Cách dùng cam thảo bắc hiệu quả nhất

Phụ nữ mang thai nếu dùng nhiều cam thảo sẽ dễ bị đẻ non hoặc sinh con dị tật, thiếu cân. Những vị thuốc mang tên cam thảo được dùng ở Việt Nam: – Cam thảo bắc. – Cam thảo đất.   – Cam thảo dây. Hai vị sau được gọi chung là cam thảo nam, vị hơi ngọt, tác […]

Phụ nữ mang thai nếu dùng nhiều cam thảo sẽ dễ bị đẻ non hoặc sinh con dị tật, thiếu cân.

Những vị thuốc mang tên cam thảo được dùng ở Việt Nam:

– Cam thảo bắc.

– Cam thảo đất.  

– Cam thảo dây.

Hai vị sau được gọi chung là cam thảo nam, vị hơi ngọt, tác dụng không giống như cam thảo bắc. Riêng hạt cam thảo dây lại có chất độc.

Cam thảo bắc là 1 trong 10 vị thuốc Đông y được sử dụng nhiều nhất vì ngoài tác dụng chính là giải độc, nó còn có vai trò điều hòa tác dụng của các vị thuốc theo mong muốn của thầy thuốc.

87-tm49

Theo Đông y, sinh cam thảo (cam thảo sống) vị ngọt, tính bình; chích cam thảo (cam thảo sao chín hoặc nướng chín) vị ngọt, tính ôn. Cả hai đều có tác dụng ích khí, giải độc, nhuận phế. Khi được dùng phối hợp với các vị khác trong một bài thuốc, nó có tác dụng hỗ trợ, điều hòa, hợp lực, điều vị. Cụ thể là nó giảm nhẹ hoặc hòa hoãn độc tính của các vị thuốc độc (như phụ tử), mạnh (như đại hoàng) hoặc điều hòa các vị thuốc tương kỵ (như hoàng cầm tính lạnh, phối hợp với đẳng sâm tính ấm). Nếu làm thuốc bổ thì dùng chích cam thảo, để giải nhiệt thì dùng sinh cam thảo.

Theo các nghiên cứu hiện đại cam thảo có các tác dụng sau:

– Giải độc: Glycyrrhizin và các muối (Ca, Na…) trong cam thảo có tác dụng khử độc của thuốc, kim loại, giúp bảo vệ gan trong viêm gan mạn tính, ngăn độc tố tác dụng lên tim, chữa ngộ độc strychnin, cocain chlohydrat, chloralhydrat. Cam thảo có khả năng chống lại chất độc của cá, thịt lợn, nọc rắn, độc tố uốn ván và bạch hầu.

– Chữa loét đường tiêu hóa: Do tác dụng chống viêm và ức chế tăng tiết dịch vị (ngược lại, một số chất trong cam thảo lại gây viêm loét).

– Chống co thắt cơ trơn: Do tác dụng của các flavonoid.

Ngoài ra, theo y học hiện đại, cam thảo còn có tác dụng giảm ho, lợi tiểu, chữa táo bón, gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, hạ thân nhiệt, giảm hô hấp, chữa một số bệnh về da, bệnh Addison.

Lưu ý khi dùng

– Kiêng ăn cá.

– Không dùng chung cam thảo với các vị thuốc đại kích, cam toai, nguyên hoa hoặc các nhóm thuốc: corticosteroid, thuốc chứa Digitalis, thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid.

– Không dùng cam thảo khi dạ dày đầy hơi.

Một số bài thuốc hay

– Chữa loét dạ dày, ruột: Ngày uống 3-5 g cam thảo dưới dạng bột hoặc cao lỏng. Dùng liên tục 7-14 ngày, sau đó nghỉ vài ngày để tránh phù nề.

– Kiện tỳ, cầm tiêu lỏng: Nhân sâm, cam thảo mỗi thứ 4 g; bạch truật, bạch linh mỗi thứ 12 g, sắc nước uống. Thích hợp với người tỳ vị hư nhược, mệt mỏi, ăn ít, tiêu lỏng hoặc tiêu lỏng kéo dài (tránh nhầm với tiêu chảy là bệnh tiêu phân loãng nhiều nước, nhiều lần trong ngày).

– Chữa di chứng xuất huyết não, huyết áp cao: Cam thảo, lá sen mỗi thứ 15 g; đỗ trọng 12 g, bạch thược, sinh địa, mạch môn, tầm gửi mỗi thứ 10 g, sắc 3 lần lấy mỗi lần 100 ml. Trộn chung 3 nước, chia 3 lần uống trong ngày. Ba ngày sau khi dùng thuốc, huyết áp sẽ giảm; 6 ngày sau, bệnh nhân nói đỡ ngọng, cử động được chân tay. Dùng tiếp đến khi khỏi.

– Giải độc thuốc trừ sâu và các loại thuốc gây viêm gan: Sinh cam thảo, phòng phong mỗi thứ 40 g; đậu xanh (cả vỏ, xay nát) 70 g, sắc uống (sau khi đã gây nôn hoặc rửa dạ dày và uống than hoạt).

– Giải độc nấm: Sinh cam thảo, phòng phong mỗi thứ 40 g sắc uống (sau khi đã rửa dạ dày và cho uống than hoạt).

– Giải độc ô đầu, phụ tử: Sinh cam thảo, sinh khương mỗi thứ 16g; kim ngân hoa, đậu xanh (cả vỏ, xay nát) mỗi thứ 70 g. Sắc lấy 200 ml thuốc, thêm đường rồi cho nạn nhân uống ngay, sau lại sắc uống tiếp nước thứ 2, thứ 3.

– Chữa bệnh Addison: Ngày uống 10-30 ml cao lỏng cam thảo, liên tục trong 30 ngày. Bệnh nhân có thể bị phù nhẹ, khi ngừng thuốc sẽ khỏi.

Chú ý: Vị cam thảo được nói đến trong bài này đều là cam thảo bắc.

Lượt xem: 632
Nguồn:agarwood.org.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Tìm kiếm chúng tôi