Cây Diệp Hạ Châu - Hướng làm giàu mới của người dân Phú Yên

Là nguyên liệu điều chế nhiều loại thuốc chữa bệnh gan, cây diệp hạ châu (thường gọi là cây chó đẻ) đang trở thành sản phẩm mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân Phú Yên.

Từ năm 2008, Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh Phú Yên đã bắt đầu triển khai Dự án “Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn, phù hợp với vùng đất Phú Yên để làm thuốc trong nước và xuất khẩu”. Với kinh phí gần 2 tỷ đồng, chỉ sau 2 năm, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung (trụ sở tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) đã chuyển giao giống, vốn và công nghệ cho nông dân trồng 15ha dược liệu, trong đó cây diệp hạ châu chiếm 10ha nằm rải rác trong ruộng vườn ở các xã thuộc huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP.Tuy Hòa.

Ông Châu Văn Đồng - nông dân phường Phú Thạnh, Tuy Hòa nói: “Hóa ra, cây chó đẻ dễ trồng hơn trồng lúa, bắp, rau… Mỗi vụ khoảng 50 ngày, cây cho năng suất 15-16 tấn/ha, mỗi năm trồng được 4 - 5 vụ, đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Tính ra, trồng cây chó đẻ lãi gấp mấy lần trồng lúa, rau màu”.

Cây Diệp Hạ Châu - Hướng làm giàu mới của người dân Phú Yên 1
Nông dân Châu Văn Đồng (phường Phú Thạnh, Tuy Hòa) chăm sóc ruộng diệp hạ châu

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung Lê Thị Tuyết Anh cho biết, diệp hạ châu đắng có tên khoa học Phyllanthus amarus, là cây thuốc đã được người dân dùng từ lâu đời để chữa viêm gan, vàng da, viêm thận, phù thũng, điều kinh. Gần đây, loại cây này được chiết xuất chế tạo ra viên nang Hamega giúp hạ men gan, hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan B, xơ gan, điều trị viêm gan do virus...

Hiện nay, với tỉ lệ 15% dân số Việt Nam nhiễm viêm gan siêu vi B, mỗi năm các nhà máy dược trong nước đang có nhu cầu sử dụng 5-10 tấn nguyên liệu chiết xuất từ diệp hạ châu (tương đương 750 - 1.500 tấn dược liệu tươi) để làm thuốc. Nhu cầu nguyên liệu diệp hạ châu đắng hiện đang rất lớn trong nước và trên thế giới.

Đầu ra ổn định

Đưa chúng tôi đi thăm quy trình sơ chế, đóng gói diệp hạ châu, Giám đốc Tuyết Anh cho hay: Hiện tại, trên 200 hộ dân tại Phú Yên đang ký kết hợp đồng trồng ổn định khoảng 50ha diệp hạ châu. Các hộ tham gia vùng nguyên liệu đều phải được đơn vị tiến hành kiểm tra chất đất, nguồn nước và tập huấn quy trình trồng, thu hoạch.Gần đây, thông qua việc tham gia vào dự án “Phát triển hoạt động BioTrade trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam” do tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Vietnam thực hiện cùng đối tác trong nước là Viện Dược liệu, người dân còn được đào tạo và hiểu rõ về các nguyên tắc trồng và thu hái cây dược liệu theo các tiêu chuẩn Thực hành tốt Trồng và thu hái dược liệu theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP WHO).

Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên - ông Biện Minh Tâm cho biết: Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên hiện đang phối hợp rất chặt chẽ với những hộ trồng diệp hạ châu để hướng dẫn, giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm. Lợi nhuận hấp dẫn từ cây thuốc này đã góp phần đa dạng hóa cây trồng, giúp người dân làm giàu bền vững.

Đây là một cơ hội đa dạng hóa cây trồng, làm giàu “nhẹ nhàng” cho nông dân Nam Trung Bộ, với lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là con số không nhỏ, trong lúc nhiều vùng nông nghiệp đang loay hoay phấn đấu xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm…

Lượt xem: 404
Nguồn:afamily.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi