô cắn colchicin ở 100˚C tới khối lượng không đổi rồi đem cân.

Ngoài ra, người ta cũng có thể định lượng colchicin bằng phương pháp so màu dựa vào nguyên tắc: Đun nóng với acid HCl đặc, colchicin biến đổi thành colchicein. Hợp chất có nhóm OH – enol này tác dụng với FeCl3 tạo ra dung dịch có màu xanh dùng để định lượng.

cây tỏi độc

5.Tác dụng và công dụng:

Colchicin là chất rất độc với động vật máu nóng. Triệu chứng ngộ độc (tiêu chảy, hạ huyết áp, liệt thần kinh trung ương) thường xuất hiện ngay sau vài giờ. Liều chết đối với colchicin là  0,02≈ 5g hạt≈50 g cồn hạt 1/10, chết do ngạt thở. Ảnh hưởng của colchicin lên sự phân chia của tế bào được chú ý đặc biệt. Colchicin có khả năng ngăn cản hiện tượng gián phân trong giai đoạn biến kì.Tác dụng này được sử dụng để cải tạo giống cây trồng.

Trong điều trị, người ta dùng colchicin để chữa bệnh Gout (bệnh thống phong) đặc biệt trong trường hợp cấp tính. Có thể do nó tham gia vào sự biến đổi chất có nhân purin, nó ngăn cản hoặc loại trừ sự tích lũy acid uric ở khớp xương. Liều dùng 0,5mg x 4 lần trong 24 giờ (dùng kéo dài tối đa 3 ngày trong một đợt điều trị). Do có tác dụng đối với hiện tượng phân bào nên colchicin cũng được dùng chữa bệnh bạch cầu và bệnh lympho bài ác tính. Demecolcin ít độc hơn colchicin 30-40 lần nên người ta hay dùng hơn.

Tỏi độc được dùng dưới dạng cồn hạt 1/10 với liều 1,5g/lần, 3g trong 24 giờ, cao cồn nước với liều 0,05g/lần, 0,2 g trong 24 giờ để chữa bệnh thống phong. Khi dùng thấy hiện tượng ỉa lỏng phải ngừng thuốc ngay. Thường người ta chỉ dùng 4-5 ngày lại nghỉ không nên dùng lâu sợ bị ngộ độc.

Hiện nay người ta trồng cây tỏi độc với mục đích chiết lấy colchicin dùng trong nông nghiệp nhiều hơn dùng làm thuốc. Tuy nhiên một số nước vẫn dùng tỏi độc và các chế phẩm của tỏi độc làm thuốc.

Copy xin vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Lượt xem: 1.634
Tác giả: LuuThanhPhong
Nguồn:duoclieu.edu.vn Sao chép liên kết
Tìm kiếm chúng tôi